1. Chọn điều hòa có công suất phù hợp
Khi lắp đặt điều hòa, điều quan trọng đầu tiên bạn cần xem xét đó là đo đạc diện tích phòng để lựa chọn được chiếc máy điều hòa có công suất hoạt động phù hợp, tránh hao phí điện năng không đáng có. Bởi vì nếu sử dụng máy điều hòa có công suất lớn thì sẽ tốn điện, ngược lại công suất yếu thì không hiệu quả.
Theo chuẩn, cứ 1.000 BTU thì tải được 2m² là tối đa. Điều này có nghĩa là với phòng có diện tích 9 – 18 m², bạn có thể lắp điều hòa có công suất 9000 BTU/h, căn phòng diện tích trong khoảng 15 – 24 m² bạn cần dùng điều hòa 12.000 BTU/h, căn 24 – 35m² cần chọn loại điều hòa công suất 24.000 BTU…
2. Chọn hướng, vị trí lắp đặt điều hòa phù hợp
Nếu lắp đặt điều hòa tại vị trí nóng sẽ khiến máy phải hoạt động nhiều hơn, tức là tốn tiền điện hơn. Do đó, bạn nên lắp đặt điều hòa ở những vị trí râm mát, hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào điều hòa như phía Đông hoặc phía Bắc của ngôi nhà.
Ngoài ra, dàn nóng của điều hòa cũng nên được lắp đặt ở những nơi không có nguồn nhiệt, khói thải, hoá chất gây bẩn và ăn mòn. Trường hợp có nhiều dàn nóng, gió nóng không được quẩn từ giàn này sang giàn kia ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của máy.
3. Tắt điều hòa đúng cách
Khi không sử dụng điều hòa bạn nên ngắt hoàn toàn nguồn điện thay vì chỉ tắt bằng điều khiển từ xa đơn thuần. Việc chỉ tắt bằng điều khiển máy vẫn tiêu thụ một lượng điện mà bạn không hề biết. Do vậy sau khi tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa, bạn nên ngắt át tô mát.
4. Sử dụng điều hòa cùng quạt gió
Sử dụng quạt gió cùng điều hòa có tác dụng đẩy khí nóng lên trên, đẩy luồng khí mát bên dưới giúp tạo ra hiệu ứng gió mạnh, mang lại cảm giác mát lạnh nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, việc dùng thêm quạt gió còn giúp tránh cảm giác khô, bảo vệ sức khỏe của bạn.
5. Hạn chế để điều hòa hoạt động cả ngày
Hãy tắt điều hòa khi ra khỏi nhà, hoặc vào những thời điểm trời mát mẻ như sáng sớm hay về đêm để điều hòa được nghỉ ngơi, tránh phải chạy thường xuyên gây quá tải.
6. Dùng rèm cho phòng có cửa kính
Nếu căn phòng lắp đặt điều hòa sử dụng cửa kính, có nhiều ánh nắng chiếu cửa kính hấp thu nhiệt và khiến bạn tốn nhiều tiền điện hơn để làm mát nhà. Do đó, bạn nên sử dụng rèm cửa để tránh tình trạng hao phí điện năng nhiều hơn.
7. Hạn chế bật, tắt nhiều lần
Tắt bật điều hòa thường xuyên thủ công khi thấy điều hòa mát gây tác dụng ngược lại, khiến điện năng tiêu hao nhiều hơn vì máy phải dùng rất nhiều năng lượng để khởi động lại.
Do đó, bạn không nên tắt bật điều hòa thủ công nhiều lần. Các sản phẩm điều hòa đều có cảm biến nhiệt độ nên khi nhiệt độ trong phòng đạt mức cài đặt, máy sẽ tự động tắt hoặc điều chỉnh công suất phù hợp để duy trì nhiệt độ ổn định.
8. Đặt nhiệt độ hợp lý
Chỉ nên cài đặt điều hòa ở mức nhiệt từ 25 – 27 độ, không nên cài đặt ở mức thấp dưới 25 độ C trong thời gian dài. Tại mức nhiệt này, cường độ làm việc của máy giảm nên sẽ tiết kiệm điện hơn.
9. Tăng nhiệt vào ban đêm
Vào ban đêm, nhiệt độ môi trường giảm xuống và cơ thể con người không đòi hỏi mức nhiệt thấp. Vì vậy bạn có thể tăng mức nhiệt khi ngủ vào ban đêm hoặc tắt điều hòa trước khi thức dậy khoảng 2-3 tiếng để tiết kiệm chi phí tiền điện.
10. Bảo dưỡng theo định kỳ
Việc bảo dưỡng điều hòa định kỳ không chỉ giúp máy hoạt động tốt, đảm bảo chất lượng không khí mà còn tiết kiệm điện hơn. Cụ thể, điều hòa cần được làm sạch và thay bộ lọc ít nhất 2 tháng/lần, cuộn dây làm mát 1 năm/lần và bảo dưỡng định kỳ 6 tháng/lần.
Ngoài ra, sử dụng máy điều hòa Inverter cũng giúp tiết kiệm điện năng hiệu quả hơn so với máy điều hòa thông thường. Một số mẫu máy điều hòa Inverter tốt bạn có thể tham khảo gồm: Casper Inverter 1 HP TC-09IS35; Panasonic Inverter 1 HP CU/CS-PU9ZKH-8M; Daikin Inverter 1 HP ATKF25XVMV; LG Inverter 1 HP V10WIN; Casper Inverter 1.5 HP IC-12TL32; Funiki Inverter 1 HP HIC09TMU; Sharp Inverter 1 HP AH-X10ZEW; Aqua Inverter 1 HP AQA-RV9QC…
Trên đây là 10 mẹo giúp bạn sử dụng điều hòa tiết kiệm điện hiệu quả trong mùa nắng nóng. Hy vọng sẽ hữu ích cho bạn!