Đánh giá thiết kế
Nếu bạn đọc là một người dùng bàn phím cơ lâu năm, hẳn sẽ nhận thấy xu thế thiết kế low-profile hở chân switch hiện nay đang rất thịnh hành. Khi mang thiết kế này, chiếc bàn phím cơ của người dùng trở nên nổi bật hơn, mang chất “cơ học” nhiều hơn và cùng với đó còn mang đến rất nhiều ưu điểm hơn so với thiết kế bàn phím truyền thống.
Roccat Suora FX cũng được thiết kế theo phong cách này, dù kiểu dáng có phần khá rập khuôn, đặc biệt là rất giống với mẫu bàn phím Ozone Battle Strike ra mắt trước đó khá lâu, nhưng khó có thể phủ nhận được vẻ đẹp mà Roccat Suora FX có được. Toàn bộ khung sườn của phím đều được làm bằng chất liệu nhôm đen mát lạnh cả mặt trên lẫn mặt dưỡi, mang lại một cảm giác rất kích thích khi trên tay. Phần khung nhôm này vừa mang đến độ chắc chắn cho Roccat Suora FX, vừa góp phần khiến phần nhìn của phím ấn tượng hơn mỗi khi lên đèn trong đêm. Chân switch được đính thẳng lên khung bàn phím, game thủ có thể dễ dàng vệ sinh hơn, vừa có thể nhìn ngắm được ánh đèn lung linh khuếch tán ở phần nắp trong suốt của switch.
Ngoài ra, dù sở hữu layout phím fullsize (đầy đủ cụm phím số) song tổng thể Roccat Suora FX lại không hề chiếm dụng quá nhiều không gian như những mẫu bàn phím full size khác (45cm), có thể phù hợp ngay cả với những mặt bàn có chiều dài dưới 1m. Riêng người viết, với mặt bàn dài 1,2m vẫn có thể đặt vừa Roccat Suora FX, một tablet cỡ nhỏ mà khu vực “quẫy” chuột vẫn cực kỳ thoải mái. Đặc biệt là ở mặt lưng, Roccat Suora FX còn cho phép game thủ khả năng đi dây linh hoạt hơn theo cách bố trí hệ thống của mình.
Đèn nền lại là một yếu tố tối quan trọng làm nên vẻ hào nhoáng của Roccat Suora FX. Khoan nói đến phần cảm nhận gõ của switch TTC, riêng khoảng đèn nền RGB của Roccat Suora FX tỏ ra cực kỳ xuất sắc. Khó có một chiếc bàn phím nào ở tầm giá dưới 3 triệu lại có hệ thống đèn nền RGB có khả năng hiện thị 16,8 triệu màu và cung cấp cho người dùng nhiều chế độ lên đèn đa dạng chứ không như những chiếc bàn phím cấp thấp mỗi hàng một màu. Người dùng có thể thông qua ứng dụng Roccat Swarm để thay đổi tới 10 chế độ sáng khác nhau cho Roccat Suora FX, chưa kể chế độ tự hòa trộn theo gu thẫm mỹ riêng của game thủ. Khả năng khuếch tán áng sáng của Roccat Suora FX cũng khá ấn tượng với cường độ sáng khá lớn, khuếch tán đều và rất lung linh khi kết hợp cùng phần khung bằng nhôm của mình.
Tóm lại, về phần ngoại hình và chất lượng hoàn thiện của Roccat Suora FX có thể dễ dàng phù hợp với mọi loại đối tượng game thủ khác nhau, đặc biệt là những game thủ yêu thích sự tinh tế và sắc sảo trong từng đường nét thiết kế của sản phẩm.
Tính năng
Như thường lệ, gắn mác là một bàn phím chơi game, Roccat Suora FX cũng không thiếu những tính năng cần có của một chiếc bàn phím chơi game thông thường. Dù không nhiều và thiết thực, nhưng nhà sản xuất cũng đã khá chăm chút đển hoàn thiện cho đứa con của mình.
