LG G Flex 2
Ưu điểm:
– Kích thước phù hợp cùng độ phân giải tốt hơn LG G Flex
– Phần cứng mạnh mẽ, hiệu năng ổn định
Nhược điểm:
– Chưa nhiều điểm mới ở thiết kế
Samsung Galaxy S6
Ưu điểm:
– Đột phá với thiết kế vỏ kim loại
– Phần cứng mạnh mẽ, ổn định
– Thời lượng pin tốt
– Khả năng hiển thị ấn tượng
Nhược điểm:
– Giá thành còn khá đắt
– Chưa nhiều cải tiến với các ứng dụng chụp ảnh và TouchWiz UI
So sánh về thiết kế
Ấn tượng đầu tiên về LG G Flex 2 chắc chắn là đến từ lớp vỏ bề ngoài của nó. Khác với nhiều mẫu smartphone vỏ nhám, hay vỏ kim loại đục thông thường, LG G Flex 2 tất nhiên là chỉ sử dụng vỏ nhựa dẻo, nhưng trông rất trơn láng và bỏng bẩy, giống như một mẫu xe hơi thể thao vậy.
Nét cong tự nhiên và dáng vẻ cao cấp vẫn là những gì mà LG G Flex thế hệ thứ 2 giữ lại được từ người tiền nhiệm của nó. Tuy nhiên trông nó thanh thoát và đỡ bị dày mình hơn hẳn so với mẫu G Flex ra mắt năm 2013, chủ yếu nhờ vào kích thước được thu gọn đánh kể: màn hình từ 6 inch xuống chỉ còn 5,5 inch.
Bên cạnh đó, các chi tiết truyền thống của LG vẫn được giữ nguyên như lớp viền bezel mỏng, các nút cứng đặt phía sau ốp lưng, ngay dưới camera chính cùng nhiều chi tiết được tối ưu khác hứa hẹn sẽ mang một sự cạnh tranh lớn tới các mẫu smartphone cao cấp hiện nay trên thị trường.
Điểm nhấn đầu tiên có thể dễ dàng quan sát thấy, đó là Samsung đã chính thức thổi bay thiết kế vỏ nhựa truyền thống vốn bị chỉ trích khá nhiều vì tạo cảm giác rẻ tiền. Thay vào đó, giờ đây các tín đồ công nghệ có thể hoàn toàn thoải mái với lớp vỏ kim loại sang trọng trên phiên bản Samsung Galaxy S6.
Ở mặt trước của máy, hai lớp viền màn hình cấu thành từ kim loại được gia công tinh xảo, làm tôn lên độ mỏng ấn tượng chỉ 6,8mm của Galaxy S6, cùng với một lớp kính cường lực Gorilla Glass mới nhất – phiên bản thứ 4.
Tuy nhiên cả mặt trước và mặt sau của Samsung Galaxy S6 tỏ ra khá bám vân tay trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, chiếc smartphone này cũng không đi kèm khả năng chống nước, chống bụi như trên nhiều siêu phẩm khác, đặc biệt là các dòng Sony Xperia.
Khi nhìn kỹ hơn vào các góc cạnh, đặc biệt là bốn cạnh bo tròn hơi vát của Samsung Galaxy S6, có thể thấy rằng dường như nó đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thiết kế của phiên bản Galaxy Alpha, hay thậm chí là từ các mẫu iPhone của Apple. Mặc dù vậy, Galaxy S6 vẫn sở hữu cho mình những nét thiết kế rất riêng cùng độ chi tiết vật thể cao.
Samsung Galaxy S6 tỏ ra rất thoải mái khi cầm trên tay với một màn hình tiêu chuẩn 5,1 inch. Trên thực tế, cảm giác vừa tay ấy là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến cho chiếc Galaxy S6 được giới chuyên môn đánh giá cao, thậm chí là hơn cả người anh em S6 Edge của nó, hay các đối thủ như iPhone 6, 6 Plus.
