|
Rất nhiều loại tin nhắn rác khiến chủ thuê bao mất tiền oan nếu không cảnh giác. Ảnh: Chí Cường |
Vụ nghe lén hơn 14.000 tài khoản điện thoại mà mới đây PC50 – Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án với Công ty cổ phần IMMC (có trụ sở tại đường Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phát lộ việc dùng “Chợ nội dung số mmoney.vn” có ẩn các phần mềm tự động gửi tin nhắn để “móc túi” khách hàng. Trước việc lừa đảo qua điện thoại ngày càng bùng phát, người sử dụng điện thoại phải làm gì để bảo vệ mình?
Cứ chạm vào là mất tiền!
“Chợ nội dung số mmoney.vn” tập hợp hơn 300 ứng dụng có nội dung với các hình ảnh, clip người mẫu ăn mặc tươi mát… nhằm “câu” người dùng smartphone vào xem hay tải nội dung về. Sự tò mò của người dùng smartphone kéo theo sự trả giá, bởi một khi đã truy cập vào thì phần mềm cài ẩn trong các ứng dụng sẽ gửi tin nhắn từ số thuê bao của người dùng truy cập đến đầu số tính phí (thường là 15.000 đồng/tin nhắn). Chỉ thế thôi, tài khoản di động của người dùng smartphone liên tục bị trừ tiền (với thuê bao trả trước), hoặc hóa đơn thanh toán bị tăng lên chóng mặt mà chủ thuê bao (trả sau) không biết vì sao.
Một hành vi mang tính lừa đảo người dùng nữa, đó là một số cá nhân hoặc doanh nghiệp nội dung số (Content Provider-CP) làm ăn gian dối, lừa lọc thường tung các banner quảng cáo hoặc các mẫu quảng cáo tự động bật (pop-up), những đường link… đến người dùng smartphone. Thuê bao chỉ cần chạm vào là phần mềm ẩn sẽ tự động chuyển thành thao tác gửi tin nhắn kích hoạt sử dụng dịch vụ. Và tất nhiên, CP này được chia sẻ nguồn thu từ số tiền mà thuê bao bị trừ cho dù không hề do chính tay họ đăng ký sử dụng dịch vụ.
Với nhiều dịch vụ được kích hoạt ngoài ý muốn, người dùng có thể phải trả từ vài ngàn đồng đến 20.000-30.000 đồng theo thuê bao ngày, tuần hoặc tháng, vì thế, người sử dụng không để ý và khó phát hiện ra.
Giả mạo cả cơ quan quản lý, nhà mạng
Sau khi trên thị trường xuất hiện tình trạng lừa đảo bằng cách dùng banner quảng cáo gửi đi tin nhắn kích hoạt dịch vụ tự động khiến người dùng không muốn cũng phải sử dụng và mất tiền, MobiFone đã phát đi thông báo tới các khách hàng cảnh giác với hình thức lừa đảo này. Cụ thể, thông qua các phần mềm ứng dụng cài đặt trên smartphone, kẻ xấu tìm cách chiếm đoạt tiền từ tài khoản hoặc thu thập thông tin cá nhân (danh bạ, tin nhắn, nhật ký cuộc gọi, vị trí…) của khách hàng.
Nhà mạng này cho biết đã khuyến cáo khách hàng lưu ý 3 vấn đề trong quá trình sử dụng thiết bị di động, đặc biệt là với các khách hàng sử dụng smartphone. Thứ nhất, chỉ tải ứng dụng từ các nguồn tin cậy, không truy cập các website không rõ nguồn gốc; không truy cập và tải ứng dụng từ các nguồn không chính thống hoặc ứng dụng đã bị bẻ khóa; cân nhắc kỹ khi được yêu cầu cấp quyền truy cập của ứng dụng đối với các tài nguyên của thiết bị di động; hạn chế cấp quyền tác động vào quyền điều khiển máy (reboot đối với hệ điều hành Android hoặc Jailbreak đối với hệ điều hành iOS). Thứ hai, chủ động phát hiện các dấu hiệu bất thường như việc tài khoản di động bị trừ cước bất thường hoặc bị lộ thông tin cá nhân. Trong trường hợp này cần phản ánh với tổng đài 9090 của MobiFone để phối hợp kiểm tra. Thứ ba, khách hàng nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa, khắc phục như cài các phần mềm hoặc ứng dụng chống gián điệp cho điện thoại của các nhà cung cấp có uy tín trên thị trường; thực hiện khôi phục cài đặt gốc khi phát hiện thiết bị di động có một trong các dấu hiệu bất thường.
Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, trước đó, một số đối tượng thậm chí còn giả mạo VNPT và các cơ quan chức năng để thực hiện hành vi quấy rối, đe dọa… để nhằm uy hiếp, lừa đảo người sử dụng điện thoại. Trước những diễn biến vụ việc nêu trên, VNPT khuyến cáo khách hàng cần đề phòng, cảnh giác, không để các đối tượng lừa gạt, dễ dàng mắc bẫy bọn tội phạm, thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần. VNPT cho hay, VNPT không thực hiện việc “nhắc nợ cước” qua hộp thư ghi âm tự động nào nên tin nhắn “VNPT nhắc nợ cước” là hoàn toàn giả mạo. Trường hợp nghi vấn, khách hàng hãy điện thoại trực tiếp đến tổng đài chăm sóc khách hàng 800126 (miễn phí từ điện thoại cố định VNPT) để tìm hiểu kỹ các thông tin cần thiết. Để không bị mất tiền qua các hành vi lừa đảo qua điện thoại, ông Nguyễn Bá Hưng, chuyên gia mạng viễn thông công tác tại Smartphone Hà Nội cho biết, khi gặp các trường hợp ấy, “tốt nhất là không nên trả lời!”.
Theo ông Hưng, khi nhận được những tin nhắn yêu cầu người nhận phải reply lại theo cấu trúc đã được “gài” sẵn, người dùng không nên làm theo vì 99,99% những tin nhắn như vậy sẽ khiến bạn mất tiền bởi đó là lừa đảo, với giá cước từ 3.000 – 15.000 đồng/tin nhắn. Thậm chí, nếu nhận được tin nhắn từ tổng đài (với các đầu số 090, 095, 099,…) thì tốt nhất nên gọi lên tổng đài để kiểm tra lại trước khi làm theo. Những số tổng đài mà bạn có thể liên lạc khi khẩn cấp là: MobiFone (18001090), Sfone (905), Vinaphone (18001091), Viettel (198), Vietnamobile (123 hoặc 456).
Bộ Thông tin – Truyền thông cũng từng cảnh báo rằng, người sử dụng điện thoại không nên nhắn tin đến các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn nếu bản thân người sử dụng chưa hiểu rõ ràng hoặc không nắm chắc thông tin về dịch vụ và giá cước dịch vụ.
Theo Giadinh
|