Bánh chưng là một món ăn truyền thống của người dân Việt Nam, thường xuất hiện trên bàn thờ, mâm cơm cúng hoặc trong bữa ăn gia đình vào các mùa lễ hội, đặc biệt là những ngày Tết Nguyên đán. Để bày biện bánh chưng lên mâm cơm một cách hấp dẫn và đẹp mắt, dưới đây là một số cách trang trí mâm bánh chưng ngày Tết mà gia chủ có thể tham khảo.
1. Ý nghĩa bánh chưng ngày Tết
Bánh chưng được làm bằng gạo nếp với phần nhân bằng đậu xanh, thịt, hành, tiêu,… sau đó được bọc trong lá chuối, lá dong xanh mượt, buộc chặt bằng sợi lạt và có hình dạng vuông vức. Theo quan niệm của cha ông, bánh chưng sẽ tượng trưng cho đất, thể hiện lòng biết ơn của người dân với thiên nhiên vì đã mang đến mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, giúp đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, bánh chưng cũng thể hiện sự kính trọng, lòng yêu thương mà con cháu gửi gắm đến ông bà, tổ tiên nên món ăn này thường được bày biện trên bàn thờ hoặc trong mâm cơm cúng. Là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi gia đình nên bánh chưng ngày Tết cũng là một món quà ý nghĩa mà gia chủ có thể biếu tặng người thân, họ hàng hoặc bạn bè thân quen.
2. Cách cắt bánh chưng trang trí Tết đơn giản và đẹp
Trước khi trang trí mâm bánh chưng ngày Tết đẹp mắt, gia chủ cần cắt bánh chưng đều, không bị nát và sau đây là cách cắt bánh chưng ngày Tết mà gia chủ có thể tham khảo:
- Bóc 1 mặt lá bọc ngoài bánh chưng, sử dụng 4 sợi lạt tạo thành những đường chéo trên bề mặt bánh chưng.
- Úp một chiếc dĩa lên mặt bánh có dây lạt, lật ngược chiếc dĩa và gỡ hết lá mặt bánh còn lại.
- Kéo 2 đầu sợi dây lạt lại để cắt bánh, lặp lại với 3 sợi lạt còn lại ta sẽ được 8 miếng bánh chưng đều đặn có hình rẻ quạt.
- Lưu ý là gia chủ cần sử dụng sợi chỉ hoặc sợi lạt khi cắt bánh chưng và không nên dùng dao vì gạo nếp sẽ dính vào dao làm miếng bánh chưng không được đẹp.
3. Cách trang trí mâm bánh chưng ngày Tết đẹp mắt và hấp dẫn
Để bàn ăn trở nên đẹp mắt hơn, kích thích khẩu vị của thực khách và các thành viên trong gia đình hơn, gia chủ có thể trang trí mâm bánh chưng ngày Tết bằng các cách sau đây.
3.1. Trang trí mâm bánh chưng ngày Tết bằng cách tỉa hoa
Gia chủ có thể trang trí dĩa bánh chưng ngày Tết bằng cách tỉa hoa từ các loại củ, quả quen thuộc như cà rốt, dưa leo, cà chua,… để dĩa bánh đẹp mắt và hấp dẫn hơn.
- Đối với cà rốt: Đầu tiên gia chủ cần gọt vỏ, rửa sạch và dùng dao bào ngang củ cà rốt thành các lát mỏng. Sau đó, ngâm cà rốt đã bào trong tô giấm đường khoảng 30 phút để lát cà rốt mềm hơn, dễ tạo hình hơn. Tiếp theo ta sẽ cuộn thật nhỏ 1 lát cà rốt để làm nhị hoa, rồi xếp các lát cà rốt xung quanh để tạo cánh hoa và cố định lại bằng tăm.
- Đối với cà chua: Gia chủ có thể dễ dàng tạo một bông hoa hồng bằng cách dùng dao gọt quanh phần vỏ của cà chua cho đến độ dài ưng ý rồi dùng đoạn vỏ đó cuộn tròn lại và lấy phần chóp làm đế. Ngoài ra, gia chủ có thể cắt quả cà chua thành 6 phần bằng nhau rồi tách từng cánh hoa ra để tạo một bông hoa sen từ cà chua một cách dễ dàng.
- Nếu khéo tay thì ngoài hoa hồng hoặc hoa sen, gia chủ có thể tạo các hình thù khác như hoa ly, hoa đồng tiền, bươm bướm, chuồn chuồn,… để dĩa bánh chưng thêm phần thu hút.
3.2. Trang trí bánh chưng ngày Tết với món ăn kèm
Được làm bằng gạo nếp, thịt hơn, đậu xanh, và các loại gia vị khác nên bánh chưng là một món ăn có hàm lượng tinh bột và hàm lượng đạm cao, tuy thơm ngon và đậm đà nhưng nếu ăn nhiều thì sẽ dễ bị ngấy. Vì vậy, để tạo sự cân bằng và hài hòa trong hương vị Tết, bánh chưng sẽ được ăn kèm với các món có vị chua thanh mát như dưa hành, củ kiệu, dưa món,…
Dĩa bánh chưng ngày Tết sẽ được phục vụ kèm dĩa củ kiệu, dưa hành nhỏ bên cạnh. Tuy nhiên, gia chủ có thể bày biện dĩa bánh chưng đẹp hơn bằng cách sắp xếp bánh chưng đã được cắt ở một bên, sau đó cho dưa hành hoặc củ kiệu ở vị trí còn lại. Ngoài ra, gia chủ có thể đặt chén dưa món, củ kiểu nhỏ ở chính giữa dĩa và sắp xếp bánh chưng xung quanh giúp món ăn trở nên tinh tế hơn, giúp thực khách dễ dàng thưởng thức hơn.
3.3. Trang trí bánh chưng ngày Tết với bánh chưng ngũ sắc
Bên cạnh dòng bánh chưng xanh truyền thống thì ngày nay, bánh chưng có sự biến tấu về nguyên vật liệu để cho ra những loại bánh chưng hấp dẫn đáp ứng sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng. Nổi bật trong số đó là bánh chưng ngũ sắc có vẻ ngoài mới lạ và ấn tượng với màu đỏ của gấc, màu xanh của lá riềng, màu vàng của nghệ cùng màu tím của nếp cẩm, tất cả đại diện cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ vô cùng hài hòa.
Sự kết hợp giữa ẩm thực truyền thống cùng phong vị hiện đại trong bánh chưng ngũ sắc không chỉ phù hợp với khẩu vị của từng người mà còn giúp bàn ăn của gia đình trở nên đẹp hơn, ngập tràn không khí lễ hội hơn.
Bánh chưng là món ăn truyền thống được nhiều người yêu thích trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Việc trang trí bánh chưng Tết không chỉ giúp bàn ăn trở nên đẹp mắt hơn, mà còn kích thích khẩu vị ăn uống của các thành viên trong gia đình và khách đến chơi nhà. Hy vọng bài viết của Websosanh.vn sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích để trang trí và đón một cái Tết 2024 hạnh phúc và bình an bên gia đình.