1. So sánh LG 77G4PSA và Sony K-75XR90: Thiết kế và chất lượng hoàn thiện
Cả hai mẫu tivi 4K này đều thuộc phân khúc cao cấp nhất thị trường cho nên về mặt thiết kế, chắc chắn sẽ không có điểm gì để chê cả, tuy nhiên, vì mỗi thương hiệu đều có phong cách đặc trưng nên sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể.
Tivi 77 inch của LG có thiết kế tối giản và hiện đại, gây ấn tượng với viền màn hình siêu mỏng, mang lại trải nghiệm xem đắm chìm hơn. Chân đế trung tâm chắc chắn, có thể điều chỉnh độ cao, tuy nhiên, nó sẽ hơi rung lắc so với chân đế của Sony, khiến nó trở thành ‘không hoàn hảo’ và có thể gây đến một số khó chịu cho người dùng. Tuy nhiên, tính năng điều chỉnh độ cao thì lại là một điểm cộng, mang đến sự linh hoạt và tiện dụng hơn trong việc sắp xếp không gian xem.
Ngược lại, tivi 75 inch Sony sử dụng chân đế đôi, tạo nên sự chắc chắn và ổn định tuyệt đối. Chân đế này có thể điều chỉnh được ở nhiều vị trí khác nhau, cả chiều ngang và chiều dọc, mang lại sự linh hoạt tối đa trong việc bố trí. Mặc dù viền màn hình không mỏng bằng tivi 4K LG 77G4PSA thế nhưng Sony K-75XR90 vẫn tạo cảm giác sang trọng và cao cấp nhờ chất liệu và kiểu dáng tinh tế.
Về chất lượng hoàn thiện, cả tivi LG 4K 77G4PSA và tivi Sony 4K K-75XR90 đều được chế tạo với chất lượng cao, sử dụng vật liệu cao cấp. Sự khác biệt về cảm nhận khi chạm vào và độ bền có thể không quá rõ rệt đối với người dùng phổ thông, cho thấy sự tỉ mỉ trong quá trình sản xuất của hai hãng.
Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là khía cạnh quản lý dây cáp. Tivi Sony 75 inch K-75XR90 có nắp nhựa để che phần dây cáp ở phía sau, giúp giấu đi các dây nhợ lộn xộn tạo nên vẻ ngoài gọn gàng và chuyên nghiệp. Tivi 4K OLED LG 77G4PSA thì cho phép luôn dây qua chân đế hoặc qua các kẹp ở phía sau nếu sử dụng giá đỡ gắn tường. Tuy nhiên, việc luồn dây quan chân đế của 77G4PSA có thể gây khó khăn hơn một chút so với giải pháp của Sony. Nhìn chung, ở khía cạnh này cả hai giải pháp đều có ưu, nhược điểm riêng và phụ thuộc vào ở thích của người dùng.
2. So sánh LG 77G4PSA và Sony K-75XR90: OLED đối đầu Mini-LED!
Đây là phần quan trọng nhất, cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt rõ rệt của hai mẫu tivi cao cấp này. Trong khi tivi OLED 4K LG 77G4PSA sử dụng công nghệ OLED thì Sony K-75XR90 sử dụng công nghệ Mini-LED với Local Dimming.
2.1. Độ tương phản và màu đen
Với công nghệ OLED, smart tivi OLED evo LG 77 inch 77G4PSA mang lại độ tương phản vô cực, màu đen tuyệt đối. Mỗi điểm ảnh tự phát sáng và có thể tắt hoàn toàn, tạo ra những vùng tối sâu thẳm, chi tiết và chân thực. Nó mang lại trải nghiệm xem phim, chơi game tuyệt vời, đặc biệt là trong những cảnh tối.
