1. Những hiểu lầm về dụng cụ vắt sữa mẹ
Thời xưa để vắt sữa mẹ, người ta chủ yếu dùng bằng tay. Giờ đây, các loại bình vắt, máy vắt sữa lần lượt ra đời. Thực tế chưa ghi nhận trường hợp nào núm vú bị to ra do sử dụng dụng cụ hút sữa, vì vậy những lo ngại của một số bà mẹ có thể do tâm lý.
Cũng không có chuyện vắt bằng các dụng cụ sữa sẽ không nhiều và bị đau. Vắt bằng máy hay bằng tay đều như nhau và đều sẽ bị đau nếu không làm đúng cách. Quầng vú là nơi tập trung nhiều nang sữa, do đó khi dùng dụng cụ hút, nên đặt phễu hút vừa ngay quầng vú. Thao tác đầu tiên phải nhẹ nhàng để kích thích sữa tiết ra. Trường hợp bị đau là do ngay từ thao tác đầu tiên đã quá mạnh tay hoặc đặt phễu không ngay quầng vú. Vắt một bên xong khoảng 5-6 sáu phút sau, chuyển sang vắt bên kia.
Đối với vắt tay thì dùng ngón trỏ và ngón cái đặt ngay quầng vú và ấn nhẹ nhàng. Nên dùng tay bên này vắt cho vú bên kia sẽ thuận hơn.
Vắt bằng máy hay bằng tay đều sẽ bị đau nếu không làm đúng cách
2. Nên dùng dụng cụ vắt sữa mẹ khi nào?
Không nên quá lạm dụng việc vắt sữa bằng dụng cụ. Chỉ nên sử dụng trong những trường hợp muốn duy trì nuôi con bằng sữa mẹ nhưng không thể như: trẻ thiếu tháng phải gửi phòng dưỡng nhi, mẹ bị bệnh lý về vú (núm vú lõm, đầu vú ngắn), mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được, nứt đầu vú gây nên áp xe vú, nhiễm trùng…
Khi dùng dụng cụ hút sữa, người mẹ nghĩ đến con sẽ khiến sữa mới tiết ra nhiều hơn. Sữa mẹ được tiết ra theo cơ chế phản xạ. Khi bé mút vú mẹ tạo một phản xạ dẫn luồng thần kinh lên não mẹ, kích thích tuyến yên, tiết ra nội tiết tố prolactine vào máu dẫn đến các tế bào tạo sữa ở các nang sữa của tuyến vú để chuẩn bị sữa cho kỳ bú sau. Đồng thời khi bé bú phản xạ cũng kích thích thuỳ sau tuyến yên tiết ra một nội tiết tố oxytocine có tác dụng co cơ, co bóp các cơ quanh nang sữa và co cơ tử cung (đau bụng dưới), làm tống xuất sữa, phun sữa ra ngoài (bé bú bên này vú bên kia chảy sữa). Điều này còn lý giải nguyên nhân tại sao nếu người mẹ cho con bú trực tiếp, được ôm ấp con thì sữa sẽ tiết ra nhiều hơn.
(Theo TS.BS Khu Thị Khánh Dung- Phó giám đốc bệnh viện Nhi TƯ)