Dù Montessori được ca ngợi về hiệu quả giáo dục và khơi gợi tiềm năng phát triển ở trẻ hiệu quả, giúp trẻ có những kĩ năng tự lập từ nhỏ và giúp trẻ phát triển sớm, cũng như đạt được khả năng toàn diện về trí lực và tinh thần.. tuy nhiên phương pháp giáo dục nào cũng sẽ tồn tại những ưu điểm và nhược điểm riêng, và Montessori cũng vậy.
Dưới đây là những nhược điểm của phương pháp giáo dục Montessori mà cha mẹ có thể tham khảo để cân nhắc lựa chọn cho con đồng thời hiểu và khắc phục được các nhược điểm này :
Nhược điểm của phương pháp giáo dục trẻ Montessori
-
Học phí đắt đỏ, chi phí giáo cụ Montessori tốn kém : giáo cụ chuẩn bị cho các kĩ năng của Montessori luôn có tiêu chuẩn chất lượng cao do vậy mà mức giá của các tài liệu này không hề nhỏ, thêm nữa một lớp học Montessori còn cần rất nhiều món đồ chơi , học cụ và tài liệu đầy đủ với thiết kế riêng và có tính nâng cao dần về độ khó để trẻ được học hỏi bài bản chính vì vậy mà khóa học Montessori sẽ có mức học phí cao hơn so với các chương trình học mẫu giáo thông thường. Các cha mẹ mong muốn giáo dục con với phương pháp Montessori sẽ bị hạn chế nhiều khi khả năng tài chính không cho phép.
-
Độc lập không phải lúc nào cũng giúp ích : khả năng hoạt động độc lập, không cần đến sự giúp đỡ của mọi người không phải lúc nào cũng có ích, đặc biệt khi trẻ bắt đầu học lên các bậc lớn hơn như bậc đại học và ra trường đi làm. Khối lượng công việc nhiều luôn đòi hỏi sự hợp tác của mọi người để thực hiện công việc tốt hơn, nhanh chóng và hiệu quả cho dù khi trẻ còn đang đi học hay đi làm. Điều này đòi hỏi kĩ năng hợp tác, tương tác tốt và môi trường Montessori cần chú trọng hơn để tạo nhiều điều kiện phát triển khả năng cộng tác, làm việc nhóm giữa các trẻ.
-
Chương trình học lỏng lẻo: triết lý của Montessori là theo sát học sinh và lấy trẻ làm trung tâm, phương pháp này cho phép trẻ tự do lựa chọn những gì trẻ mong muốn làm thay vì đưa ra những yêu cầu để trẻ thực hiện theo, dù vẫn có những quy tắc, quy định trẻ cần tuân thủ nhưng một lớp học Montessori sẽ có chương trình học ít nhiệm vụ hơn so với một lớp học thông thường.
Thêm nữa, những hoạt động trong lớp gần như phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên, một đứa trẻ sẽ được dẫn dắt bởi cô giáo để đạt được những kĩ năng, thực hiện các nhiệm vụ theo đúng tiến trình, tốc độ yêu cầu. Một số giáo viên Montessori sau một thời gian đã tự nhận thấy thiết kế chương trình học chú trọng vào chuẩn bị những tài liệu cho môn học về ngôn ngữ và nghệ thuật nhiều hơn là dành cho toán học và khoa học, những giáo viên giỏi sẽ cố gắng cân bằng và đưa ra thời khóa biểu hợp lý nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
-
Thiết kế lớp học tự do có thể gây lộn xộn: trẻ nhỏ có thể tự do di chuyển trong lớp học và lấy tài liệu, học cụ để thực hiện nhiệm vụ mà trẻ lựa chọn, điều này được xem là lí tưởng nhất cho sự phát triển riêng biệt mà mỗi cá nhân trẻ trong từng thời điểm quan tâm nhất. Tuy nhiên điều này có thể khiến cho lớp học khá lộn xộn và mất tập trung khi diện tích không gian phòng học cho trẻ thường hạn chế trong khi quá nhiều trẻ đi lại nhiều lần trong lớp.
Từ những vấn đề trên có thể thấy trường học Montessori là một mô hình học tập và phát triển tuyệt vời nhưng không phải hoàn hảo và còn tồn tại những nhược điểm đáng lưu ý, cha mẹ và giáo viên cần có những giải pháp tốt hơn để duy trì hiệu quả của phương pháp Montessori một cách ưu việt nhất.