Bàn phím cơ là gì?
Bàn phím cơ hay Mechanical Keyboard, là loại bàn phím sử dụng các thành phần cơ học. Yếu tố ‘cơ’ ám chỉ những chiếc công tắc (switch) nằm dưới mỗi phím bấm. Mỗi chiếc switch được cấu thành từ nhiều thành phần chuyển động, dùng lò xo để tạo đàn hồi và có 2 (hoặc nhiều) chân tiếp xúc bằng kim loại.
Cơ chế hoạt động của bàn phím cơ vẫn tương tự như những loại bàn phím thông thường. Đó là khi một phím được nhấn xuống, một thành phần chuyển động sẽ đè lên lò xo, ép 2 chân tiếp xúc kim loại được chặp vào nhau, dẫn đến đóng mạch và tín hiệu được gởi đi biết phím đã được nhấn. Khi thả ra, lò xo phục hồi, phím trở lại vị trí ban đầu chuẩn bị cho lần nhấn tiếp theo.
Bàn phím cơ xuất hiện từ lúc nào?
Có thể bạn không biết chứ bàn phím cơ chính là hậu duệ của những chiếc máy đánh chữ đấy. Vào những năm 19700, những chiếc bàn phím điện tử đầu tiên đã bắt đầu được phát triển, sản xuất và bán ra thị trường. Thời điểm đó, các loại bàn phím đều sử dụng công tắc đặt dưới mỗi phím bấm và mỗi công tắc nằm gọn trong một lỗ được khoét trong phần khhung bằng kim loại. Những chiếc bàn phím lúc đó có giá bán từ 80 – 120 USD và thường được dùng chủ yếu tại những khu trung tâm dữ liệu.
Loại công tắc phổ biến lúc bấy giờ là reed switch, hay còn gọi thân mật là ‘công tắc lưỡi gà’. Đó là một thiết kế độc đáo với 2 miếng kim loại (hình lưỡi gà) dẻo, đặt trong một viên nang bằng thủy tinh kín khí. Bình thường 2 miếng kim loại này sẽ nằm cách nhau một khoảng nhỏ nhưng khi có từ trường thì chúng sẽ chặp vào nhau, đóng mạch và tín hiệu được gửi đi. Khi không có tác động của từ trường (nhấn phím) thì độ cứng của 2 miếng kim loại sẽ khiến chúng tách rời nhau, ngắt mạch điện.
Vào những năm 1970, những chiếc công tắc giá rẻ, tiếp xúc trực tiếp đã được giới thiệu nhưng tuổi thọ của chúng ngắn hơn (khoảng 10 triệu lần nhấn) bởi công tắc không còn nằm trong viên nang thủy tinh nữa.
Đến 1978, Key Tronic Corp lần đầu tiên giới thiệu những chiếc bàn phím dùng công tắc điện dung gọi là foam & foil switch. Về cấu tạo, bên dưới mỗi phím bấm đơn giản là một miếng bọt xốp hình tròn với một tấm nhựa phủ mylar dẫn điện đặt trên đầu công tắc. Bên dưới là một bảng mạch, trên bảng mạch này có các mạch in hình bán nguyệt bao quanh mỗi điểm tiếp xúc tương ứng với mỗi phím. Khi nhấn phím, điện dung giữa đầu công tắc và mạch in trên bản mạch bên dưới thay đổi và được một mạch IC nhận biết, từ đó gửi tín hiệu đến máy tính.
Cùng năm đó, IBM cũng đã có những bước tiến vượt bậc trong việc phát triển, thay đổi bàn phím cơ. Hãng đã sản xuất ra những công tắc riêng, được gọi là công tắc lò xo oằn, bên trong mỗi công tắc là một chiếc lò xo và nó sẽ oằn khi phím bị nhấn xuống, kích hoạt một cái cò nhỏ nhấn vào 2 tấm nhựa hay màng có tính dẫn ép vào nhau, từ đó đóng mạch và gửi tín hiệu đi. Cơ chế hoạt động của loại công tắc này phát ra tiếng ‘tích’, tạo cảm giác phản hồi vật lý khiến người gõ biết được khi nào phím được nhấn xuống. Đó là nền tảng và cũng là đặc trưng của các loại switch ngày nay.
Những điều cần lưu ý khi mua bàn phím cơ
Ngân sách
Vì cấu tạo phức tạp nên giá của một chiếc bàn phím cơ rất cao. Trên thị trường các loại bàn phím ngon đến từ các hãng nổi tiếng như Razer, Logitech, Filco, Cosair… có giá dao động từ 2 – 5 triệu đồng. Bạn cần cân nhắc kỹ ngân sách của mình trước khi mua một chiếc bàn phím cơ cho riêng mình. Hoặc nếu không có yêu cầu cao về mặt thiết kế, chất lượng, bạn có thể xem xét 5 chiếc bàn phím cơ giá rẻ này.
Mua bàn phím cơ cũ hay mới?
Trong trường hợp ngân sách không đủ để sắm một chiếc mới toanh thì mua lại đồ second-hand cũng là một lựa chọn không tồi. Ở Việt Nam cộng đồng chơi bàn phím cơ hiện nay rất phát triển và bạn có thể dễ dàng kiếm được một chiếc bàn phím cơ giá rẻ ngon lành, vẫn còn bảo hành trên các hội nhóm mua bán.
Mua bàn phím cơ theo nhu cầu sử dụng
Bạn dự định mua bàn phím cơ làm gì? Để chơi game hay phục vụ công việc? Từ nhu cầu sử dụng đó mà bạn mới quyết định được nên chọn loại switch nào. Dưới đây là bảng phân loại switch dựa theo nhu cầu của người dùng:
Kích thước bàn phím cơ
Bàn phím cơ có khá nhiều kích cỡ, thậm chí có nhiều nhà sản xuất còn tùy biến thêm/bớt vài nút để tạo điểm nhấn cho sản phẩm của mình. Nếu sử dụng cho việc nhập liệu thì bạn nên chọn bàn phím fullsize, còn nếu đơn thuần chơi game không thì bạn chọn tenlesskey cho gọn nhẹ.
Với những thông tin trên đây thì hẳn bạn đã biết bàn phím cơ là gì rồi. Có thể nói đây là loại bàn phím phổ biến hiện nay vì nhu cầu sở hữu một chiếc bàn phím tốt của game thủ ngày càng gia tăng. Nếu bạn đang có nhu cầu tìm mua một chiếc bàn phím tuổi thọ phím cao, cảm giác bấm phím đã tay, nhiều hiệu ứng màu mè đẹp mắt thì có thể cân nhắc lựa chọn bàn phím cơ. Chúc bạn sớm trở thành một tay chơi chuyên nghiệp!