Trung Quốc
Tết Trung thu ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, Tết Trung Thu, là một ngày vô cùng đặc biệt, ngày của giữa tháng mùa thu, cho nên được gọi là Trung Thu hoặc Trọng Thu. Vì trăng ngày 15/8 tròn và sáng hơn những tháng khác, còn được gọi là Nguyệt Tịch. Trước đêm Trung Thu, mọi người trong gia đình, dù sống nơi đâu cũng đều quay về đoàn tụ với ông bà cha mẹ ăn bữa cơm đoàn viên.
Tết Trung Thu là ngày lễ truyền thống dân gian của Hán Tộc và dân tộc thiểu số khác của Trung Quốc. Ngày nay, tập tục chơi đùa dưới trăng, không còn như xưa nữa, nhưng lập bàn thưởng trăng vẫn rất thịnh hành, mọi người chúc tụng với nhau những lời tốt đẹp vây quanh cuộc sống, hoặc chúc sức khỏe cho những người thân đang sống nơi xa và chúc cho người nhà ở xa quê.
Trong đêm Trung thu, người Trung Quốc còn có một số phong tục truyền thống như Thưởng nguyệt (ngắm trăng), Bái nguyệt, chơi đèn lồng hay múa rồng lửa… mang đậm tính truyền thống.
Nhật Bản
Tết Trung thu ở Nhật Bản
Nhật Bản cũng chào đón Tết Trung thu vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm, và người dân Nhật thường gọi là Lễ hội ngắm trăng. Từ hơn 1.000 năm nay, đây là dịp để người Nhật tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm mặt trăng tròn nhất. Nhà nhà tại Nhật Bản đang tất bật chuẩn bị món bánh gạo nếp cổ truyền để cùng nhau thưởng thức vào đêm trăng rằm. Trẻ em Nhật Bản cũng được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn cá chép, chúng tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.
Hàn Quốc
Bánh Trung thu ở Hàn Quốc
Tết Trung thu là một trong những ngày tết lớn nhất trong năm ở Hàn Quốc. Là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm (còn được gọi là Chuseok hay Hangawi), cũng được diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch, đây là lễ hội mừng mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên của người Hàn Quốc. Vào dịp này, những người đi xa đều quay trở về quê hương để đoàn tụ và cùng thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh Songpyeon và rượu Sindoju hay Dongdongju.
Vào sáng ngày Trung thu, các gia đình bày Songpyeon, bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm được phủ rong biển, đỗ, lạc… bên ngoài và các loại thức ăn khác lên bàn thờ. Việc này gọi là Charye. Trong dịp Tết Trung thu, người Hàn không chỉ chuẩn bị món bánh Songpyeon rất chu đáo, mà cả gia đình cùng sắm sửa một mâm cúng tổ tiên thật tròn đầy. Việc sắp xếp các món đồ trên mâm cúng cũng rất có nguyên tắc.
Trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, Trung thu được xem như dịp đoàn tụ đại gia đình vô cùng quan trọng, họ trở về nhà và thể hiện lòng thờ kính với tổ tiên. Mọi người bắt đầu nghi lễ cúng tổ tiên từ sáng sớm. Họ thường tới thăm mộ tổ, dọn cây dại và làm sạch khu vực quanh mộ, truyền thống này giống với nghi thức tảo mộ ngày tết Thanh minh ở Việt Nam. Sau đó, người Hàn dâng thức ăn, đồ uống truyền thống lên tổ tiên.
Thái Lan
Lễ Cầu Trăng ở Thái Lan
Người Thái Lan gọi Tết Trung thu là “Lễ cầu Trăng”. Ngày 15/8 âm lịch trong đêm Trung thu, mọi người già trẻ gái trai đều bái mặt Trăng. Sở dĩ có cái tên như vậy là vì vào đêm rằm tháng Tám tất cả mọi người trên khắp mọi miền đất nước đều tham gia vào một nghi thức tâm linh được gọi là lễ cúng trăng. Mọi người cùng nhau ngồi xuống cầu nguyện những điều tốt đẹp trước bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên dựa theo truyền thuyết của Trung Quốc. Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh trung thu, bởi theo quan niệm của người Thái, khi làm như vậy Bát Tiên sẽ mang quả đào đó tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, Quan Âm cũng như các vị thần tiên khác sẽ chứng giám cho những lời ước nguyện của mọi người.
Ở Thái Lan, ngoài các loại bánh trung thu đậm đà đặc sắc Thái Lan ra, người Thái Lan nhất thiết phải ăn bưởi trong ngày tết này, tượng trưng đoàn viên, ngọt ngào.
Malaysia
Tết Trung thu ở Malaysia
Tết Trung thu được Chính phủ Malaysia xác định là hoạt động lễ hội du lịch từ năm 2003. Tết Trung thu hàng năm, các đường phố chính trong thành phố được người Hoa trang trí lộng lẫy, các chương trình ca múa truyền thống đặc sắc Trung Quốc như múa rồng, múa sư tử, rước đèn ông sao, v.v, thu hút người dân các dân tộc. Nhiều du khách phương tây cũng hòa mình vào trong đó. Ăn bánh trung thu, ngắm Trăng, rước đèn ông sao là phong tục Trung thu truyền thống của người Hoa ở Malaysia.
Theo giới thiệu của người Hoa Malaysia đang sinh sống tại Trung Quốc, ở Malaysia, Tết Trung thu mặc dù không phải ngày nghỉ theo luật định, tuy nhiên rất nhiều nhà máy, doanh nghiệp đều chủ động cho nghỉ. Một tháng trước Tết Trung thu, bầu không khí đón Tết đã rất nồng đậm, ngoài múa rồng, múa sư tử ra, còn có xe hoa chở Hằng nga, Thất tiên nữ. Nhiều người hóa trang ăn mặc ngộ nghĩnh, nhảy múa, ca hát, hết sức náo nhiệt, ngoài ra, còn có nhiều trẻ em rước đèn lồng nô đùa dưới ánh Trăng.
Đến Malaysia bạn sẽ được thưởng thức những chiếc bánh trung thu độc đáo cả về hình dáng lẫn mùi vị. Hình dạng của chiếc bánh trung thu của Malaysia lại khác hoàn toàn so với bánh trung thu của Trung Quốc, mặt bánh thường có hình dạng của những con sò biển, bông hoa, mặt trăng… nay có thêm bánh dẻo lạnh (bánh trung thu tuyết) với nhân và vỏ lạnh mang đến cảm giác hoàn toàn mới lạ cho người thưởng thức.
Singapore
Tết Trung thu ở Singapore
Singapore, một đất nước có rất nhiều người gốc Hoa nên lễ Trung thu ở nước này cũng được tổ chức rất linh đình. Tết Trung thu là thời điểm lý tưởng để mọi người gi những lời chúc, món quà may mắn tới người thân, bạn bè và đối tác kinh doanh. Một trong những món quà được sử dụng nhiều nhất là bánh Trung thu.
Một trong những nơi tổ chức ngày Tết này rầm rộ nhất là khu China Town – khu phố của người Hoa. Tại đây, người ta bán đèn lồng và các vật dụng liên quan đến ngày Trung thu. Thông thường, hoạt động này được tổ chức trước đó hàng tháng trời.
Thu Hương(Tổng hợp)
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam