Đánh giá HP ZBook 15: Mạnh mẽ!

Chuyển tới nội dung chính trong bài[xem]
Là một chiếc laptop có hiệu năng cao và thời lượng pin rất tốt, ZBook 15 còn được trang bị tính năng bảo mật mạnh mẽ. Không chỉ có vậy, khả năng tùy biến rất cao đã biến ZBook 15 trở thành sản phẩm mơ ước dành cho "dân IT".

Đánh giá HP ZBook 15: Mạnh mẽ - VnReview

Điểm mạnh:

– Trải nghiệm nghe nhìn rất tốt.

– Thời lượng pin dài.

– Vi xử lý lõi tứ mạnh mẽ.

– Khả năng tùy biến cao.

– Nhiều tùy chọn bảo mật mạnh mẽ.

Điểm yếu:

– Máy quá nặng và cồng kềnh.

Theo LaptopMag, được thiết kế để gánh vác các công việc “nặng” nhất như đồ họa, lập trình và giải trí đa phương tiện, ZBook 15 với màn hình 15,6 inch là một chiếc máy trạm để làm việc (workstation) cực kỳ mạnh mẽ. Với vi xử lý Core i7 Haswell 2,7Ghz và 16GB RAM cùng đồ họa Quadro của NVIDIA, ZBook 15 chắc chắn sẽ làm vừa lòng những người dùng “sành IT” khó tính nhất. Tuy vậy, ở mức giá 2.486 USD (khoảng 52,5 triệu đồng, giá gốc tại Mỹ), liệu đây có thực sự là một sản phẩm đáng mua?

Thiết kế

ZBook 15 có màn hình 15,6 inch, thân làm bằng nhôm đánh bóng và khung ma-giê. Phần lớn bộ phận nắp phía trên của ZBook 15 sử dụng chất liệu nhôm đánh bóng sơn mờ, trong khi các cạnh được làm bằng ma-giê. Phần nhôm sơn mờ có màu sắc khá hài hòa với các cạnh bằng ma-giê, mặc dù vẫn bị bám vân tay khá dễ dàng.

đánh giá hp zbook 15

Khi mở máy, bạn sẽ thấy phần nắp thân máy và viền màn hình của ZBook 15 sử dụng chung một màu đen giống như nắp đậy. 2 loa đặt phía trước nằm ngay phía trên bàn phím có đèn chiếu sáng.

Với cân nặng xấp xỉ 4kg, ZBook 15 nặng hơn 1,7kg so với MacBook Retina 15 inch (2,3kg). Với kích cỡ 38 x 25,5 x 3cm, ZBook 15 cồng kềnh và dày hơn MacBook Retina 15 inch (35,8 x 24,6 x 1,8cm).

ZBook 15 có kích cỡ cồng kềnh là do HP đã cố gắng tạo ra một chiếc laptop có khả năng tùy biến cao. Theo HP, bạn có thể gắn tới 3 ổ cứng vào thân máy; phía dưới thân máy cũng có nắp đậy cho phép bạn dễ dàng tháo và gắn linh kiện. Bạn có thể gắn ổ cứng có dung lượng tối đa 1TB vào khe cắm chính, và cũng có thể tháo rời ổ đĩa quang để gắn ổ cứng có dung lượng tối đa 750GB. Trong tháng 2 năm sau, HP cũng sẽ tung ra một phiên bản có khả năng gắn ổ cứng 128GB mSATA.

Bàn phím

đánh giá hp zbook 15

Bàn phím có đèn chiếu sáng của HP vẫn sử dụng thiết kế island-style quen thuộc, với các phím hình vuông có góc bo tròn. Bàn phím này không chỉ chống nước mà còn là một trong các mẫu bàn phím bền bỉ nhất từ trước tới giờ. Các phím có độ sâu khá tốt và bao gồm cả bàn phím số đầy đủ. Khoảng cách giữa các phím đủ lớn để bạn không phải bó hẹp tay, nhưng cũng không quá rộng, giúp cho bạn có thể gõ từ đủ nhanh.

Tốc độ gõ phím trung bình mà các biên tập viên của LaptopMag đạt được trong thử nghiệm với ZBook 15 là 72 từ/phút, bỏ xa mức trung bình 55 từ/phút trên phân khúc laptop chính thống (laptop đa mục đích: làm việc, chơi game, xem phim…). Con số 72 từ/phút của ZBook 15 thậm chí còn vượt mức 70 từ/phút trên máy để bàn.

Touchpad và pointing stick

đánh giá hp zbook 15

Touchpad kích cỡ 10.4 x 5.7 của ZBook 15 đem đến một trải nghiệm di chuột khá thoải mái và mượt mà. Không chỉ rất nhạy mà touchpad này còn có các nút bấm riêng. Nút chuột giữa sẽ giúp chuyển trỏ chuột thành bánh xe cuộn, giúp trải nghiệm lướt web trở nên dễ dàng hơn.

Touchpad của ZBook 15 cũng hỗ trợ nhiều cử chỉ cảm ứng khác nhau, ví dụ như cuộn bằng 2 ngón tay và kéo-để-zoom. Sự chính xác và độ nhạy của ZBook 15 chắc chắn sẽ khiến nhiều người bất ngờ. Bạn có thể kéo để phóng to/thu nhỏ các văn bản hoặc các biểu tượng trên màn hình desktop.

đánh giá hp zbook 15

Pointing stick của ZBook 15 có bề mặt vân cao su giúp ngón tay của bạn được thoải mái mà không bị trượt tay khi sử dụng. Pointing stick được đặt giữa phím G và H, do đó bạn sẽ ít khi phải di chuyển tay ra xa hàng phím giữa nếu sử dụng pointing stick. Pointing stick có bề mặt hơi lõm xuống và rất nhiều chấm vân cứng. Nhìn chung, pointing stick của ZBook 15 sẽ mang lại trải nghiệm điều hướng rất chính xác.

Màn hình và âm thanh

Màn hình chống lóa 15,6 inch độ phân giải 1920 x 1080p của ZBook 15 có chất lượng hình ảnh rất tốt. Trải nghiệm phim ảnh và chơi game trên ZBook 15 là cực kỳ ấn tượng, và bạn cũng có thể nhìn màn hình của máy từ các góc hẹp nhất.

đánh giá hp zbook 15

Khi thưởng thức trailer của bộ phim “The Secret Life of Walter Mitty” trên laptop này, các cảnh quay ngoài trời có màu sắc rực rỡ và các chi tiết rất rõ nét. Thậm chí, bạn còn có thể nhìn thấy từng lọn tóc của diễn viên và cả các vân trên áo của họ. Màu xanh lá cây được hiển thị rất sáng, và bạn có thể nhìn thấy tất cả các chi tiết trên mặt của các nhân vật.

Màn hình của ZBook 15 có độ sáng vượt trội so với mức trung bình 208 lux của phân khúc laptop chính thống: 295 lux. Tuy vậy, MacBook Pro vẫn vượt lên trên ZBook 15 với độ sáng màn hình lên tới 324 lux.

đánh giá hp zbook 15

Các loa tích hợp sẵn của ZBook 15 đem tới một trải nghiệm âm thanh khá dễ chịu. Khi mở bài hát “Recover” của Chvrches, bạn có thể nghe thấy rõ ràng mọi âm thanh: Từ tiếng nhạc cụ cho tới giọng hát mơ màng của ca sĩ. Âm thanh rất chắc và rõ ràng khi sử dụng tùy chỉnh mặc định, và nếu bạn thay đổi các cài đặt trong ứng dụng DTS Audio, chất lượng âm thanh có thể còn được cải thiện nhiều hơn nữa.

Loa của ZBook 15 cũng có âm lượng khá lớn: Dung lượng tối đa 88 decibel, ngang bằng với mức 87db của phân khúc laptop chính thống.

Máy quét vân tay và bảo mật

ZBook 15 có máy quét vân tay nằm dưới cụm phím số. Bạn có thể dùng máy quét vân tay để đăng nhập vào các trang web hoặc vào Windows mà không cần tới mật khẩu.

Trong thử nghiệm của LaptopMag, các biên tập viên phải mất tới 10 lần thử để lưu thông tin nhận diện mỗi ngón tay. Tuy vậy, một khi đã lưu được thông tin cần thiết, các lần đăng nhập sau đó đều rất dễ dàng. Khi đăng nhập vào các trang web, ZBook 15 có thể nhận diện bạn ngay khi bạn quét vân tay lần đầu tiên.

đánh giá hp zbook 15

Ngoài ra, ZBook 15 còn hỗ trợ nền tảng TPM cho phép bảo vệ các thông tin cá nhân. ZBook 15 cũng có đầu đọc Smart Card và tính năng Spare Key cho phép hồi phục các mật khẩu bị mất.

Tản nhiệt

ZBook 15 giữ được nhiệt độ khá thấp trong thử nghiệm của LaptopMag. Touchpad có nhiệt độ 27,8 độ C; phần giữa thân máy có nhiệt độ 30,6 độ C; hàng phím G và H có nhiệt độ 31,1 độ C. Chỉ có phần khe tản nhiệt có thể gây khó chịu cho bạn với nhiệt độ lên tới 35,6 độ C.

Cổng kết nối và webcam

đánh giá hp zbook 15

Số lượng cổng kết nối của ZBook 15 vượt trội hơn rất nhiều so với các model laptop khác. Ở phía bên trái máy là một cổng USB 2.0, một cổng USB 3.0, một đầu đọc thẻ SmartCard, khe cắm khóa Kensington và cổng DisplayPort. HP cũng cung cấp cho bạn cổng Thunderbolt với tốc độ truyền dữ liệu lên tới 10GB/giây, nhanh gấp đôi USB 3.0. Chỉ thua mỗi cổng Thunderbolt trên MacBook Pro, vốn có thể truyền dữ liệu với tốc độ lên tới 20GB/giây.

Bên phải của ZBook 15 là ổ DVD, khe cắm thẻ SD, đầu cắm tai nghe, 1 cổng USB 2.0 và cổng VGA. Phía sau lưng máy là một cổng USB 2.0 khác và cổng cắm dây mạng.

Camera 720p của ZBook 15 đem đến hình ảnh rõ ràng và sắc nét. Khi sử dụng phần mềm YouCam cài sẵn, bạn sẽ thấy rất ít nhiễu hoặc vỡ điểm ảnh. Trong khi ZBook 15 có thể thu lại các chi tiết nhỏ (như tóc người dùng), tuy nhiên ánh sáng của webcam chưa đủ tốt. Khi sử dụng trong phòng sáng, hình ảnh của webcam sẽ hơi ngả vàng.

Hiệu năng

Với vi xử lý Intel Core i7-4800MQ xung nhịp 2,7GHz, 16GB RAM và ổ cứng 500GB 7200 vòng/phút, ZBook 15 có thể vượt qua các benchmark một cách dễ dàng.

Trong thử nghiệm Geekbench 3 để đo tốc độ vi xử lý, ZBook 15 đạt điểm số 12.797. Con số này vượt xa điểm trung bình 9.280 của dòng laptop chính thống, song lại kém hơn điểm số 13.652 của MacBook Pro. Đó là do MacBook Pro được trang bị ổ cứng thể rắn (SSD), thay vì ổ cứng cơ (HDD) như ZBook 15.

đánh giá hp zbook 15

ZBook 15 khởi động Windows 7 Professional chỉ trong vòng 25 giây, nhanh hơn 5 giây so với tốc độ khởi động trung bình của phân khúc laptop phổ thông, song lại kém hơn rất nhiều so với thời gian khởi động 14 giây (vào OS X) của MacBook Pro.

Ổ cứng 500GB 7200 vòng/phút của ZBook 15 có thể tự copy 4,97GB dữ liệu trong vòng 1 phút 46 giây, tương đương với tốc độ 48MB/giây – chậm hơn so với trung bình chung 51MB/giây. MacBook Pro hoàn thành thử nghiệm này chỉ trong vòng 16,5 giây (309MB/giây).

Trong thử nghiệm ghép 20.000 tên liên lạc vào địa chỉ của OpenOffice Spreadsheet, ZBook 15 chỉ mất 3 phút 44 giây để hoàn thành tác vụ. Mức trung bình của dòng laptop chính thống là 5 phút 33 giây, và ngay cả MacBook Pro cũng phải mất 4 phút 14 giây để hoàn thành.

Trong thử nghiệm thực tế, ngay cả khi đã bật tới 6 phần mềm Google Chrome, HP Client Security, Cyberlink Power2Go, CyberLink YouCam, Skype và Internet Explorer, các biên tập viên của LaptopMag vẫn có thể chơi game Bioshock Infinite, một trong những game đỉnh nhất hiện nay, tại độ phân giải Full HD mà không bị chậm, giật.

Đồ họa

Nhờ có card đồ họa NVDIA Quadro K610M với dung lượng bộ nhớ 1GB, ZBook 15 có thể chạy các ứng dụng nặng đồ họa một cách mượt mà. Nhờ có công nghệ NVIDIA Optimus, ZBook 15 có thể chuyển đổi giữa card đồ họa rời và card đồ họa tích hợp để tiết kiệm thời lượng pin.

Điều đáng thất vọng là trong thử nghiệm benchmark, ZBook 15 chỉ đạt điểm số 1.277 trên 3DMark 11, thấp hơn điểm số trung bình 1.391 của dòng laptop chính thống. Khi chơi game World of Warcraft, ZBook 15 chỉ đạt 42 khung hình/giây khi đặt cài đặt tự động và 23 khung hình/giây khi bật cài đặt đồ họa tối đa. MacBook Pro đạt 49 khung hình/giây khi chạy ở cài đặt thường và 25 khung hình/giây khi bật hiệu ứng tối đa. Cả 2 model cao cấp này đều thua kém khá nhiều so với mức trung bình 75 khung hình/giây (thường) và 33 khung hình/giây (tối đa) của phân khúc laptop chính thống. Tuy vậy, cần phải lưu ý rằng phần lớn các model laptop khác có độ phân giải thấp hơn mức 1080p của ZBook 15 và 2880 x 1800 của MacBook Pro. Sự khác biệt này nằm ở chỗ, dòng card đồ họa chuyên dụng NVIDIA Quadro vốn không phải để dành chơi game, mà nó được tối ưu trình điều khiển để ưu tiên các tác vụ dựng hình và tính toán trong các ứng dụng đồ họa, lập trình và khoa học.

Pin

đánh giá hp zbook 15

Pin 8-cell của ZBook 15 có thể hoạt động trong vòng 7 giờ 46 phút liên tiếp, vượt qua mức trung bình 5 giờ 35 phút. Tuy vậy, MacBook Pro Retina thậm chí còn đạt tới 8 giờ 57 phút.

Pin mở rộng của ZBook 15 có giá khá đắt: 159 USD (giá gốc tại Mỹ, tương đương 3,4 triệu đồng).

Các phiên bản

HP đưa ra nhiều phiên bản cho chiếc laptop cấu hình cao của mình. Phiên bản được đánh giá trong bài viết sử dụng vi xử lý Intel Core i7-4800MQ tốc độ 2.7GHz, RAM 16GB, card đồ họa NVIDIA Quadro K610M bộ nhớ 1GB, bộ nhớ đệm 32GB và ổ cứng 500GB 7200rpm với giá 3.100 USD tại Mỹ (tương đương với 65 triệu đồng). Ngoài phiên bản Windows 7 Professional, bạn có thể nâng cấp lên Windows 8 hoặc Windows 8 Pro.

Phiên bản có giá rẻ nhất (1.700 USD tại Mỹ – tức khoảng 36 triệu đồng) được trang bị Intel Core i7-4700MQ tốc độ 2.4GHz, RAM 4GB, ổ cứng 500GB 7200rpm, card đồ họa NVIDIA Quadro K610M bộ nhớ 1GB. Phiên bản đắt nhất có giá 3.000 USD tại Mỹ (khoảng 63 triệu đồng) có cấu hình tương đương với máy trong bài viết nhưng sử dụng ổ cứng 750GB thay vì 500GB và không có bộ nhớ đệm 32GB.

Phần mềm

Chiếc ZBook chạy Windows 7 Professional và được cài sẵn một số chương trình burn đĩa như CyberLink Power2Go 8 và Desktop Burning Gadget cũng như phần mềm chống trộm. Ngoài ra, máy còn được cài sẵn Computrace – một phần mềm theo dõi cấu hình trong hệ thống, kể cả khi ổ cứng bị tháo hoặc hư hại.

đánh giá hp zbook 15

Phần mềm Client Security của HP cho phép người dùng bảo mật bằng vân tay, thay đổi mật khẩu Windows và sử dụng các thiết bị bảo mật khác. Bạn cũng có thể kích hoạt tính năngJust In Time Authentication Policy để giới hạn thời gian sử dụng của các thiết bị ngoại vi. Nếu bạn để máy tính ở một chỗ và không sử dụng, kẻ gian sẽ không thể cắm thiết bị khác từ bên ngoài vào mà không được phép.