Còn Google tivi Mini LED Sony 4K 75 inch K-75XR90 với công nghệ Mini-LED và Local Dimming cũng có độ tương phản rất cao, thậm chí có thể đánh lừa mắt người xem tưởng như là màu đen tuyệt đối. Nhưng về bản chất, nó vẫn không thể đạt được độ tương phản vô cực như OLED. Những vùng tối vẫn có thể hiện ra một chút ánh sáng, mặc dù rất mờ. Tuy nhiên, sự cải tiến đáng kể của công nghệ Mini-LED và Local Dimming trên K-75XR90 đã thu hẹp đáng kể khoảng cách về độ tương phản so với OLED.
2.2. Độ sáng, dải màu và góc nhìn
Tuy kém độ tương phản, nhưng khía cạnh độ sáng thì tivi Sony K-75XR90 lại tỏ ra lợi thế hơn, và cách biệt khá rõ rệt.
Ở các nội dung thực tế, LG 77G4PSA đạt hơn 500 nits, đủ sáng cho bất kỳ căn phòng nào nhưng trong những không gian có nhiều ánh sáng mạnh thì nó cũng gặp khó khăn trong việc hiển thị. Trong khi đó, Sony K-75XR90 đạt khoảng 1000 nits, có thể hiển thị rõ nét và phù hợp hơn với những không gian rộng thoáng nhiều nguồn sáng, chẳng hạn như penthouse cao cấp.
Về màu sắc, cả hai tivi này đều có gam màu rất rộng. Nếu 77G4PSA bao phủ gần như toàn bộ không gian màu DCI-P3 thì K-77XR90 cũng chỉ kém hơn một chút, thế nhưng đại diện của Sony lại bao phủ phần lớn không gian màu Rec 2020. Vậy nên, về cơ bản màu sắc của hai tivi này cũng thuộc dạng ‘một chín, một mười’. Tuy nhiên, như đã nói ở trên thì vì độ sáng cao hơn nên Sony K-75XR90 sẽ hiển thị sống động hơn một chút.
Về góc nhìn, công nghệ OLED trên LG 77G4PSA mang lại góc quan sát rộng hơn, hình ảnh vẫn giữ được chất lượng tốt. Còn K-75XR90 thì góc nhìn chỉ ở mức trung bình.
2.3. Khả năng xử lý hình ảnh
Cuối cùng, cả hai tivi 4K này đều có chất lượng xử lỳ hình ảnh rất tốt, sử dụng chip xử lý hàng đầu của từng hãng. Tuy nhiên, ở khía cạnh này thì nhìn chung Sony – được đánh giá là có khả năng xử lý hình ảnh tốt nhất trong ngành – vẫn nổi bật hơn. Tuy nhiên, LG cũng không để mình bị bỏ rơi quá xa, hãng cũng đang tiếp cận rất gần với hiệu suất của Sony.
Trên hai mẫu tivi này, Sony K-75XR90 tỏ ra mạnh mẽ hơn trong việc xử lý nội dung độ phân giải thấp, độ sắc nét rất cao và có thể cải thiện đến từng chi tiết nhỏ nhất. LG 77G4PSA cũng làm rất tốt công việc này, nhưng ở các chi tiết nhỏ thì vẫn chưa thể làm được hoàn hảo như Sony.
3. So sánh LG 77G4PSA và Sony K-75XR90: Tính năng và hiệu suất!
Cả hai mẫu tivi đều được trang bị những tính năng hiện đại. Tuy nhiên, cũng có một số khác biệt cần lưu ý để giúp người dùng lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.
3.1. Cổng kết nối và âm thanh
Cả LG 77G4PSA và Sony K-75XR90 đều có 4 cổng HDMI, tuy nhiên cả 4 cổng của 77G4PSA đều là HDMI 2.1 và hỗ trợ lên tới 4K 144Hz. Trong khi đó K-75XR90 chỉ có 2 cổng HDMI 2.1 hỗ trợ 4K 120Hz trên tổng số, đã vậy 1 trong 2 cổng đó lại còn là eARC, cũng có nghĩa nếu kết nối tivi với soundbar hay thiết bị âm thanh ngoài thì sẽ chỉ còn lại 1 cổng HDMI 2.1 duy nhất.. Vì thế cho nên khả năng kết nối của tivi Sony 75 inch sẽ có phần hạn chế hơn so với tivi LG 77 inch.
