Về mặt thương hiệu, có lẽ nhiều người sẽ khá lạ lẫm với Geezer vì nó chẳng nổi tiếng gì cho lắm, tuy nhiên nếu chỉ chăm chăm vào tên tuổi nhà sản xuất thì chúng ta sẽ dễ dàng bỏ qua nhiều sản phẩm tiềm năng. Và chiếc Geezer GS3 này là một ví dụ điển hình.
Thiết kế
Bề ngoài của GS3 so với mặt bằng chung thì khá mới lạ. Nhìn sơ qua mình thấy nó rất bóng bẩy, cứ như thể toàn bộ bàn phím (kể cả keycap) được làm từ kim loại vậy. Nhưng thực ra thì chỉ có phần giữa của mặt trên chiếc bàn phím là kim loại thôi, được gia công khá tốt, là phần chứa và cố định switch.
Phần trên và dưới của GS3 được bo lại bằng một tấm nhựa liền mạch hình chữ U, tạo cảm giác rất chắc chắn khi cầm và sử dụng. Layout theo chuẩn ANSI vì vậy mà bạn có thể tùy thích độ keycap, nâng cao cảm giác sử dụng và độ bền, tạo nét riêng cho chính mình.
Phần mặt dưới bàn phím là một lớp nhựa thô, sần nhằm tạo độ lì khi phải tiếp xúc với bề mặt bàn. Chân nâng của nó theo mình đánh giá là khá chắc nhưng độ cao thì hơi khiêm tốn.
Đi kèm sản phẩm là miếng kê tay bằng nhựa có bề mặt nhám màu đen, kết nối bằng cách bóp nhẹ vào 2 chân tiếp nối rồi đẩy vào 2 khoang lẫy nằm ở mặt dưới của bàn phím. Kết nối này tuy nhìn có vẻ hơi ‘thô sơ’ nhưng thực ra lại rất chắc chắn, không hề lỏng lẻo dễ bị rơi hay tuột như đệm tay ở một số dòng bàn phím khác.
Switch – Keycap
Geezer GS3 được trang bị switch Kailh với độ bền và khả năng sử dụng đã được chứng thực ở nhiều sản phẩm đi trước rồi nên mình không đề cập nhiều tới loại switch này. Nhìn chung thì với một sản phẩm chưa đến 1 triệu đồng mà được trang bị switch Kailh thì chất lượng của nó sẽ rất tốt, chỉ thua kém switch Cherry mà thôi.
Về keycap thì chất liệu là nhựa ABS, được in double shot nên rất bền và khó phai chữ, độ xuyên led ổn.Tuy nhiên điểm mình thấy chưa ổn là font chữ được in quá xấu, mặc dù điều này là bình thường ở các dòng bàn phím cơ giá rẻ nhưng tổng thể thẩm mỹ của nó cũng kém đi nhiều.
Hệ thống led
Về khả năng chơi màu thì GS3 tuy không được trang bị RGB nhưng dải màu của nó cũng rất đẹp. Nó có tổng cộng có 6 màu cho 6 hàng phím và một số chế độ nháy màu cơ bản như Static (sáng toàn bộ các nút, độ sáng giữ nguyên), Breathing (tăng giảm độ sáng dần trên toàn bộ các nút), hiển thị từng dùng LED từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, từ ngoài viền vào giữa và từ giữa tỏa ra ngoài viền. Theo đánh giá của mình thì các chế độ này là quá đủ dùng với một sản phẩm giá rẻ, hiển thị trong màn đêm cũng đẹp mắt do có sự pha màu giữa các hàng phím.
Tổng kết
Với giá bán chưa đến 1 triệu đồng, có thể nói Geezer GS3 được trang bị khá là đầy đủ và hoàn thiện: từ thiết kế bóng bẩy, build chắc chắn, switch Kailh cho đến hệ thống led. Nếu bạn đang tham khảo một chiếc bàn phím giá rẻ thì có thể đưa GS3 vào danh sách mua sắm của mình. Còn nếu muốn nâng tầm hơn một chút với switch Cherry và chơi led RGB thì bạn nên tìm đến những sản phẩm đắt tiền hơn.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm một số sản phẩm bàn phím cơ cũng trong tầm giá này như Vara K551 RGB, AK33 RGB hay Zildi ZK7.