Kết luận

đánh giá hp zbook 15

Nếu bạn dám bỏ ra 2.500 USD (khoảng 53 triệu đồng), chiếc HP ZBook 15 sẽ không làm bạn thất vọng. Máy sở hữu hiệu năng hơn hẳn các dòng laptop thông thường, card đồ họa Quadro cao cấp chuyên dụng, lớp sơn mờ rất đẹp, màn hình 1920 x 1080 pixel và thời lượng pin tốt. Cổng kết nối Thunderbolt cho phép tốc độ chuyển dữ liệu cao hơn. Ngoài ra, bạn có thể thay ổ cứng qua nắp đậy phía dưới cùng với bảo mật máy bằng vân tay.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay cũng có những sự lựa chọn khác dành cho bạn. Chiếc Dell Precision M4800 được trang bị vi xử lý Intel Core i7-4900MQ 2.8GHz, đồ họa NVIDIA Quadro, ổ SSD 256GB và màn hình 15 inch, độ phân giải siêu cao 3200 x 1800 pixel với giá khoảng 2.500 USD tại Mỹ (tức 53 triệu đồng).

Apple MacBook Pro 15 inch có giá 2.600 USD (khoảng 55 triệu đồng) với màn hình Retina 2880 x 1880 pixel, ổ flash 512GB nhanh hơn và lớn hơn. MacBook Pro còn có thân hình gọn gàng hơn. Bù lại, bạn sẽ không có tính năng quét vân tay, nhiều ổ kết nối và nắp đậy phía dưới như của HP ZBook 15.

Nhìn chung, hiệu năng HP ZBook 15 thừa đủ để xử lý các tác vụ nặng, lại có tính năng vân tay và bảo mật bằng Intel vPro. Nếu bạn cần một chiếc laptop hiệu năng cao để phục vụ công việc và quan tâm đến bảo mật, HP ZBook 15 là một sự lựa chọn tối ưu.

Việt Dũng

TIN TỨC LIÊN QUAN

Tin tức về Máy tính - Laptop

HP OmniBook Ultra 14: Tốt, nhưng không hoàn hảo!

HP OmniBook Ultra 14: Tốt, nhưng không hoàn hảo!

HP OmniBook Ultra 14 là một lựa chọn tuyệt vời cho những ai tìm kiếm một thiết bị mạnh mẽ với khả năng hoạt động ổn định và bền bỉ. Mặc dù thiết kế bên ngoài không có gì nổi bật và có vẻ đơn điệu, nhưng sức mạnh bên trong của sản phẩm này chính là điểm mà người dùng cần chú ý đến.
Đánh giá laptop gaming Dell Alienware M18 R1: "Nghiền nát" mọi tựa game!

Đánh giá laptop gaming Dell Alienware M18 R1: "Nghiền nát" mọi tựa game!

Dell Alienware M18 R1 là một trong những chiếc laptop gaming mạnh mẽ nhất hiện nay được thiết kế dành cho những game thủ và các creator đòi hỏi hiệu năng đỉnh cao. Với thiết kế độc đáo, màn hình tuyệt đẹp, cấu hình “khủng”, nó hứa hẹn mang đến những trải nghiệm gaming và làm việc ấn tượng nhất.
Review chi tiết máy trạm đồ họa Dell Precision 5570

Review chi tiết máy trạm đồ họa Dell Precision 5570

Dell Precision 5570 là một trong những chiếc máy trạm di động nhẹ và mảnh mai nhất hiện nay. Nó không chỉ mang lại trải nghiệm tinh tế và thanh lịch mà còn cung cấp hiệu năng cực khủng cho dân làm kỹ thuật, thiết kế đồ họa.
Đánh giá laptop gaming Dell G16 7630

Đánh giá laptop gaming Dell G16 7630

Trong năm 2023, Dell đã tung ra dòng laptop gaming G16 mới chứa đựng hiệu suất tốt với mức giá phải chăng. Trong bài đánh giá Dell G16 7630 này, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu xem liệu chỉ với mức giá khoảng 30 triệu đồng thì khả năng ‘cân game’ của nó sẽ như thế nào nhé.
Đánh giá laptop gaming Acer Nitro 5 AN515-46-R5Z2

Đánh giá laptop gaming Acer Nitro 5 AN515-46-R5Z2

Với mục đích mang lại trải nghiệm tuyệt vời nhất cho người dùng có nhu cầu sử dụng cấu hình cao, như thiết kế đồ họa và chơi game, Acer đã cho ra mắt Laptop Acer Nitro 5 AN515-46-R5Z2 với thiết kế mới và cấu hình vượt trội.
Review chi tiết laptop Acer Aspire 5 A514-55-5954

Review chi tiết laptop Acer Aspire 5 A514-55-5954

Acer Aspire 5 A514-55-5954 được thiết kế với các yếu tố mỏng gọn, nhẹ nhàng, cấu hình tốt để mang đến cho người dùng phổ thông một chiếc laptop văn phòng hiệu quả trong tầm giá 15 triệu đồng.