Ở mặt sau cũng có thể dễ dàng thấy camera chính hơi nhô lên một chút khỏi lưng máy, và điều này được lý giải là do thân máy quá mỏng – gần như tương đồng với iPhone 6 / 6 Plus. Tuy nhiên chi tiết này không thực sự gây ảnh hưởng nhiều tới vẻ đẹp sang trọng của nó, cũng như những bất tiện trong quá trình sử dụng.
So sánh về hiệu năng
Phần cứng và hiệu năng xử lý luôn là những gì mà nhà sản xuất LG chú tâm và luôn cố gắng là người đi trước so với các hãng công nghệ khác. Điều này đã từng đến với siêu phẩm LG G3 khi đây là chiếc smartphone đầu tiên được trang bị độ phân giải QHD cùng màn hình lớn. Và một lần nữa trên G Flex 2, LG lại làm các tín đồ công nghệ phải ngả mũ vì phần cứng cực khủng của mình.
Ấn tượng mạnh nhất có lẽ đến từ bộ vi xử lý của nó. Khi mà hiện nay, chip xử lý Snapdragon 805 còn là một cái gì đó xa xôi, và xa xỉ khi chỉ mới xuất hiện trên vài thiết bị, như Galaxy Note 4, hay Nexus 6, thì LG G Flex 2 lại sở hữu tận phiên bản Snapdragon 810 có tốc độ 2.0GHz, cùng lõi tám nhân cho tốc độ xử lý vượt trội.
Đi kèm với LG G Flex 2 là 3GB RAM, cũng thuộc vào hàng top hiện nay. Bộ nhớ trong này đảm bảo cho người dùng có thể thoải mái xử dụng các ứng dụng, trò chơi, xem phim, hay đa nhiệm mà không gặp phải các vấn đề về chậm xử lý, hay trong khâu truyển tải dữ liệu.
Hoàn thiện thêm cho phần cứng khủng của mình, LG G Flex 2 cũng sở hữu pin dung lượng lên tới 3000 mAh hứa hẹn khoảng 2 ngày sử dụng trong điều kiện thông thường. Bên cạnh đó, nhà sản xuất LG cũng giới thiệu một công nghệ mới của hãng giúp cải thiện thời lượng sạc pin đáng kể. Cụ thể, người dùng có thể đạt 50% chỉ sau hơn 30 phút cắm sạc.
Về phần mình, Samsung Galaxy S6 cũng mang lại một sự nâng cấp đáng kể về phần cứng so với người tiền nhiệm là phiên bản Galaxy S5. Cụ thể, nó sở hữu một bộ vi xử lý Exynos 7420 cùng lõi octa-core mạnh mẽ, được đánh giá là ngang ngửa với con chip đời mới Snapdragon 810 được sử dụng trên loạt siêu phẩm mới ra mắt của năm 2015 như HTC One M9 hay LG G Flex 2.
Trên thực tế, bộ vi xử lý Exynos 7420 thậm chí còn được nhiều tạp chí công nghệ đánh giá cao hơn nhờ vào tính năng tiết kiệm điện năng độc đáo. Cụ thể, thế hệ Exynos 14nm được sử dụng trên Galaxy S6 được Samsung khẳng định rằng mang lại tốc độ nhanh hơn 20% và tiết kiệm hơn 35% điện năng so với thế hệ 20nm trên Galaxy Note 4.
Samsung Galaxy S6 cũng hỗ trợ 3GB RAM chứ không phải 4GB như nhiều dự đoán trước đây. Tuy nhiên chúng lại là RAM DDR4 chứ không phải DDR3 như trên các mẫu smartphone khác, và Samsung khẳng định rằng công nghệ RAM mới giúp tăng tốc độ xử lý hơn tới 80% so với thế hệ cũ.
Nhận định
Nhìn chung, có thể dễ dàng thấy rằng giờ đây khoảng cách giữa những mẫu smartphone cao cấp là không quá chênh lệch nhiều, và chỉ có những ý tưởng đột phá, hoặc những phương pháp kinh doanh đặc biệt mới giúp một nhà sản xuất vượt trội hơn phần còn lại. LG G Flex 2 có lẽ đang rất mạo hiểm trong việc tiếp tục phát huy những gì mà thế hệ màn hình cong trước đã làm được.