Về âm thanh, cả hai đều sở hữu hệ thống hiện đại với công suất mạnh mẽ, hỗ trợ các định dạng âm thanh độ phân giải cao và Dolby Atmos, cho nên khá tương đồng về chất lượng đầu ra. Hơn nữa khoảng cách về âm thanh cũng không thực sự quá quan trọng nếu người dùng kết hợp tivi với soundbar, loa ngoài.
3.2. Hệ điều hành và giao diện người dùng
Tivi LG 4K OLED sử dụng hệ điều hành WebOS còn tivi Sony 4K sử dụng hệ điều hành Google TV. Cả hai hệ điều hành trên hai chiếc tivi cao cấp này đều cung cấp trải nghiệm rất mượt mà và nhanh chóng, kho ứng dụng cũng phong phú. Tuy nhiên, nếu xét về khả năng tùy biến và đa dạng thì Google TV sẽ chiếm ưu thế hơn một chút. Song, cái này cũng hoàn toàn phụ thuộc vào cảm quan của từng người.
3.3. Hiệu năng chơi game
Đối với hầu hết game thủ, cả hai sản phẩm đều đủ tốt, nhưng đây là khía cạnh mà tivi OLED cho thấy sự áp đảo hoàn toàn. Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt giữ 5.4ms của 77G4PSA và 9.8ms của K-75XR90 khi chơi game ở độ phân giải 4K 120Hz. Thậm chí, LG 77G4PSA còn có thể chơi game 4K 144Hz với độ trễ đầu vào chỉ 6ms.
Tóm lại, nếu bạn quan tâm đến độ trễ đầu vào, hãy chọn LG 77G4PSA. Còn nếu chơi game chỉ là yếu tố phụ, thì cả hai mẫu tivi này đều rất tuyệt vời.
4. So sánh giá bán tivi LG 77G4PSA và tivi Sony K-75XR90
Giá bán cũng là một yếu tố cần được cân nhắc. Cả hai mẫu tivi 4K này đều thuộc phân khúc cao cấp, do đó, mức giá của chúng không hề rẻ, LG 77G4PSA có giá tham khảo khoảng 99 triệu đồng, còn Sony K-75XR90 khoảng 71 triệu đồng.
Xét về tổng thể chất lượng hình ảnh, tính năng và hiệu suất, thì giá trị mà tivi LG 77G4PSA mang lại có vẻ cao hơn một chút so với Sony K-75XR90 cho nên giá thành cao hơn cũng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, khoảng chênh lệch 28 triệu đồng cũng thực sự là một vấn đề mà người dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng.
5. Nên mua tivi LG 77G4PSA hay tivi Sony K-75XR90?
Thực tế mà nói không có mẫu tivi nào tốt hơn hay tốt nhất cả, tất cả sự lựa chọn đều tùy thuộc vào nhu cầu và ngân sách của mỗi người mà thôi.
Nếu bạn đặt ưu tiên hàng đầu là độ tương phản hoàn hảo, muốn trải nghiệm thế nào là màu đen tuyệt đối và có trải nghiệm tổng hợp (chơi game, xem phim) đỉnh cao, thì smart tivi OLED evo LG 77 inch 77G4PSA là lựa chọn lý tưởng.
Tuy nhiên, nếu bạn cần một chiếc tivi có độ sáng cao, màu sắc tươi tắn, trải nghiệm tổng hợp chỉ kém hơn một chút, giá cũng rẻ hơn, thì Google tivi Mini LED Sony 4K 75 inch K-75XR90 đáng cân nhắc hơn.
Cả hai mẫu tivi này đều thuộc hàng cao cấp với chất lượng hình ảnh tuyệt vời, chỉ khác nhau ở một số chi tiết nhỏ. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ các yếu tố trên để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với mình nhé.