Thế giới thơ ca mở ra cho các em thiếu nhi một không gian rộng lớn với tình yêu gia đình, tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước… Đó là những vần thơ ngọt ngào và trong trẻo đầu tiên, những bài học, kỉ niệm ấm áp mà các em mang theo trên suốt quãng đường đời. Nhắc đến những bài thơ thiếu nhi hay nhất không thể không nhắc đến các nhà thơ viết cho thiếu nhi nổi tiếng của Việt Nam: Võ Quảng, Phạm Hổ, Xuân Quỳnh và Trần Đăng Khoa với các bài thơ thiếu nhi đi cùng năm tháng.
1. Thơ thiếu nhi của Võ Quảng
Trong suốt sự nghiệp văn chương của mình, Võ Quảng chủ yếu tập trung về đề tài thiếu nhi và trong mỗi bài thơ, ông đều dành hết tâm hồn và tài năng trong đó. Ông nổi tiếng với những vần thơ in đậm trong tâm hồn thiếu nhi nhiều thế hệ như:
“- Cốc, cốc, cốc
– Ai gọi đó?
– Tôi là Thỏ
– Nếu là Thỏ
Cho xem tai…” (Mời vào)
“Ai dậy sớm
Bước ra nhà
Cau ra hoa
Đang chờ đón!
Ai dậy sớm
Đi ra đồng
Cả vừng đông
Đang chờ đón!
Ai dậy sớm
Chạy lên đồi
Cả đất trời
Đang chờ đón!” (Ai dậy sớm)
Những bài thơ thiếu nhi của Võ Quảng bình dị nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống thường ngày đã truyền cho các em nhỏ lòng yêu thương thế giới cỏ cây, loài vật, từ đó hướng tới yêu cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống thường ngày.
Giản dị, ngộ nghĩnh và vui tươi, với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam, những bài thơ của Võ Quảng đã trở thành kỉ vật trân quý được lưu giữ nơi kí ức tuổi thơ. Trong tập thơ Ai Dậy Sớm, các em sẽ du hành cùng những “Mầm Non”, “Chị Chổi Tre”, “Anh Đom Đóm”, “Chú voi con”, “Anh Nắng Sớm”… để “Cùng vui chơi”, “Mời vào” và háo hức khám phá thế giới khi “Cả đất trời/ Đang chờ đón” những “Ai dậy sớm” chào bình minh đang tới…
2. Thơ thiếu nhi của Phạm Hổ
Với lòng yêu trẻ, yêu con người và cuộc sống thật đôn hậu, Phạm Hổ đã chọn con đường đi vào thế giới tâm hồn trẻ thơ, mang lại cho các em một niềm vui thật sự. Thơ ông có một ví trí quan trọng cho thiếu nhi Việt Nam. Từ “Chú bò tìm bạn”, “Mười quả trứng tròn”, “Bắp cải xanh”… rồi đến những chiếc “Xe chữa cháy”, “Sen nở”, “Mẹ ốm”… tập thơ Những Bài Thơ Nho Nhỏ của Phạm Hổ là khúc đồng dao được cất lên từ một tâm hồn đồng điệu với trẻ em và của một tấm lòng nhân hậu vì trẻ thơ.
“Suốt đời tôi chỉ mơ
Được làm cho các em
Những bài thơ nho nhỏ
Như những hòn bi xanh đỏ các em chơi
Như những quả quít quả cam các em tay bóc, miệng cười
Như những chú gà con chạy lon ton bên mẹ
Các em đặt lên tay vuốt ve, bồng bế
Như những ô cửa xinh xinh mở cùng bốn phía
Đón hương lúa thơm và tiếng hát chim trời
Thật đơn sơ… là hạnh phúc của tôi.” (Những bài thơ nho nhỏ)
3. Thơ thiếu nhi của Xuân Quỳnh
Xuân Quỳnh có lần nói: thơ tôi đó là món quà của một bạn nhỏ ngày xưa tặng các bạn nhỏ bây giờ. Phải chăng do tuổi thơ nhiều thiếu thốn, khao khát tình thương, nên khi làm mẹ, Xuân Quỳnh đã dồn tất cả bao yêu thương nồng nàn cho các con, như một cách bù đắp những thiếu hụt và trống trải của đời mình.
Thơ thiếu nhi Xuân Quỳnh được yêu thích từ những câu thơ giản dị như bài hát đồng dao đến những câu thơ không bình yên, nhiều trăn trở, băn khoăn. Làm thơ viết về cuộc sống quanh các em, hay đi vào những vấn đề lớn của đất nước, hoặc trở về những tình cảm riêng tư, bao giờ thơ chị cũng là tiếng thơ của tâm hồn một người phụ nữ, người mẹ, người vợ, người yêu thông minh, sắc sảo, mà nhân hậu, giàu yêu thương.
“Tôi kể với các bạn
Một màu trời đã lâu
Đó là một màu nâu
Bầu trời trong quả trứng
Không có gió có nắng
Không có lắm sắc màu
Một vòm trời như nhau
Bầu trời trong quả trứng”. (Bầu trời trong quả trứng)
Khi khám phá thế giới thần tiên qua những bài thơ thiếu nhi hay của Xuân Quỳnh như “Truyện cổ tích về loài người” chúng ta sẽ hiểu thêm về “Tuổi thơ của con”, tình “Con yêu mẹ”… để từ đó thấy mình bé xíu như chú gà nhỏ nhưng gặp được cả một Bầu Trời Trong Quả Trứng…
4. Thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa
Nổi tiếng là thần đồng thơ, ngay từ khi mới bảy, tám tuổi, Trần Đăng Khoa đã có một thế giới riêng của mình nơi “Góc sân và khoảng trời”. Với những quan sát tinh tế cùng sự liên tưởng phong phú và tài năng hiếm có, cỏ cây, loài vật, con người… trong thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa hiển hiện gần gũi, thân thiết và dung dị. Có lẽ vì vậy mà bạn đọc nhiều thế hệ không thể nào quên những “Đêm Côn Sơn”, “Mẹ ốm”, “Hạt gạo làng ta”, Nghe thầy đọc thơ”…
“Thầy ngồi ghế giảng bài
Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ
Một bàn chân đâu rồi
Chúng em không rõ…
Bàn chân thầy gửi lại Khe Sanh
Hay Tây Ninh, Đồng Tháp
Bàn chân đạp xuống đầu lũ giặc…
Em lắng nghe thầy giảng từng lời
Rung động bao điều suy nghĩ…” (Bàn chân thầy giáo)
Có thể nói, những bài thơ thiếu nhi hay đã góp một phần không nhỏ vào việc nuôi dưỡng tâm hồn các em nhỏ, hướng các em đến cái đẹp và biết làm việc thiện. Những bài thơ thiếu nhi đi cùng năm tháng sẽ như những làn gió mát, như ngụm nước trong trẻo, như suối nguồn yêu thương theo các em đến suốt cuộc đời…