Đầu tiên, Roccat Suora FX tích hợp một phím Game Mode đặc biệt ở góc phải, phím này vừa có tác dụng khóa phím Windows, vừa có tác dụng bật cụm phím macro M1-M6 phía trên phím điều hướng khi người dùng chơi game. Lập trình các phím bấm cũng tỏ ra rất trực quan thông qua phần mềm Roccat Swarm, chia được theo nhiều profile khác nhau ứng với từng game hoặc tắt luôn tính năng Macro. Cụm phím Macro này cũng được bố trí phía bên tay phải, nên game thủ cũng sẽ không phải lo lắng việc bấm nhầm nút như trên BlackWidow trước đây.
Những tính năng nhỏ nhưng được khá nhiều người dùng chú ý như tăng/giảm/tắt âm lượng được bố trí ở vị trí hợp lý để có thể thao tác nhanh. Trong khi những chức năng phụ khác như Media, thay đổi đèn nền, khởi động ứng dụng mặc định được tích hợp ở dãy phím F1-F12, sử dụng kết hợp thông qua tổ hợp phím Fn+.
Switch
Điều làm nên giá trị khác biệt của bàn phím cơ học so với các dạng bàn phím khác chính là ở cơ chế switch của nó. Switch được xem như là linh hồn, và là trải nghiệm chính cần được đầu tư quan tâm nhất ở một chiếc bàn phím, nhưng Roccat Suora FX lại đánh đổi điều đó để có một mức giá “đẹp trai” nhất.
Roccat Suora FX được trang bị switch TTC, trên góc độ so sánh giữa các loại switch hiện có trên thị trường thì có lẽ switch TTC là loại có chất lượng thuộc dạng “bét” nhất. Do đó, thật khó để đánh giá cao được trải nghiệm gõ của Roccat Suora FX. Phiên bản người viết sử dụng được trang bị switch TTC Blue, cơ chế hoạt động tương tự Cherry MX Blue, nhưng chất lượng khá tệ. Cảm giác gõ trên Roccat Suora FX gần như giống hệt Brown (có khấc, không tiếng click) bởi tiếng “click” đặc trưng rất bé. Đã vậy, cảm giác khi qua khấc xác nhận tín hiệu cũng rất mờ nhạt. Về lâu về dài, cảm giác sử dụng của switch TTC Blue này chắc chắn sẽ còn đáng thất vọng hơn nữa.
Đã vậy, để bù đắp cho cảm nhận nhấn nghèo nàn và tiếng “click” nhạt nhẽo, Roccat còn bổ sung thêm một chức năng mô phỏng tiếng gõ phím “tóc tóc” trong phần mềm Roccat Swarm rất… buồn cười. Chức năng mô phỏng tiếng gõ này cũng hoạt động rất chập chờn, lúc thì đồng bộ chậm, lúc thì câm luôn.
Cùng với đó, switch cũng rất lỏng lẻo và dễ gãy. Dễ nhận thấy nhất là khi bóc keycap, người viết có cảm giác có thể làm gãy luôn ngòi gắn keycap bởi nó khá yếu. Kết hợp thêm một số điểm trừ nhỏ khá đáng tiếc khác như đầu USB không được mạ vàng, phần vỏ nhôm dễ bám vân tay cũng phần nào khiến Roccat Suora FX gặp rắc rối trước những đối thủ của mình.
Có nên mua Roccat Suora FX hay không?
Tóm lại, nếu bạn là một game thủ mới tập làm quen với phím cơ, yêu thích đèn nền và không quá quan trọng cảm giác gõ, Roccat Suora FX là một sự lựa chọn hợp lý về giá thành. Nhưng nếu bạn là một người dùng cầu toàn hơn, đòi hỏi sự cân bằng về chất lượng gõ lẫn hình thức, người viết thiết nghĩ nên đầu tư hơn một ít tiền để lựa chọn những sản phẩm khác sử dụng switch tốt hơn.