Trà hoa cúc
Trà hoa cúc là loại trà đầu tiên được nhắc đến khi muốn chữa bệnh mất ngủ. Trà hoa cúc rất hữu hiệu trong việc điều trị mất ngủ, bệnh trầm cảm và giúp bạn dễ dàng lấy lại bình tĩnh sau thời gian căng thẳng. Bên cạnh đó, loại trà này còn có công dụng chống viêm và giảm đau hữu hiệu. Khi bị đau bụng do kinh nguyệt, bạn cũng có thể sử dụng loại trà này như một loại thuốc làm giảm đau mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Trà tâm sen
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đây là loại trà có thể chữa bệnh huyết áp thông qua cơ chế làm giãn cơ trơn thành mạch máu và giảm trở lực huyết quản, phòng chống rối loạn nhịp tim, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, chống oxy hóa. Nó cũng cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim nhờ khả năng làm giãn thành mạch máu, giảm lượng tiêu thụ oxy của cơ tim và cải thiện lưu lượng tuần hoàn động mạch vành. Cách dùng như sau: Tâm sen 3g cho vào cốc, đổ nước sôi ngâm 5 – 10 phút. Ngày uống 1 – 2 lần. Trà ngoài công dụng chữa bệnh mất ngủ, cao huyết áp, còn thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đầu choáng mắt hoa, hay hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh.
Trà hoa tam thất
Sử dụng mỗi ngày 2 – 3g hoa tam thất, pha đơn giản như pha trà uống bình thường hàng ngày. Bạn có thể dùng trà tam thất thay nước lọc uống mỗi ngày.Pha một ấm trà hoa tam thất, uống đến khi trà loãng, không còn vị ngọt đắng nữa thì thay nước khác. Loại trà này vừa dễ uống, vị thanh mát, vừa tốt cho sức khỏe, tốt cho hệ thần kinh, giúp cải thiện giấc ngủ một cách hiệu quả hơn.
Trà gừng
Theo y dược học hiện đại, gừng chứa tinh dầu 2% – 3%, chất nhựa 5%, chất béo 3% tinh bột và các chất cay như zingeron, shogaola. Đông y xác nhận tinh dầu chiết xuất từ gừng còn có tác dụng chữa chứng mất ngủ kinh niên.
Cách làm trà gừng: Nửa củ gừng, 500ml đường tán, nấu với 500ml nước. Uống chỉ 2 bữa trưa chiều kết hợp tối ngâm chân. Bài thuốc này chữa mất ngủ kinh niên cực tốt.
Trà lá vông
Lá vông còn có tên khác là hải đồng, thích đồng hoặc vông nem. Từ lâu, lá này được nhân dân nhiều địa phương dùng làm thuốc an thần, chống lo âu, phiền muộn, nhức đầu, chóng mặt. Để chữa mất ngủ, người ta lấy lá vông non rửa sạch, luộc hoặc nấu canh ăn hằng ngày; có khi còn phối hợp với lá dâu non.
Cách pha trà lá vông: Lá vông 16 g, táo nhân 10 g (sao đen), tâm sen 5 g (sao thơm). Tất cả trộn đều, vò vụn, hãm với 1 lít nước sôi. Để nguội thêm hoa nhài tươi (2-3 bông), rồi uống làm nhiều lần trong ngày.
Cao lỏng: Lá vông, lạc tiên mỗi vị 400 g; lá gai, rau má mỗi vị 100 g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, nấu với nước 2-3 lần, chắt nước, lọc rồi cô lấy 700 ml. Thêm đường 1.000 g, cô còn 1 lít thành phẩm. Ngày uống 40 ml chia làm hai lần.
Ngâm rượu: Lá vông phơi khô 100 g, thái nhỏ, ngâm với 1 lít rượu 30-40 độ trong 15-20 ngày, càng lâu càng tốt. Ngày uống 10-20 ml.
Trà hạt sen
Sen là cây thuốc quý đã được biết đến từ lâu, tất cả các bộ phận của cây đều được dùng làm thuốc. Trong đó, hạt sen cũng được nghiên cứu và có nhiều tác dụng khác nhau. Những năm gần đây, các nhà thực vật học đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng trong hạt sen có chất kiềm, glucôxit thơm có tác dụng an thần. Sau khi ăn hạt sen, tuyến tụy tiết ra chất insulin làm người ta dễ ngủ hơn.
