Thiết kế
ROG Strix Flare có thiết kế đơn giản, hiện đại và tinh tế. Toàn bộ phần vỏ bên ngoài được làm bằng chất liệu nhự và đây cũng là điều người dùng sẽ phải đánh đổi cho việc có mức giá thấp hơn. Tuy vậy, Asus biết cách thiết kế để Strix Flare trông không bị rẻ tiền qua họa tiết nhám và phây xước xéo giả kim loại phối với nhau bất đối xứng.
Các cạnh của bàn phím cũng là những đường thẳng dứt khoát và bo cong nhẹ ở bốn góc nên ROG Strix Flare gần như phù hợp với hầu hết thiết kế trong căn phòng của bạn mà không sợ bị lệch tông.
Về điểm trừ, mức hoàn thiện vẫn chưa cao lắm khi bạn dễ dàng nhận thấy sự ọp ẹp nhẹ của chất liệu nhựa khi bóp ở các mép bàn phím. Bù lại, bạn sẽ có được một chiếc bàn phím cơ fullsize nhưng lai có mức giá rẻ hơn đáng kể so với chiếc ROG Claymore phiên bản có bàn phím số rời.
Bất kì sản phẩm nào cho phép người dùng cá nhân hóa theo sở thích vẫn luôn được đánh giá cao hơn, và với Strix Flare Asus thiết kế một miếng nhựa cứng trong suốt ở góc trên bên trái có thể tháo rời và thay bằng một biểu tượng khác nếu muốn thông qua miếng nhựa trong suốt Asus tặng kèm theo phụ kiện. Và nhờ thiết kế trong suốt cùng đèn LED RGB bố trí bên trong nên khu vực này cũng tỏa sáng lung linh đầy ảo diệu trong đêm tối.
Với miếng nhựa cứng tặng kèm theo phụ kiện, bạn có thể mang đến các cửa hàng chuyên khắc in ấn để tạo cho riêng mình một logo đậm chất riêng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng miếng nhựa cứng rất dễ bám mồ hôi dấu vân tay cũng như trầy xước nên phải thật hạn chế gây hư hỏng miếng nhựa này. Tất nhiên, bạn có thể ra ngoài làm thành nhiều miếng khác nhau dự phòng miễn sao đúng với kích thước của miếng gốc là được.
Cũng ngay tại vị trí trong suốt, Asus còn bố trí thêm cổng USB ở phía cạnh trên để bạn có thể kết nối với các thiết bị ngoại vi như: chuột, USB, ổ cứng rời,…., trang bị mà trên chiếc ROG Claymore không có. Tuy nhiên, cổng USB chỉ là 2.0 chứ không phải 3.0 nên sẽ không thể có được tốc độ truyền dữ liệu nhanh nếu có nhu cầu sao chép dữ liệu.
Mặt dưới bàn phím cũng được đầu tư thẩm mĩ không kém cạnh qua các đường thẳng vát chéo bóng bẩy cùng logo ROG to bản tạo điểm nhấn, toàn bộ mặt dưới vẫn sẽ là chất liệu nhựa cứng. Tuy có trọng lượng cũng khá nặng khoảng 1,2kg nhưng Asus vẫn trang bị đến tận 5 chân đế cao su kích thước lớn để giữ cố định trên mặt bàn khi gõ phím.
Phần chân nhựa tạo độ nghiêng cho bàn phím hoàn thiện cứng cáp và không bị ọp ẹp khi gập mở. Và đúng như tên gọi của sản phẩm là “Flare”, ngoài đèn nền bàn phím và khu vực được làm trong suốt thì bên dưới hai cạnh bênh cũng được trang bị dải đèn LED RGB để tăng hiệu ứng ảo diệu khi sử dụng.
Một món phụ kiện hữu ích khác đi kèm chính là phần kê tay được làm bằng chất liệu nhựa cứng và cũng có họa tiết vân nhám và phây xước xéo như trên bàn phím, và khi ghép nối lại với nhau sẽ tạo sự đồng nhất rất đẹp mắt. Tuy vậy, điểm trừ của phần kê tay rời chính là việc kết nối khá lỏng lẻo, chỉ đơn giản là đặt chiếc bàn phím vào đúng ngàm là xong chứ không dùng kết nối nam châm hoặc ngàm khóa cố định.
Trải nghiệm thực tế
Về mặt trải nghiệm gõ phím, ROG Strix Flare có tổng cộng bốn phiên bản switch khác nhau là: Red, Blue, Green và Black, và phiên bản sử dụng để đánh giá trong bài viết này là switch Blue đến từ nhà MX Cherry nổi tiếng của Đức.
Yếu tố độ bền cũng như cảm giác gõ phím đã quá quen thuộc với game thủ và người dùng bàn phím cơ nên cũng không phải nói lại quá nhiều. Đối với phiên bản Blue khi gõ sẽ phát ra tiếng clicky rất sướng tai nhưng cũng đầy ồn ào nếu gõ phím hoặc chơi game trong không gian yên tĩnh có nhiều người.
Phần nhựa cứng bọc xung quanh switch cũng được làm trong suốt để đèn nền LED RGB bên dưới hắt lên sáng hơn và đẹp hơn. Đồng thời, ROG Strix Flare cũng hỗ trợ tính năng chống sót toàn phím, đáp ứng tốt những game thủ thích chơi nhữn tựa game cần thao tác nhiều phím cùng lúc với tốc độ nhanh cùng độ nhạy cao.
Tổng kết
Là sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp cùng mức giá bán 3.850.000 tính đến thời điểm hiện tại của bài viết, Asus ROG Strix Flare vẫn có được những yếu tố nổi bật và hấp dẫn để lôi cuốn cộng đồng game thủ nói chung lẫn người dùng ROG nói riêng.
Tất nhiên, không có sản phẩm nào gọi là hoàn hảo cả khi ROG Strix Flare còn tồn đọng vài nhược điểm như mức độ hoàn thiện chỉ ở mức khá do chất liệu nhựa, không có khả năng chống nước. Tuy vậy, với nhiều ưu điểm khác cộng dồn lại thì vài thiếu sót trên cũng không phải là vấn đề to tác.
Tóm lại, nếu bạn không phải là người dùng khó tính và chấp nhận được các “vụn vặt” trên thì chiếc bàn phím cơ ROG Strix vẫn là món “vũ khí” luôn sẵn sàng để bạn chiến đâu trong mọi mặt trận, còn chiến thắng hay không vẫn sẽ phụ thuộc tất cả vào trình độ chơi game của bạn mà thôi.