Hiện nay Nokia đang có ba mẫu điện thoại thuộc phân khúc cao cấp, đó là Lumia 925, Lumia 1020 và Lumia 1520. Cả ba chiếc máy này cùng được bán song song nhau ở Việt Nam, đều chạy Windowphone và có nhiều tính năng tương đồng, điều đó khiến cho nhiều bạn chuẩn bị sắm Lumia không biết được mình nên mua cái nào cho ngon và cho phù hợp nhu cầu. Hôm nay mình xin chia sẻ với anh em một tí thông tin về ba chiếc điện thoại trên và mục đích sử dụng chính của từng cái. Hi vọng nó sẽ giúp anh em bớt phân vân khi sắm smartphone Lumia cho mình.
Lumia 925: mỏng, nhẹ, sexy
Theo đánh giá của mình, Lumia 925 có thiết kế ấn tượng nhất trong số ba chiếc Lumia nằm trong bài này. Nokia làm phần viền của máy bằng kim loại nên cảm giác cầm vào rất chắc chắn và sang trọng. Nếu bạn chọn chiếc màu trắng hoặc xám thì bộ khung càng nổi bật hơn, nó thể xem là một điểm nhấn cho cả chiếc điện thoại.
Lumia 925 mỏng nhất trong số những máy Lumia cao cấp của Nokia, với độ mỏng chỉ là 8,5mm, trong khi 1020 là 10,4mm và Lumia 1520 là 8,7mm. Độ mỏng này cũng giúp máy trở nên rất sexy và nếu bạn cần một chiếc điện thoại đẹp mắt thì 925 là ứng viên cực kì đáng giá. Ngoài ra, máy cũng rất nhẹ với trọng lượng 139g, trong khi 1020 là 158g còn 1520 thì lên tới 209g nên mình có thể sử dụng rất thoải mái.
925 có kích thước màn hình là 4,5” độ phân giải 768 x 1280, tương đương với Lumia 1020 nhưng chưa bằng được tấm nền 6” 1020 x 1920 của Lumia 1520. Bù lại, kích thước tổng quan nhỏ gọn sẽ giúp bạn dễ cầm máy hơn, ngay cả khi sử dụng một tay, cũng như dễ dàng bỏ vào túi quần hơn. Các cấu hình còn lại như CPU hai nhân, RAM 1GB thì tương đương với Lumia 1020 và tốc độ thực thi thì không cực kì nhanh chóng, không có gì phải bàn cãi.
Máy sở hữu cảm biến PureView 8,7 megapixel với hệ thống chống rung quang học rất hiệu quả khi chụp thiếu sáng. Chất lượng ảnh của máy nằm ở mức tốt, mời anh em tham khảo thêm Đánh giá Lumia 925 để có thêm thông tin về khoản chụp ảnh của máy nhé. Điều tuyệt vời nhất đó là 925 hoàn toàn tương thích với Nokia Camera, ứng dụng chụp ảnh với khả năng chỉnh tay chuyên nghiệp, từ việc chỉnh tốc độ, cân bằng trắng, ISO, EV… thì 925 đều có thể làm được hết, không thua kém gì so với 1020 hay 1520. Ứng dụng Nokia Refocus với chức năng chụp trước lấy nét sau cũng chạy tốt với 925.
Có một điểm bạn cần lưu ý, đó là 925 bản bán ở Việt Nam có bộ nhớ trong là 16GB, hơi ít so với nhu cầu của một số anh em, và lại không hỗ trợ mở rộng bằng thẻ microSD nên nếu bạn cần lưu nhiều nhạc, hình, phim thì hãy xem xét kĩ về điều này nhé.
925 hiện có giá bán chính hãng ở nước ta là 10,9 triệu đồng, và cũng là chiếc rẻ nhất so với hai người anh em còn lại. Đây là một cái giá rất “đáng yêu” để chúng ta trải nghiệm Windows Phone 8 trên một dòng điện thoại với thiết kế đẹp, cao cấp và cũng nhận được bản cập nhật phần mềm từ Nokia nhanh không kém gì những người anh em còn lại.
Lumia 1020: Chụp ảnh, chụp ảnh, chụp ảnh
Lumia 1020 rõ ràng được sinh ra là để dùng cho những ai đam mê chụp ảnh. Máy sở hữu cảm biến lớn 2/3”, lớn hơn rất nhiều so với những máy ảnh trong điện thoại và tương đương với cảm biến của các camera ngắm chụp nên cho hiệu quả cực kì ấn tượng. Điểm đáng chú ý nhất đó là cảm biến này có độ phân giải 41 megapixel, nhờ vậy chúng ta có thể zoom tối đa 4x mà vẫn không suy giảm chất lượng. Với màn trập cơ, Lumia 1020 giúp thao tác chụp chuyên nghiệp hơn, đồng thời giảm độ trễ khi chụp. Máy còn có thêm đèn flash Xenon bên cạnh đèn flash LED thông thường, và đèn này cho ra kết quả thật sự ấn tượng so với chỉ đèn flash LED của 925 và 1020.
Cũng như những chiếc Lumia cao cấp khác, điểm làm cho 1020 thật sự phát huy hết sức mạnh của mình chính là phần mềm Nokia Camera. Ứng dụng này cho phép chúng ta chỉnh tay rất nhiều, gần giống như những gì bạn có thể làm DSLR. Mời các bạn xem thêm bài Trên tay Lumia 1020 với tư cách của một chiếc máy ảnh để tìm hiểu thêm và khả năng chụp hình của máy.
Trong khoảng đầu năm sau, khi 1020 nhận được bản cập nhật Nokia Black, chúng ta sẽ có thêm khả năng chụp ảnh RAW theo định dạng DNG của Adobe. Ảnh RAW lưu giữ nhiều thông tin hơn và không bị máy xử lí như ảnh JPEG, do đó bạn có thể bảo toàn được nhiều chi tiết hơn ở các vùng quá sáng hoặc quá tối. Thao tác chỉnh sửa hình hậu kì cũng được thực hiện tốt hơn nhờ lượng thông tin lưu trong ảnh RAW hơn rất nhiều so với JPEG.
Tóm lại, xét về khía cạnh chụp hình, 925 và 1520 không thể nào bì được với 1020 dù phần mềm của ba máy giống nhau. Ảnh từ 1020 cho ra có chất lượng cao hơn, ảnh ít nhiễu hơn, sáng hơn, độ phân giải thì tất nhiên là vượt trội so với hai người anh em còn lại.
Giờ hãy xem những yếu tố khác của máy. 1020 có cụm camera rất to, và tổng độ dày của máy là 10,4mm, hơn rất nhiều so với 925 và 1520. Nó không mảnh mai và hấp dẫn như 925, nhưng bù lại chúng ta có cảm giác chắc chắn hơn một chút. Mình thấy rằng cụm camera màu đen này rất nổi bật và nó có tác dụng làm điểm nhấn cho cả chiếc máy, nhìn rất chuyên nghiệp và ai nhìn vào cũng rất ấn tượng.
Như đã nói ở trên, màn hình, CPU, RAM, chip… của Lumia 1020 đều gần như giống với 925, chất lượng thực thi thì không có vấn đề gì, toàn bộ hệ thống chạy rất nhanh. Thực ra thì chúng ta cũng không phải suy nghĩ nhiều về cấu hình khi đi sắm Windows Phone bởi hệ điều hành này hỗ trợ phần cứng tốt hơn so với Android. Có một điều mà bạn cần lưu ý: ảnh của 1020 độ phân giải rất cao, do đó sau khi chụp xong thì máy sẽ phải xử lí và lưu ảnh mất khoảng nửa giây trước khi bạn có thể tiếp tục chụp tấm ảnh kế tiếp.
Giá chính hãng của 1020 ở Việt Nam hiện là 14,9 triệu đồng. Nếu có thể, bạn nên mua kèm grip chụp ảnh cho 1020, vừa bổ sung pin, vừa có nút chụp lớn hơn, lại có tư thế cầm chắc chắn hơn khi chụp ảnh.
Lumia 1520: màn hình lớn và đẹp
Đây là chiếc phablet chạy Windows Phone đầu tiên, và nó cũng thuộc vào top những điện thoại lớn nhất trên thị trường hiện nay. Màn hình 6” độ phân giải Full-HD 1920 x 1080 của máy rất tuyệt vời, dễ dàng nằm trong top những màn hình smartphone đẹp nhất và hoàn toàn có khả năng so sánh với những đối thủ khác chạy Android hay iOS. Do sử dụng tấm nền LCD cộng với độ phân giải màn hình cao nên 1520 không gặp tình trạng rỗ, vỡ hình ảnh như tấm nền OLED của 925 và 1020. Dù cho bạn có cố gắng tới cỡ nào đi nữa thì cũng khó mà nhận thấy các điểm pixel riêng lẻ. Màu sắc của màn hình này cũng đẹp hơn, chân thực hơn so với 925 hay 1020. Bạn sẽ cảm thấy cực kì thích thú khi lướt web, chơi game hay xem video, hình ảnh với chiếc 1520.