– An thần, gây ngủ: Tâm sen 5g, lá vông 20g, táo nhân 10g, hoa nhài tươi 10g. Tâm sen được sao thơm; táo nhân sao đen, đập dập; lá vông sấy khô, tán bột. Đem tất cả các loại trộn đều, hãm với 1 lít nước, sau đó cho hoa nhài vào khi nước thuốc còn ấm, rồi lấy nước đó uống làm nhiều lần trong ngày.
– Chữa khó ngủ, tâm phiền, hồi hộp, lo âu: Tâm sen 8g, hạt muồng 20g sao khô, mạch môn 15g, dùng ba thứ này hãm lấy nước uống thay trà trong ngày. Cần kiêng uống cà phê, nước chè đặc.
Trà long nhãn lồng hạt sen
Quả nhãn có tác dụng chữa thấn kinh suy nhược, an thần , mất ngủ, bồi bổ tâm tỳ. Bạn cần chuẩn bị: long nhãn 120g, lá dâu bánh tẻ 80g, hạt sen 120g, hoài sơn (củ mài) 80g, đậu ván trắng (biển đậu) 80g. Lá dâu, hạt sen, củ mài, đậu ván trắng sao thơm tán nhỏ. Long nhãn nấu thành cao đặc trộn với bột làm thành viên (10-12g) ngày uống 1-2 viên trước khi đi ngủ.
Trà hoa nhài
Hoa nhài thường được sử dụng để ướp trà xanh, nhưng không mấy ai biết một công dụng khác rất hữu ích là chữa mất ngủ rất hữu hiệu.
Lấy 10g hoà nhài, tâm sen 10g, hạt muồng 12g rồi sắc lấy nước uống. Mỗi ngày uống một thang chia 3 lần. Trong trường hợp mới bị mất ngủ, chỉ cần uống thang thuốc này từ 3 đến 5 ngày liên tục sẽ cho kết quả hữu hiệu.
Chữa mất ngủ kéo dài: Rễ hoa nhài 100 – 200g, ngâm trong 1 lít rượu trắng 35 – 45o. Mỗi ngày uống từ 10 – 20ml trước khi đi ngủ. Trong trường hợp không uống được rượu có thể thay thế rượu bằng cách rửa sạch rễ nhài rồi cho nước vào nấu lấy nước uống.
Trà trinh nữ
Cây trinh nữ còn gọi là cây mắc cỡ tên khoa học là Mimosa pudica, họ Mimosaceae, mọc hoang khắp nơi. Theo tài liệu cổ, mắc cỡ có vị ngọt, se, tính hơi hàn, ít độc, tác dụng an thần, làm dịu thần kinh, giảm đau, long đàm, chống ho, hạ nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu. Toàn cây chứa ancaloit là mimosin và crocetin, flavonosit. Trong lá và rễ đều có selen nên chữa đau nhức xương khớp rất hiệu quả. Mỗi ngày dùng 20 gam sắc lấy khoảng 100ml uống mỗi tối trước khi đi ngủ.
Trà lá tre
Nếu không may lâm vào tình trạng mất ngủ, ban đầu hoặc ngay cả khi đã dùng khá nhiều chủng loại thuốc an thần trấn tĩnh của y học hiện đại mà hiệu quả còn hạn chế, thì ngoài các loại trà an thần có tiếng như trà tâm sen, trà lá vông, trà lạc tiên… bạn có thể sử dụng bài trà lá tre.
Vị thuốc gồm: Lá tre tươi 30, đăng tâm thảo 5g. Hai thứ cho vào bình kín, hãm với nước sôi, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Thanh tâm giáng hoả, trừ phiền lợi niệu, an thần, thường dùng cho những người bị mất ngủ do mắc các bệnh có sốt cao khiến cho tâm âm bất túc, môi khô miệng khát, tâm thần bất định, mê sảng bồn chồn không yên…
(Tổng hợp)
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam
Tìm kiếm sản phẩm giá rẻ nhất Việt Nam