Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ dưới 1 tuổi. Bởi vậy mà có rất nhiều lời khuyên của các chuyên gia về việc nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, trong thời gian cho con bú, rất nhiều mẹ vẫn phải đi làm và không thể cho con bú trực tiếp được. Vì vậy, giải pháp vắt sữa và lưu trữ, bảo quản sữa mẹ được xem là giải pháp hữu hiệu nhất.
Cách lưu trữ và bảo quản sữa tại nhà
Nếu mẹ không có điều kiện để cho con bú thường xuyên thì hãy vắt sữa và trữ trong tủ lạnh. Đặc biệt có bà mẹ những tháng đầu sau đẻ rất nhiều sữa mà trẻ không bú hết thì cũng nên vắt sữa để dành khi đi làm có thể lấy ra cho trẻ ăn. Như thế sẽ tận dụng được nguồn sữa mẹ quý giá mà bà mẹ không bị cương tắc sữa.
Mẹ có thể lưu trữ sữa ở ngăn mát tủ lạnh, ngăn đá tủ lạnh hoặc trong tủ đông
Đầu tiên, hãy chọn lúc sữa ra nhiều và vắt sữa. Bạn có thể vắt bằng tay hoặc bằng các dụng cụ vắt sữa, máy hút sữa cầm tay… Sau khi vắt sữa xong, hãy chứa sữa vào bình nhựa hoặc bình thủy tinh đã tiệt trùng rồi xếp vào tủ đông hoặc tủ lạnh. Mẹ nên chú ý ghi ngày tháng lên bình sữa rồi cho trẻ bú từ bình cũ tới bình mới. Khi cho sữa vào bình trữ sữa hoặc túi trữ sữa nên dành một khoảng không nếu trữ trong tủ đông vì khi đông lạnh thể tích sữa sẽ tăng lên.
Nếu mẹ đang trữ sữa ở ngăn mát tủ lạnh mà muốn chuyển lên ngăn đá thì nên đặt sữa trong ngăn mát trước rồi chuyển lên ngăn đá. Tương tự, khi muốn rã đông, nên chuyển sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát khoảng1/2 – 1 ngày trước khi mang sữa ra bên ngoài.
Sữa mẹ có thể trữ trong bao lâu?
Nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng, sữa mẹ thường sẽ trữ được 4 giờ ở nhiệt độ 27 độ C, 10 giờ ở 21 độ C và 24 giờ nếu nhiệt độ là 10 độ C. Còn nếu trữ sữa trong tủ lạnh thì thời gian lưu trữ sữa sẽ dài hơn. Chúng ta có thể bảo quản sữa mẹ trong 5 ngày ở nhiệt độ 4 độ C và bảo quản trong 2 tuần ở ngăn đá tủ lạnh.
Sữa mẹ sau khi vắt ra nên cho bé bú càng sớm càng tốt
Tất nhiên, sữa trữ càng lâu thì lại càng mất đi mùi vị sữa mẹ cũng như một số chất dinh dưỡng. Bởi vậy, nếu có điều kiện, mẹ nên vắt sữa uống trong ngày. Với bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên vắt sữa với số lượng nhỏ mỗi lần (khoảng 100-150ml) là đủ cho bé dùng. Với bé lớn hơn khi mẹ phải đi làm cả ngày, số lượng sữa vắt có thể phụ thuộc vào nhu cầu của bé và hãy nhớ rằng khi đi làm về mẹ có thể cho bé bú nên chỉ cần vắt đủ lượng sữa dùng trong ngày mà thôi.
Cách hâm nóng sữa mẹ đúng cách
Đầu tiên, mẹ hãy từ bỏ suy nghĩ rằng có thể hâm sữa mẹ bằng lò vi sóng. Lò vi sóng có thể làm hủy hoại đi các chất kháng thể chống nhiễm trùng trong sữa mẹ. Ngoài ra, lò vi sóng có thể tạo ra các hạt nóng gây phỏng con bạn.
Hãy làm tan và hâm nóng sữa đúng cách mẹ nhé!
– Nếu sữa mẹ vắt ra được bảo quản ở tủ đông hoặc ngăn đá tủ lạnh, đầu tiên mẹ hãy làm tan sữa trước đã. Hãy chuyển sữa đông lạnh ra ngăn mát tủ lạnh trước nửa ngày hoặc 1 ngày, rồi mới làm ấm sữa.
– Khi làm ấm sữa, mẹ có thể đặt bình sữa vào một bát nước ấm hoặc đặt bình sữa dưới vòi nước ấm và làm ấm sữa đến nhiệt độ phòng.
Mẹ nhớ cho trẻ sử dụng sữa ngay là tốt nhất, nếu trong trường hợp trẻ không thể bú hết, mẹ có thể tiếp tục bảo quản ở tủ lạnh thêm 24 giờ nữa, tuyệt đối không nên làm đông lạnh sữa lần thứ 2. Lưu ý rằng khi bạn làm lạnh sữa, chất béo trong sữa sẽ tạo thành một lớp mỏng trên bề mặt. Khi làm ấm sữa, bạn nên lắc đều để tái phân bố lại lớp chất béo này.
G.H
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam