Độ bền của dây đai phụ thuộc vào quãng đường hoạt động, thời gian sử dụng xe và quá trình sử dụng, chăm sóc xe của chủ xe. Lực truyền động từ động cơ đến bánh xe chủ động thông qua lực ma sát của dây đai nên điều kiện làm việc của bề mặt dây đai rất khắc nghiệt.
Khi xe hoạt động lâu ngày, bụi bẩn cùng với mạt sinh ra do các chi tiết động cơ hoạt động sẽ dần tích tụ trong hộp đai. Chúng bám vào đai truyền động và do ma sát tạo ra khi quay, đai sẽ dần bị những bụi bẩn này bào mòn. Bề mặt bị mòn làm kích thước giữa các bề mặt tiếp xúc nhỏ đi, gây giảm hiệu quả truyền lực. Đồng thời nhiệt năng sinh ra do ma sát trong quá trình hoạt động sẽ làm chai cứng dần bề mặt dây đai, thậm chí có khả năng làm nứt dây.
Thông thường, bạn có thể kiểm tra tình trạng của dây đai bằng mắt thường và một bộ dụng cụ sửa chữa. Để tiếp xúc với dây đai, bạn chỉ cần mở bưởng máy phía bên trái xe. Các dây đai sau một thời gian hoạt động, khi bẻ ngược phần răng phía trong thường thấy có các khe nứt nhỏ. Trường hợp này có thể chưa cần thiết phải thay thế bởi nó chưa ảnh hưởng lớn đến hiệu quả làm việc của động cơ.
Nhưng nếu bề mặt tiếp xúc cả hai mặt dây đai có dấu hiệu nứt, thì đến lúc cần thay thế để đảm bảo hiệu quả truyền động và an toàn cho người lái xe. Cũng cần thay mới dù chỉ có phần lưng dây đai bị nứt, vì khả năng chịu lực tải hay lực kéo của đai trong trường hợp này bị giảm hẳn và có thể dẫn tới việc đứt đai khi đang vận hành.
Trên thị trường hiện có rất nhiều hãng sản xuất dây đai truyền động. Trong số đó, có nhiều loại làm giả, làm nhái các thương hiệu có uy tín. Chính vì vậy, người sử dụng cần lưu ý khi lựa chọn sản phẩm. Hàng giả thường các chữ in trên mặt lưng dây đai rất mờ, chữ nhòe và thậm chí có thể tẩy đi dễ dàng.
Theo khuyến cáo của các hãng sản xuất thì nên thường xuyên kiểm tra đai truyền động sau khoảng 8.000 km và thay thế sau khoảng 20.000 km. Người sử dụng nên thường xuyên kiểm tra sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ để duy trì tình trạng hoạt động tốt của xe./.