1. Truyền thuyết về bánh trung thu
Bánh trung thu không cùng xuất hiện với Tết Trung thu. Tương truyền rằng, cuối thời Nguyên của Trung Quốc có hai vị lãnh tụ của phong trào nông dân khởi nghĩa là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn. Hai vị này đã tổ chức nhân dân vùng lên chống lại bè lũ thống trị tàn bạo. Để có thể truyền đạt tin tức và mệnh lệnh một cách bí mật, người ta đã làm những cái bánh hình tròn, bên trong có nhét thêm một tờ giấy ước định thời gian khởi nghĩa là lúc trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng Tám âm lịch.
Sau đó những chiếc bánh này được người ta truyền đi cho nhau và trở thành một phương tiện liên lạc vừa an toàn lại vừa hiệu nghiệm, cũng nhờ những chiếc bánh này mà tin tức hô hào khởi nghĩa đã được truyền đi khắp nơi. Về sau người Trung quốc lấy việc làm bánh trung thu vào ngày rằm tháng Tám để kỷ niệm sự kiện ấy.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng bánh trung thu đã có từ đời Đường và được coi như một thứ đồ lễ để cúng thần mặt trăng. Hồi ấy bánh này được gọi là bánh nhỏ (tiểu bính) hay bánh ngọt (điềm bính) và ở kinh thành Trường An đã có những cửa hiệu làm và bán bánh trung thu.
2. Ý nghĩa bánh trung thu
Dù không bắt nguồn từ Việt Nam nhưng hàng nghìn năm nay, cứ mỗi dịp Rằm tháng Tám, người dân Việt lại cùng nhau tổ chức ngày lễ lớn thứ 3 trong năm – ngày Tết trung thu.
Các hoạt động của Tết trung thu chủ yếu được tổ chức vào ban đêm – khi mặt trăng tròn và sáng nhất. Tết trung thu cũng đã xuất hiện trong truyền thuyết với sự tích chú Cuội – chị Hằng. Vào đêm Rằm trung thu, người lớn thì uống trà, thưởng trăng, hát trống quân. Còn trẻ em rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát trung thu và vui thưởng thức các loại bánh kẹo cùng trái cây được bày biện đẹp đẽ trong mâm cỗ đêm trăng sau khi đã hoàn thành thủ tục thắp hương cúng rằm. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm trung thu này được gọi là “phá cỗ”.
Trong rất nhiều thứ bánh quà, hoa quả bày trong mâm cỗ trung thu thì nhà nào cũng phải có ít nhất vài chiếc bánh trung thu với đủ hai loại dẻo, nướng. Trong đó:
- Bánh dẻo được làm bằng nguyên liệu chính là bột nếp trắng nhồi với đường ngọt lịm, cùng nước hoa bưởi thơm lừng và được đúc trong khuôn gỗ hình tròn. Nhân bánh là hạt sen hoặc đậu xanh tán nhuyễn.
- Bánh nướng gồm hai phần: vỏ bánh và nhân bánh. Vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu, nhân thì có thể thuần túy thường làm bằng đậu xanh, khoai môn, hay hạt sen tán nhuyễn bao bọc lấy một hay hai tròng đỏ trứng vịt muối có mùi vani hay sầu riêng hoặc là nhân thập cẩm gồm đủ thứ như dăm bông, thịt quay, vi yến, dừa, hạt dưa, vỏ quýt, ngó sen, bí đao.
Bánh trung thu dẻo hay nướng thì thường có hình tròn, người xưa giải thích rằng, đó là biểu tượng của sự đoàn viên, của khát vọng về hạnh phúc, cũng bởi vì thế mà nhiều người còn gọi với nhiều tên khác là “Nguyệt Đoàn” hay “bánh Nguyệt”. Nhìn chung, bánh trung thu không những là món ăn, món quà mà còn là giá trị tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết trung thu.
3. Câu chuyện ý nghĩa về chiếc bánh trung thu
Có rất nhiều câu chuyện ý nghĩa về bánh trung thu nhưng câu chuyện cảm động sau đây được nhiều người lan truyền nhất.
“Ngày xưa, có một gia đình nọ gia cảnh bần hàn, thường thiếu trước hụt sau, cơm bữa đói bữa no. Để có cái ăn, họ phải làm lụng vất vả suốt ngày, thậm chí phải vay nợ của bà con hàng xóm để sống qua ngày.
Đến dịp Tết trung thu, trong khi mọi người nô nức đi chợ mua bánh trái, lồng đèn để chuẩn bị, rồi tối đến, trẻ con nô đùa ngoài sân, người lớn đặt bàn cúng, thì gia đình nọ vì nhà nghèo lại phải cửa đóng im ỉm.
Cúng trăng xong, mọi người chia bánh để ăn, hai đứa con của gia đình nọ bỗng dưng bật khóc, một mực đòi bánh trung thu. Cha mẹ chúng dỗ dành mãi không xong, người cha bèn lấy tờ báo ra chỉ vào các loại bánh được in quảng cáo trên đó và hỏi xem các con thích cái nào. Hai đứa trẻ thôi không khóc nữa, chúng đua nhau chỉ vào tờ báo và luôn miệng nói: “Con thích cái này, con chọn cái kia”.
Trong lúc đó, một người ở xóm trên và cũng là chủ nợ của gia đình này có việc đi ngang và nghe thấy bên trong nhà của con nợ mình rộn rã tiếng cười vui, các đứa con thi nhau chọn những cái bánh mình thích. Người chủ nợ nghĩ bụng: “Mày thiếu tiền tao không trả còn bày đặt làm sang mua bánh trung thu về cho con mày ăn, mà còn mua nhiều cho con mày lựa nữa chứ”. Ông ta ấm ức đạp cửa xông vào để mắng con nợ một trận cho ra trò. Nhưng khi cánh cửa vừa mở, ông nhìn thấy hai vợ chồng và hai đứa con của gia chủ đang chụm đầu vào tờ báo làm động tác bốc bánh ăn, ông sững sờ đến rơi nước mắt. Ông đến bên người chủ nhà chia sẻ và hứa sẽ xóa nợ hết cho anh.
Sau đó, ông đem một hộp bánh trung thu để biếu gia đình anh ta. Cũng từ đây mà có tục lệ tặng bánh cho nhau với ý nghĩa mong cho gia đình được đoàn tụ, vui vẻ, no đủ và hạnh phúc trọn vẹn.”
Từ những truyền thuyết, ý nghĩa bánh trung thu và câu chuyện cảm động được nhiều người lan truyền trên mà càng ngày Tết trung thu càng được biết tới nhiều và trở thành lễ lớn. Hàng năm, dù đi đâu về đâu, cứ đến Tết trung thu là mọi người lại cố gắng về đoàn tụ cùng gia đình, trao nhau những hộp bánh ngọt ngào, đậm chất hương vị quê hương.