Nhiệt độ rã đông sữa mẹ lý tưởng
Có hai lý do chính khiến phụ nữ phải vắt hoặc hút sữa mẹ ra ngoài và trữ đông, bao gồm: Sữa tiết ra quá nhiều, bé bú không hết nên mẹ phải chiết ra bớt, hoặc người mẹ phải quay lại với công việc nên trữ sẵn sữa để bé ở nhà được bú đều đặn.
Trước khi lấy sữa mẹ trữ đông ra ngoài cho bé bú, bắt buộc phải trải qua quá trình rã đông sữa mẹ. Thao tác này tuy đơn giản song đòi hỏi mẹ cần phải có kiến thức nhất định, cụ thể là về cách rã đông, nhiệt độ và thời gian sữa mẹ sau khi hâm để được bao lâu.
Nhiệt độ hâm sữa lý tưởng là ở mức 37 độ C, bởi vì độ ấm này tương đương với thân nhiệt cơ thể mẹ, mang lại cảm giác thân thuộc cho bé. Có thể hâm sữa bằng hơi nước trong 6-10 phút sao cho hàm lượng dinh dưỡng được lưu giữ tối đa.
Nếu người mẹ không kiểm soát đúng về nhiệt độ và thời gian, có thể khiến tỷ lệ dinh dưỡng trong sữa thay đổi, các kháng thể như Lactoferrin và Lysozyme mất đi tác dụng chống viêm nhiễm và sưng tấy cho bé vì bị vỡ cấu trúc phân tử ban đầu. Cùng tìm hiểu những mặt lợi và hại của từng phương pháp, cũng như đâu là cách nên và không nên áp dụng khi rã đông sữa mẹ.
Những cách rã đông sữa mẹ phổ biến
1. Rã đông từ từ với nhiệt độ phòng
Nhiều phụ nữ có quan niệm rằng nếu hâm sữa thì chất dinh dưỡng sẽ mất đi hết theo nhiệt độ. Chính vì vậy họ lựa chọn cách rã đông sữa mẹ ở nhiệt độ thường để đảm bảo sữa không bị tác động nhiệt.
Trên thực tế, không phải bất kỳ phương pháp hâm lại sữa mẹ trữ đông nào cũng làm mất dưỡng chất. Vitamin và kháng thể có trong sữa mẹ chỉ bị hao hụt khi tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc do tác động lắc mạnh tay. Hơn nữa, các chuyên gia đều khẳng định không nên rã đông sữa ở nhiệt độ phòng. Bởi vì làm như vậy vừa kéo dài thời gian rã đông sữa mẹ, vừa sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi và tăng lên trong sữa.
2. Làm nóng thủ công
Những phương pháp làm nóng sữa mẹ thủ công đúng và sai bao gồm:
- Ngâm trong nước sôi
Sữa mẹ chỉ nên được rã đông dưới 40 độ C để hạn chế mất đi chất dinh dưỡng trong sữa. Do đó bà mẹ không nên ngâm sữa trong nước quá nóng hay nước sôi.
- Ủ nước ấm nóng
Biện pháp này có thể áp dụng nếu mẹ bảo quản sữa ở ngăn mát tủ lạnh. Cách ngâm nước ấm được xem là có khả năng bảo toàn phần lớn dinh dưỡng có trong sữa. Tuy nhiên mẹ không nên vì muốn sữa nhanh ấm mà lắc mạnh tay, dẫn đến làm gãy và phá vỡ cấu trúc phân tử có trong dưỡng chất.
- Hấp cách thủy
Để sử dụng lại sữa đã bảo quản ở ngăn đá, hấp cách thủy có thể là một gợi ý hay song người mẹ sẽ gặp khó trong việc canh chỉnh nhiệt độ chuẩn.
- Đun sữa mẹ
Không được dùng cách đun sữa mẹ để rã đông vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ khiến sữa mẹ sẽ mất tính năng tự nhiên của phân tử kháng thể protein bảo vệ có lợi.
3. Dùng lò vi sóng
Ưu điểm của phương pháp hâm sữa rã đông bằng lò vi sóng là tiện lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên cách này thường khiến sữa nóng già, bé vẫn phải chờ đợi đến khi sữa nguội về mức nhiệt lý tưởng mới được bú. Hơn thế nữa, rã đông sữa mẹ bằng lò vi sóng còn có nhiều nhược điểm, chẳng hạn như:
- Túi/chai sữa mẹ trữ đông có độ nóng – lạnh không đồng đều có thể làm bé bị bỏng khi bú
- Nhiệt độ quá cao khiến các amino axit dinh dưỡng trong sữa mẹ mất đi vai trò bảo vệ
- Sóng điện từ có nguy cơ phá hủy các vitamin thiết yếu, gây hao hụt lượng dưỡng chất tinh túy vốn có trong sữa mẹ
Vì những lý do trên, dùng lò vi sóng để rã đông sữa mẹ không được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích.
4. Máy hâm/ủ sữa
Máy hâm sữa được đánh giá cao vì có khả năng bảo toàn chất dinh dưỡng tốt nhất trong các phương pháp. Nhờ vào công nghệ thông minh, cách này đảm bảo 3 tiêu chí trong rã đông sữa mẹ là nhiệt độ, thời gian và dinh dưỡng.
Cụ thể, thiết bị sẽ thay người mẹ kiểm soát mức nhiệt độ an toàn trong thời gian phù hợp một cách chuẩn xác. Khả năng lưu giữ vitamin, lactose và protein của máy gần như toàn vẹn, hiệu quả cao hơn so với lò vi sóng. Sử dụng máy hâm/ủ sữa mẹ trữ đông giúp bà mẹ bớt lo lắng về sự hao hụt chất lượng sữa.