Hướng dẫn cách trang trí bàn thờ ngày Tết đẹp, đầy đủ và đơn giản

Chuyển tới nội dung chính trong bài[xem]
Dưới đây là hướng dẫn trang trí bàn thờ ngày Tết và những điều kiêng kỵ cần lưu ý nhằm giúp gia đình bài trí bàn thờ gia tiên đơn giản nhưng đủ lễ và đẹp mắt cho Tết 2024.

Việc trang trí bàn thờ gia tiên vào mỗi dịp Tết đến không chỉ là truyền thống của ông cha ta mà còn là hoạt động thể hiện sự tôn trọng của con cháu đối với gia tiên. Bên cạnh đó, dân gian có quan niệm trang trí bàn thờ gia tiên đẹp và trang nghiêm giúp gia đình đạt được ý nguyện như sự nghiệp thành công, sức khỏe dồi dào, có nhiều tài lộc. Dưới đây là hướng dẫn cách trang trí bàn thờ ngày Tết cùng những điều cần lưu ý khác mà khách hàng có thể tham khảo để bài trí bàn thờ đẹp mắt và đủ lễ.

1. Các vật dụng cần chuẩn bị khi trang trí bàn thờ ngày Tết

Tùy vào vùng miền hoặc cách bài trí bàn thờ của mỗi gia đình mà các vật dụng trên bàn thờ sẽ khác nhau, về cơ bản khi trang trí bàn thờ sẽ có các vật dụng như sau:

  • Bát hương: Bao gồm bát hương lớn thắp nhang cho Thần linh chủ quản, bát hương nhỏ bên phải để thắp cho gia tiên và bát hương nhỏ bên trái thắp cho Bà Cô Ông Mãnh.
  • Đèn dầu/ chân nến: Được đặt 2 bên trái phải, tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng nhằm mang lại điều may mắn tốt đẹp và xua đuổi những thứ tối tăm.
  • Đài thờ: Bao gồm 3 lọ chứa muối, gạo, rượu, đi kèm với 3 chén kỷ để làm bát nước thể hiện sự hòa thuận của anh em trong gia đình.
  • Mâm bồng: Dùng để bày biện hoa quả, đồ cúng lên bàn thờ nhằm thể hiện sự tôn trọng, lòng biết ơn đối với tổ tiên.
  • Lọ hoa: Bao gồm 2 lọ được đặt 2 bên giúp bàn thờ đẹp hơn, đồng thời thể hiện sự sung túc của gia chủ.
  • Bộ bát cơm và đũa thờ: Thường được dùng cho việc mời cơm cúng vào ngày giỗ hoặc các mùng 1, 2, 3,… thể hiện sự tưởng nhớ đối với gia tiên.
  • Các vật dụng khác có thể kể đến: Bài vị, lư hương, tượng thờ, ảnh thờ, câu đối, hạc thờ,…
Các vật dụng trang trí trên bàn thờ sẽ khác nhau tùy theo vùng miền và cách bài trí của mỗi gia đình
Các vật dụng trang trí trên bàn thờ sẽ khác nhau tùy theo vùng miền và cách bài trí của mỗi gia đình

2. Hướng dẫn cách trang trí bàn thờ ngày Tết đẹp và đơn giản

Bàn thờ cần được dọn dẹp và bài trí trước khi bước qua năm mới, cụ thể là trước đêm giao thừa vì theo quan niệm dân gian, trong các ngày lễ Tết cần kiêng kỵ quét dọn vì hoạt động này sẽ quét tài lộc ra khỏi nhà. Cách trang trí bàn thờ gia tiên ngày Tết sẽ bao gồm các bước sau đây:

2.1. Dọn dẹp bàn thờ

Bàn thờ cần được lau dọn sau ngày 23 tháng Chạp và hoàn thành trước đêm giao thừa.

