1. Không quét nhà vào ngày mùng 1 Tết
Từ ngày xưa cha ông ta đã cho rằng nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm thì cả năm gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Quét dọn nhà cửa trong những ngày này chính là quét hết tài lộc trong năm mới ra khỏi nhà và đương nhiên đó chính là điềm xấu, không may mắn đối với gia chủ. Nếu có quét nhà thì chỉ thu rác vào một góc chứ không hốt đổ đi.
Quan niệm này dựa trên một điển tích của Trung Quốc, trong “Sưu thần ký”, có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Từ ngày có Như Nguyệt trong nhà thương gia này làm ăn phát đạt. Vào mồng 1 Tết năm nọ, Như Nguyệt phạm lỗi, Âu Minh không kiềm được cơn giận đã ra tay đánh Như Nguyệt. Như Nguyệt hoảng sợ chui vào đống rác và biến mất, từ đó nhà Âu Minh làm ăn sa sút, buôn bán không thành trở nên nghèo kiết xác. Kể từ đó mọi người kiêng không dám quét nhà đổ rác trong mấy ngày Tết. Cũng chính vì lý do này mà các gia đình Việt thường dọn dẹp nhà cửa trước Tết để đón năm mới.
2. Không mặc quần áo màu trắng, đen
Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen tượng trưng cho sự tang tóc, chết chóc vì vậy ngày đầu năm mới không bao giờ được mặc trang phục quá nhiều sắc trắng hay sắc đen. Thay vì thế, người ta thường lựa chọn những màu sắc sặc sỡ như hồng, đỏ, xanh, vàng.. để tạo không khí phấn khởi, tươi vui trong ngày Tết.
3. Không cho lửa và nước
Nước và lửa là hai yếu tố ngũ hành có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống sinh hoạt của đại bộ phận người dân Việt Nam. Vì thế lửa và nước đều tượng trưng cho sự may mắn và thuận lợi. Nếu bạn cho lửa và nước người khác vào đầu năm tức là bạn đã cho đi cái đỏ, cái may mắn của mình và cả năm sẽ gặp nhiều điều xui xẻo. Bởi vậy bạn có thể thấy tại nhiều gia đình đặc biệt là các vùng nông thôn, trước khi bước sang năm mới họ thường lo đổ đầy nước vào bể, vào chụm hoặc vại hay đầu năm ra cửa hàng mua bật lửa.
4. Kiêng làm vỡ các đồ vật
Ông bà ta quan niệm, từ vỡ, bể là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa là điềm báo không thuận lợi về các mối quan hệ. Do đó, trong những ngày nay bạn phải cẩn thận không được đánh vỡ đồ dùng đặc biệt là những đồ làm bằng thủy tinh, sành sứ. Mặc dù vậy đôi khi việc bát đĩa vỡ là điều khó có thể tránh khỏi nên khi ai đó làm rơi vỡ người ta thường trấn an bằng cách vỡ nghe giống tiếng phát, báo hiệu gia chủ sẽ phát tài phát lộc trong năm nay.
5. Kiêng khóc lóc, buồn tủi, nói những điều không vui
Đầu năm nếu bạn có bực bội, buồn tủi khó chịu với ai vì bất cứ chuyện gì thì hãy cố kiềm chế để có thể tận hưởng một năm mới trọn vẹn niềm vui bên người thân, bạn bè và gia đình. Bạn cũng không nên nói những điều xui xẻo khiến người nghe cũng không thích, đôi lúc là buồn theo bạn. Năm mới nên nói những chuyện vui vẻ, tốt đẹp để cả năm luôn thuận buồm xuôi gió, không gặp vận đen.
6. Kiêng vay mượn đầu năm
Tiền chính là tài lộc của bạn. Người xưa dạy, không nên vay hoặc cho tiền bạc, đồ đạc vào những ngày đầu năm mới vì sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu cả năm. Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân con người mở cửa để đón lộc vào nhà, còn nếu cho mượn hoặc trả giống như việc “dâng” tài lộc vào tay người khác. Vì vậy ai có nợ nần đều trả hết trước Tết và trong dịp Tết không vay tiền cũng như mượn đồ đạc của người khác.
7. Kỵ mai táng
Tết Nguyên đán là ngày vui nhất của một năm, có ý nghĩa thiêng liêng mở đầu cho một vận hội mới của đất trời, của con người và dân tộc. Vì thế dù gia đình có tang cũng phải tạm gác chuyện buồn để hòa chung với niềm vui của cả dân tộc. Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết, là nhà nào có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, còn ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh đó.
Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng Chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp ngày đó. Đa số các gia đình kiêng để sang ngày mùng Một đầu năm. Còn nếu qua đời đúng mùng 1 Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng 2 làm lễ phát tang.
8. Không ăn món xui xẻo
Đầu năm người Việt không ăn những món xui xẻo như thịt chó, thịt vịt, cá mè, trứng vịt lộn… vì họ cho rằng đó là những món ăn mang lại những điều kém may mắn. Một số vùng khác đặc biệt khu vực miền Trung còn kiêng ăn Tôm vì họ sợ đi giật “lùi” như tôm tức là cả năm công việc sẽ lùi chứ không tiến.
9. Kiêng xông nhà không được gia chủ mời
Tục xông nhà đầu năm diễn ra khá nhiều vùng ở nước ta. Theo quan niệm này thì người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày mùng 1 Tết thì người đó chính là người quyết định đem lại sự may mắn hay xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm. Vì thế nếu không được gia chủ mời thì bạn nên tránh việc xông nhà họ vào mùng 1 Tết.
10. Kiêng mua đồ xui
Món hàng mua đầu năm luôn được coi là thứ mang lại nhiều may mắn bởi “của mua là của được”. Bởi vậy mới có câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vui”. Người ta thường mua muối ngay sáng sớm mồng 1 bởi họ cho rằng vị mặn của muối biểu tượng cho cả năm đậm đà, ý vị. Bạn cũng tránh mua những thứ như dao, thớt, chày, cối,… trong những ngày Tết.
Trên đây là những điều kiêng kỵ cơ bản mà bạn cần tránh làm trong ngày Tết và bạn cần nhớ để có thể có một năm gặp nhiều may mắn và phát tài phát lộc. Chúc bạn có một năm mới an khang thịnh vượng cùng gia đình và bạn bè!
T.Thu
Tổng hợp