Từ nhiều năm qua thì Razer vẫn luôn hết sức nỗ lực để gây dựng đế chế tai nghe gaming của mình và phải nói rằng họ khá là thành công khi có được một bộ sưu tập tương đối đồ sộ, lượng fan boy đông đảo. Tuy nhiên đứng từ góc độ người nhìn thì mình phải thừa nhận rằng tai nghe của Razer chưa bao giờ được đánh giá cao như các mảng khác của Razer nói riêng, hãng khác nói chung. Ấn tượng mà người ta nhắc nhiều đến tai nghe Razer là thiết kế, chất âm, còn chất lượng build thì quá tệ.
Lấy ví dụ chiếc tai nghe Razer HammerHead BT, chiếc này có thiết kế cực kỳ đẹp, nhìn là muốn yêu luôn, âm bass ngon, xập xình, chống ồn tốt nhưng độ fit lại cực kém, rất dễ rơi ra ngoài, nút bấm cũng không cho cảm giác tốt nhất, sử dụng một thời gian là bong tróc hoặc hỏng hóc chi tiết nào đó, đúng kiểu ‘tốt mã giẻ cùi’ vậy. Và để gỡ gạc lại sự tin tưởng của fan hâm mộ, Razer đã cho ra mắt chiếc tai nghe gaming in ear tiếp theo, có tên HammerHead Duo. Vậy HammerHead Duo có những cải tiến nào so với người tiền nhiệm và liệu nó có thể vãn hồi lại tên tuổi của hãng hay không?
Đánh giá thiết kế Razer HammerHead Duo
Hình thức của HammerHead Duo vẫn được thiết kế khá đẹp nhưng không gây được ấn tượng thị giác mạnh mẽ như các đàn anh. Trông nó chỉ như một chiếc in ear thường thường gắn logo Razer vậy. Đối với fan boy Razer, những người đã quá quen với vẻ đẹp nổi bật ‘xanh-đen’ thì HammerHead Duo như một ‘đứa con lạc loài’ vậy.
Trên mỗi củ tai vẫn có điểm nhấn là logo Razer nhấp nháy xanh đẹp mắt. Thiết kế dây của nó không còn là dây dẹt 2 màu xanh-đen như mọi khi mà ở dạng tròn nhỏ khá mảnh. Dây được thiết kế từ 2 chất liệu. Từ phần jack cắm tai nghe đến đoạn chia trái phải được bọc dù, phần còn lại là cao su. Với thiết kế dạng này thì độ bền của nó sẽ tốt hơn nhưng không có khả năng chống rối.
Housing của HammerHead Duo nhìn to và có vẻ nặng hơn HammerHead BT nhưng thực tế nó nhẹ hơn đời cũ do được làm từ nhôm. Thiết kế phình to là do bên trong housing được trang bị 2 driver. Mình thấy ưng thiết kế này hơn so với đời cũ vì nó cho độ fit tốt hơn, không dễ rơi khỏi tai và cũng không khó chịu khi đeo như trước.
Về phần 3 phím bấm điều khiển cũng được Razer làm lại, đặt trong một vỏ nhôm nguyên khối và cho cảm giác bấm này và tốt. Với thiết kế này, mình chắc chắn nó có độ bền tốt hơn so với HammerHead BT nhiều.
Ngoài những chi tiết thay đổi đó ra thì phần đóng hộp của HammerHead Duo cũng sẽ hơi khác, chỉ có duy nhất tips tai để thay đổi chứ không kèm jack chuyển đổi hay hộp đựng. Có vẻ do giá của nó rẻ hơn nên bị cắt giảm đi chăng?
Chất âm của Razer HammerHead Duo
Nhìn chung về mặt chất lượng build mình có thể khẳng định HammerHead Duo đã tốt hơn rất nhiều HammerHead BT trước đó, tuy nhiên về độ bền thì không thể nói trước được, cần thời gian để khẳng định đồng thời cũng tùy thuộc thói quen sử dụng của mỗi người nữa. ‘Của bền tại người’ mà!
Còn về khoản chất âm, Razer cực kỳ khôn khéo khi trang bị cho HammerHead Duo hai driver khác biệt. Một là driver dynamic, hai là driver AB. Driver dynamic thì bạn đã biết rồi đấy, nó có dải bass khá uy lực nhưng dải cao không tốt, khó tinh chỉnh. Trong khi đó driver AB ngược lại, bass của nó kém nhưng âm thanh tổng thể lại rất cân bằng. Khi kết hợp hai driver này với nhau, HammerHead Duo cho ra chất âm tổng thể tốt nhất, vừa cân bằng mà vừa mạnh mẽ, uy lực. Sử dụng để chơi game nghe rất rõ tiếng bước chân, phân biệt rõ với tiếng súng hay tiếng bom đạn.
Thế còn nghe nhạc thì sao nhỉ? Ấn tượng của mình đối với chiếc tai nghe này là tạm được. Bass của nó không nhiều về lượng và dày như các đời trước nên thể hiện các bản nhạc nặng bass như EDM sẽ hơi thiếu, không ấn tượng cho lắm. Nhưng khi chơi các bản nhạc không quá thiên bass thì nó lại làm rất tốt, tạo sự vừa đủ và có nhiều đất để vocal phô diễn hơn. So với các mẫu tai nghe trong tầm giá này thì dải cao của HammerHead Duo khá ấn tượng, rất sáng, mặc dù đôi lúc bị chói nhưng mình nghĩ đó là do nó thiếu trầm.
Tóm lại, về mặt chất lượng âm thanh của Razer HammerHead Duo mình đánh giá là tốt, mức giá 1,6 triệu đồng hoàn toàn xứng đáng với những gì nó được trang bị và thể hiện.
Có nên mua Razer HammerHead Duo?
Ở phân khúc giá này, tai nghe Razer HammerHead Duo có khá nhiều ưu điểm đáng bàn: thiết kế đẹp ở mức vừa phải, không quá bóng bẩy ấn tượng nhưng độ hoàn thiện tốt hơn so với đời trước, cảm giác đeo và độ bám được hoàn thiện tốt hơn, âm thanh cũng được tinh chỉnh cân bằng hơn để không có nhiều sai biệt giữa nghe nhạc, chơi game.
Nếu phải lựa chọn giữa HammerHead Duo và HammerHead BT, chắc chắn mình sẽ lựa chọn mẫu này vì quả thực đời trước của nó quá khó chịu. Mặc dù chưa biết sau một thời gian sử dụng nó sẽ xuống cấp đến mức nào nhưng trước mắt những gì mà Razer thay đổi trên thế hệ này vẫn rất đáng ghi nhận, và chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một sản phẩm có tuổi thọ, độ bền lâu dài hơn một chút.