1. Sử dụng sai chế độ của điều hòa
Nguyên nhân là do bạn vô tình cài đặt sai chế độ hoạt động của điều hòa, không cài đặt ở chế độ làm mát Cool với biểu tượng hình bông tuyết.
Cách khắc phục là bạn cần kiểm tra chế độ hoạt động của điều hòa trên màn hình điều khiển từ xa xem có đang bật nhầm chế độ sưởi, quạt hay không. Để kiểm tra chính xác, bạn cần phải nắm rõ các ký hiệu của từng chế độ hiển thị trên điều khiển như sau:
– Chế độ làm mát (Cool): Hình bông tuyết.
– Chế độ quạt (Fan): Hình cánh quạt.
– Chế độ khô (Dry): Hình giọt nước.
– Chế độ sưởi (Heat): Hình mặt trời.
– Chế độ tự động (Auto): Hình tam giác hoặc vòng tròn.
2. Tường nhà quá mỏng, nhiệt độ môi trường quá cao
Tường nhà mỏng khiến căn phòng hấp thụ một lượng nhiệt lớn từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là vào các đợt nắng nóng cao điểm với nền nhiệt lên tới 39 – 40 độ. Lúc này nhiệt độ phòng cũng có thể lên tới 30 – 35 độ C, thậm chí có thể cao hơn. Do đó, nếu vừa mới bật thì chiếc điều hòa khó có thể làm mát căn phòng ngay được.
Cách khắc phục: Nếu chiếc điều hòa của bạn có chức năng hẹn giờ bật, hãy tận dụng tính năng này để bật máy trước khi về sẽ giúp căn phòng trở nên mát hơn khi bạn bước vào. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lắp đặt thêm các tấm rèm ở trong phòng để tránh hơi lạnh thoát ra ngoài để làm mát nhanh chóng và hiệu quả hơn.
3. Điều hòa bị hết hoặc thiếu gas
Gas điều hòa giúp khí lạnh được lưu thông giữa 2 dàn lạnh và dàn nóng để làm mát căn phòng. Nếu gas điều hòa bị thiếu hoặc hết thì điều hòa sẽ không thể làm mát ngay cả khi bạn để máy chạy ở mức nhiệt 16 độ C trong nhiều giờ.
Để khắc phục nguyên nhân này, bạn cần nạp bổ sung gas cho điều hòa đồng thời kiểm tra đường ống dẫn gas để đảm bảo không xảy ra tình trạng rò rỉ khí.
4. Do lưới lọc của máy điều hòa bị bám bẩn
Lưới lọc ở dàn lạnh của điều hòa sau một thời gian sử dụng dễ bị tích tụ bụi bẩn nên hơi lạnh không thể thoát ra ngoài. Lượng bụi bẩn này khiến lượng gió thổi vào và thổi ra ít hơn. Hậu quả là máy phải hoạt động liên tục với công suất cao hơn, vừa tốn kém điện năng vừa gây tiếng ồn lại không thể làm mát.
Để khắc phục, bạn hãy vệ sinh lưới lọc định kỳ 1 tháng 1 lần để loại bỏ hết bụi bẩn tích tụ tại đây. Ngoài ra, việc vệ sinh máy định kỳ 3-6 tháng 1 lần cũng là cần thiết để máy hoạt động hiệu quả và ổn định.
5. Do điện áp không ổn định
Thông thường, điều hòa hoạt động ổn định ở mức điện áp khoảng từ 200 – 230V. Do đó, nếu mức điện áp cung cấp cho điều hòa của gia đình bạn thấp hoặc nhà bạn cao hơn con số này thì đều có thể dẫn đến tình trạng máy lạnh ngừng hoạt động và không thể làm mát căn phòng
Để khắc phục nguyên nhân này bạn nên mua 1 chiếc máy ổn áp để đảm bảo nguồn điện ổn định cho điều hoà hoạt động và làm mát hiệu quả nhất.
6. Máy nén điều hòa bị hỏng
Là bộ phận rất quan trọng của điều hòa nên nếu máy nén bị hỏng, điều hoà vẫn có thể chạy nhưng không thể thổi ra hơi mát.
Để khắc phục nguyên nhân này thì cách duy nhất là bạn cần gọi thợ sửa chữa điều hòa chuyên nghiệp để kiểm tra máy nén. Nếu máy bị hỏng nhẹ thì cần tìm cách khắc phục hoặc thay mới nếu hỏng nặng.
7. Công suất điều hòa nhỏ hơn diện tích phòng
Nếu bạn chọn điều hòa có công suất làm mát nhỏ hơn nhiều so với diện tích căn phòng thì máy sẽ phải hoạt động vượt công suất, thậm chí không thể làm má ngay cả khi chạy với công suất tối đa liên tục và cài đặt mức nhiệt 16 độ.
Cách khắc phục hiệu quả là bạn cần chọn mua điều hòa có công suất làm mát phù hợp với diện tích phòng. Cụ thể như sau:
+ Phòng dưới 15m2: Nên dùng điều hòa công suất 9000 BTU.
+ Phòng từ 15 – 20m2: Nên dùng điều hòa công suất 12000 BTU.
+ Phòng từ 20 – 30m2: Nên dùng điều hòa công suất 18000 BTU.
+ Phòng từ 30 – 40m: Nên dùng điều hòa công suất 24000 BTU.
Trên đây là 7 nguyên nhân kèm theo cách khắc phục tình trạng điều hòa để 16 độ vẫn không mất. Hy vọng sẽ hữu ích cho bạn trong quá trình sử dụng điều hòa!