Nói đến laptop gaming thì hiện nay trên thị trường chỉ có một vài thương hiệu đáng tin cậy hàng đầu, và chắc chắn Dell phải là một trong số đó. Với dòng laptop Alienware, Dell đã tạo được danh tiếng trong giới game thủ. Tuy nhiên, nó đi kèm với mức giá khá cao mà không phải ai cũng có thể ‘bấm bụng’ sở hữu. Và để đáp ứng nhu cầu của những game thủ đang tìm kiếm các lựa chọn phù hợp hơn về giá cả, Dell đã cho ra mắt dòng laptop gaming G-series. Trong năm 2023, hãng đã cho ra mắt chiếc Dell G16 7630 với một số thông số ấn tượng trên lý thuyết.
Chiếc máy này sẽ có mức giá khá ‘thơm’, khoảng 31,9 triệu đồng, không hề đắt đối với những người đang có nhu cầu tìm kiếm một chiếc laptop có thể chơi game tốt. Bởi chúng ta đều biết, laptop gaming là thứ rất đắt đỏ, có những mẫu cấu hình khủng giá thậm chí còn trên trăm triệu đồng. Không chần chờ nữa, hãy cùng Websosanh.vn đi tìm hiểu về chiếc laptop gaming Dell này nhé.
1. Đánh giá tổng quan thiết kế, màn hình của Dell G16 7630
Dell G16 7630 được khoác lên mình một vẻ ngoài thanh lịch và sang trọng giống như phiên bản tiền nhiệm của nó. Nhưng năm nay, G16 sẽ có hai tùy chọn màu sắc: Metallic Nightshade (đen ánh kim) và Quantum White (trắng lượng tử). Nếu như màu đen mang lại cảm giác bền bỉ, chắc chắn thì màu trắng lại đẹp theo kiểu công nghệ, nhìn thôi đã muốn ‘cháy’ rồi. Và bất kể bạn chọn màu sắc nào thì lớp phủ của chúng đều rất tốt, cực ít bám bẩn để luôn giữ được vẻ đẹp bóng bẩy.
Mặc dù laptop trông có vẻ nhỏ gọn, nhưng thực tế thì có rất ít mẫu laptop gaming cấu hình khủng mà lại nhẹ cả. Nó có trọng lượng gần 3kg và chúng ta sẽ tương đối gặp khó khăn khi cầm nó chỉ bằng một tay. Trừ khi bạn coi việc mang theo chiếc laptop này đi làm như một bài rèn luyện thể lực, còn nếu không, tốt nhất hãy cứ để nó nằm yên một chỗ trong góc giải trí của mình nhé.
Ở phía cạnh phải, ta có hai cổng USB-A trong khi ở bên trái có một cổng Ethernet và một cổng tai nghe 3.5mm. Các cổng còn lại đều nằm hết ở phía sau, có một cổng USB-C hỗ trợ DisplayPort, một cổng HDMI và một cổng USB-A khác và cổng cấp nguồn.
Hệ thống tản nhiệt được bố trí ở ở cai cạnh, phía sau và cả trên bàn phím để tối ưu khả năng lưu thông gió, một điều cực kỳ cần thiết ở bất kỳ chiếc laptop gaming nào.
Bàn phím cũng có đèn nền RGB và có thể tùy chỉnh thông qua ứng dụng Alienware Command Center. Bàn phím này thoạt nhìn trông có vẻ tương đối mỏng manh và sẽ cho cảm giác sử dụng không tốt lắm, nhưng thực tế hoàn toàn tương phản, nó cho trải nghiệm gõ văn bản và chơi game rất tốt, phản hồi nhanh.
Dưới bàn phím là trackpad nhỏ so với kích thước máy, nó đủ để sử dụng nhưng hầu hết chúng ta đều dùng chuột ngoài với laptop gaming nên yếu tố này không quá quan trọng.
Đến với màn hình, ta sẽ có kích thước 16 inch độ phân giải QHD (2560 x 1600 pixel) với viền mỏng, tỷ lệ khung hình 16:10 mang lại trải nghiệm chơi game sống động. Màn hình hiển thị rất sắc nét, chân thực và làm cho hình ảnh game trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết với tần số quét 165Hz.
Tuy có độ sắc nét cao nhưng màn hình này có hạn chế là độ sáng chỉ được 300 nits. Dù rằng nó được thiết kế cho việc chơi game trong phòng và ta thường sử dụng vào ban đêm hơn là ban ngày, nhưng nếu như độ sáng màn cao hơn một chút thì sẽ còn tuyệt vời hơn nhiều.
2. Hiệu suất tổng thể và thời lượng pin
Hiệu suất chính là điểm sáng giá nhất trên chiếc Dell Gaming g16 7630 này. Model dùng để đánh giá trong bài sẽ sử dụng bộ xử lý Intel Core i7-13650HX và card đồ họa rời Nvidia GeForce RTX 4060. Ngoài ra nó cũng có một phiên bản đắt hơn sử dụng Core i9-13900HX.