Màn hình lớn cũng giúp chúng ta không phải liên tục zoom khi duyệt web, việc cuộn qua lại cũng ít hơn so với màn hình 4,5” của 1020 hay 925. Và để tận dụng kích cỡ 6” này, Lumia 1520 được cài sẵn bản Windows Phone 8 Update 3 hỗ trợ đến 6 cột Live Tile ngoài màn hình chính. Việc đặt nhiều Tile như thế sẽ giúp bạn cập nhật thông tin một cách nhanh chóng từ những app bạn thường dùng mà không cần chạy chúng lên. Đáng tiếc rằng các ứng dụng chưa thật sự được tối ưu hóa với màn hình to của Lumia 1520. Trong một số app, các icon, nút, chữ như bị phóng to ra nhìn rất kì dị, cũng may là nó không ảnh hưởng mấy đến việc sử dụng thiết bị.
Màn hình lớn cũng có hạn chế của nó, đó là kích thước tổng quan của 1520 to hơn rất nhiều so với 925 và 1020. Để dùng máy một cách thoải mái và an toàn (không bị rớt) thì chúng ta buộc phải xài đến hai tay. Nó cũng rất to khi bỏ vào túi quần, rất có thể máy sẽ không nằm vừa với những bạn xài túi nhỏ, còn các bạn nữ thì gần như luôn phải bỏ máy trong ví hay giỏ của mình. Ngoài ra, có thể bạn cũng sẽ cần phải xài với tai nghe Bluetooth để khi cần nghe điện thoại thì không phải lấy máy ra khỏi túi.
1520 khá mỏng, mỏng hơn nhiều so với 1020 và chỉ dày hơn 0,2mm so với 925 nên trông máy rất hấp dẫn và đẹp mắt. Kiểu dáng thiết kế thì không khác mấy so với 1020, chúng ta cũng có các cạnh bên được bo tròn, góc máy vuông vức, mặt sau thì chỗ cụm camera hơi lồi lên một chút giống 925 nhưng không to như 1020.
Xét về cấu hình, Lumia 1520 là một trong những smartphone có cấu hình mạnh nhất hiện nay trên thị trường và nó hoàn toàn thắng thế so với 925 hay 1020. Nokia trang bị cho 1520 chip Snapdragon 800 với bốn nhân, RAM 2GB, trong khi những kia chỉ xài chip 2 nhân và RAM 1GB. Sự khác biệt trong tốc độ thực thi là không lớn bởi bản thân các thiết bị kia đã nhanh rồi. Tuy nhiên, 1520 có tốc độ chụp và lưu ảnh nhanh hơn nhiều so với 1020, phần vì cấu hình cao hơn, phần vì camera có độ phân giải thấp hơn. Nếu bạn muốn xem so sánh tốc độ thì có thể vào bài viết So sánh nhanh tốc độ 1520 và 1020.
Cảm biến PureView của 1520 cũng có độ phân giải thuộc vào hàng cao, 20 megapixel, nó cũng hỗ trợ zoom không mất chi tiết như trên 1020 nhưng chỉ được 2x mà thôi. Ảnh từ 1520 không sáng và đẹp như 1020, nhưng máy xử lí ảnh khá tốt, trong trẻo nên chúng ta có thể lấy xài ngay (chia sẻ lên mạng xã hội, gửi mail…) mà không cần phải edit gì thêm. Máy vẫn hỗ trợ chống rung quang học, và đặc biệt là đã cho phép chúng ta chụp ảnh RAW chứ không phải đợi bản cập nhật Black như 1020. Để xem hiệu quả của ảnh RAW so với JPEG ra sao, mời các bạn xem bài viết Đánh giá – File RAW ở Lumia 1520 và ý nghĩa thực tế.
Lumia 1520 đắt nhất trong số ba máy và hiện đã được bán chính hãng với giá là 15,9 triệu đồng.
Tóm lại:
- Lumia 925 là chiếc điện thoại dành cho những ai thích mỏng, nhẹ và giá hợp lý 11 triệu đồng
- Lumia 1020 dành cho những anh em đam mê chụp ảnh, đòi hỏi chất lượng ảnh cao cấp, sắp tới hỗ trợ cả ảnh RAW. Giá hiện nay là 14,9 triệu đồng.
- Lumia 1520 phù hợp với những bạn thích trải nghiệm nội dung đa phương tiện như web, mail, nhạc, hình, phim, mạng xã hội… trên một màn hình lớn và đẹp mắt. Giá đắt nhất: 15,9 triệu đồng.