Chưa vội đề cập đến khả năng gaming, chiếc máy này chắc chắn là đủ tốt để xử lý các tác vụ hàng ngày, chẳng hạn như làm việc văn phòng với các ứng dụng Office, xem video Youtube chất lượng cao, thỉnh thoảng chỉnh sửa ảnh bằng Photoshop, render video… Nhìn chung với các nhiệm vụ như vậy nó có thể xử lý một cách nhanh chóng mà không có bất kỳ hiện tượng giật lag nào.
Cũng phải nói thêm một chút là chiếc laptop này có khả năng giải trí khá ổn. Âm thanh của nó dễ dàng lấp đầy không gian một căn phòng nhưng chất lượng âm thanh lại thiếu sự sống động, âm vực khá tốt nhưng bass không nhiều.
Dell G16 7630 cũng không đi kèm với tính năng nhận diện khuôn mặt Windows Hello IR hay máy quét vân tay nào cả. Thực tế mà nói đối với một chiếc laptop gaming thì các yếu tố này cũng không quan trọng cho lắm để tối đa hóa chi phí.
Đi vào vấn đề chính, dưới đây là một vài bài test hiệu năng của máy thông qua các ứng dụng phổ biến:
- Cinebench R23: 1779 điểm đơn nhân, 12568 điểm đa nhân
- Superposition Benchmark: đạt 9156 điểm với cài đặt đồ họa High (1080p), FPS tối thiểu là 39 và trung bình là 68,48. Nâng lên một chút với cài đặt tối Optimize (4k), điểm số đạt được là 5240, FPS tối thiểu là 27, trung bình là 39.
Pin là yếu tố mà Dell đã cắt giảm khá sâu trên G16 7630 để giữ cho máy có mức giá hợp lý. Cụ thể với model này nó chỉ kéo dài được khoảng 1,5 giờ xem video Youtube, khi chơi game thì tụt 20% pin chỉ sau 10 phút, pin nhanh hết cũng kéo theo tình trạng sụt giảm FPS. Dù sao đây cũng không phải chiếc laptop cơ động gì, chúng ta cũng thường xuyên cắm sạc nữa nên thời lượng pin yếu hoàn toàn có thể chấp nhận.
3. Trải nghiệm chơi game với Dell G16 7630
Bây giờ chúng ta sẽ đến phần chính của bài viết, khả năng gaming của Dell G16 7630.
- Chiếc máy này có thể chơi tựa game Forza Horizon 4 ở cài đặt đồ họa High Quality, có bật hiệu ứng làm mờ chuyển động. FPS trung bình đạt khoảng 70 – 80. Sau khi điều chỉnh cài đặt đồ họa ở mức High, FPS trung bình đạt khoảng 110 và không bao giờ tụt xuống dưới 100. Hạ xuống cài đặt Medium, FPS trung bình đạt khoảng 120.
- Tiếp theo, đối với tựa game Red Dead Redemption, một trò chơi khá nặng có thể khiến nhiều chiếc laptop gaming phải ‘đổ mồ hôi’. FPS trung bình ở cài đặt Ultra đạt khoảng 50, và thi thoảng tụt xuống 34 trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên máy vẫn có thể chơi được với rất ít hiện tượng giật lag. Hạ xuống cài đặt đồ họa Medium, lúc này FPS dao động từ 100 đến 120, một con số khá ấn tượng.
- Trong tựa game Doom: Eternal. Del G16 7630 thể hiện sức mạnh tuyệt vời với khoảng 200 FPS ở cài đặt đồ họa Ultra Nightmare và 250 FPS ở cài đặt High.
- Nó cũng mang đến trải nghiệm mượt mà trong tựa game đình đám GTA V với FPS dao động quanh 100 ở cài đặt đồ họa Medium và khoảng 60 – 70 ở cài đặt đồ họa cao nhất.
- Với tựa game Resident Evil 8: Village, trung bình số khung hình mỗi giây dao động từ 100 đến 120 ở cài đặt đồ họa mặc định. Khi điều chỉnh cài đặt ở mức tốt nhất có thể thì FPS lúc này giảm xuống chỉ còn khoảng 45.
Đó là trải nghiệm đối với các tựa game AAA yêu cầu hiệu năng cao, còn với những tựa game online bắn súng góc nhìn thứ nhất như Call of Duty, Counter Strike thì càng không cần phải bàn, Dell G16 7630 luôn có mức FPS cao ngất ngưởng từ 200 – 300 để chúng ta có được lợi thế tốt nhất trước team địch.
Cuối cùng, Dell G16 7630 quản lý nhiệt khá tốt giúp duy trì hiệu suất tối đa và ngăn ngừa hiện tượng quá nhiệt (throttling), tiếng quạt cũng không quá ồn ào xuyên suốt quá trình chơi game.
4. Có nên mua laptop gaming Dell G16 7630 không?
Với những thông tin trên đây, hẳn bạn đọc cũng đã có thể đánh giá được hiệu năng gaming của Dell G16 7630 đại khái là như thế nào rồi. Nó thực sự là một con ‘quái thú hiệu năng’ trong phân khúc giá 30 triệu đồng và có thể đáp ứng được nhiều mục đích sử dụng khác ngoài chơi game nữa.
Tóm lại, nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc laptop gaming hiệu năng cực mạnh với giá tiền phải chăng nhất, thì Dell Gaming G16 7630 sẽ là lựa chọn hàng đầu bạn nên cân nhắc.