  • Trước khi lau dọn, ta cần thắp nén nhang xin phép gia tiên, đợi nhang cháy hết mới tiến hành dọn dẹp.
  • Dùng hỗn hợp nước, gừng và rượu trắng để lau dọn bàn thờ. Đối với những gia đình có tượng Phật thì nên lau sạch bằng nước ấm.
  • Nên lau dọn khu vực bàn thờ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
  • Nếu bàn thờ có nhiều bài vị hoặc đồ thờ cúng thì gia đình cần chuẩn bị thêm một chiếc bàn phủ vải hoặc giấy đỏ khi dọn dẹp. Cần đặt riêng bài vị thần linh và bài vị tổ tiên.
  • Sau khi dọn dẹp sạch sẽ bàn thờ, các đồ thờ cúng và bài vị (nếu có) cần được đặt lại theo đúng vị trí, thứ tự và hạn chế xê dịch.

2.2. Chuẩn bị lễ vật cho bàn thờ ngày Tết

Gia đình cần chuẩn bị các lễ vật để dâng cúng bàn thờ ngày Tết như sau:

  • Bình hoa cần trưng những loại hoa có màu đỏ hoặc vàng đại diện cho sự may mắn và tài lộc như hoa lay ơn, hoa huệ, hoa cúc vàng, hoa cúc vạn thọ, hoa đồng tiền, hoa đào hoặc mai.
  • Cách trang trí mâm ngũ quả ngày Tết của từng vùng là khác nhau, tuy nhiên nhìn chung mâm ngũ quả sẽ có 5 loại tương ứng với ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và tượng trưng cho sự sung túc, vẹn toàn và may mắn. Gia đình có thể lựa chọn các loại quả sau để bày biện: Chuối xanh, bưởi, thanh long, dưa hấu, cam, quýt, quất,…
Bên cạnh ngũ hành, mâm ngũ quả ngày Tết với 5 loại trái cây còn tượng trưng cho “ngũ phúc lâm môn” Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh
Bên cạnh ngũ hành, mâm ngũ quả ngày Tết với 5 loại trái cây còn tượng trưng cho “ngũ phúc lâm môn” Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh
  • Mâm cơm cúng ngày Tết không chỉ biểu tượng cho sự sum vầy, no đủ mà còn thể hiện sự tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Mâm cơm cúng được chuẩn bị vào ngày 30, 3 ngày Tết và thường có những món ăn truyền thống như: Bánh chưng, xôi, giò chả, thịt gà,… và một bộ gồm 6 cái chén và 6 đôi đũa.
  • Ngoài ra, gia đình có thể chuẩn bị thêm các lễ vật khác như: Giấy tiền vàng mã, vài bộ quần áo, bình trà, bánh mứt, cơi trầu,…

2.3. Trang trí bàn thờ ngày Tết

Gia đình cần trang trí bàn thờ theo thứ tự như sau:

  • Hoành phi sẽ được treo trên tường ở chính giữa bàn thờ, hai bên là câu đối.
  • Bát hương lớn đặt ở giữa, 2 bát hương nhỏ đặt 2 bên.
  • Nến hoặc đèn đầu được đặt góc ngoài cùng.
  • Mâm bồng và bình hoa được đặt 2 bên lư hương hoặc trước di ảnh.
  • Đỉnh hương cần được đặt chính giữa bàn thờ.
  • Kỷ chén được đặt phía trước bát hương.
  • Hạc thờ được đặt 2 bên đỉnh hương.

3. Những điều cần lưu ý khi trang trí bàn thờ ngày Tết

Khi dọn dẹp và trang trí bàn thờ gia tiên ngày Tết, các gia đình cần lưu ý những điều sau đây để tránh phạm các đại kỳ làm ảnh hưởng đến tài lộc, vận may trong năm mới.

  • Người lau dọn bàn thờ cần tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo dài để thể hiện sự tôn trọng với gia tiên và các vị thần linh.
  • Bàn thờ cần được đặt ở những vị trí yên tĩnh, cao ráo, kê dựa sát tường và thông thoáng để không gian không bị ám khói khi thắp nhang. Không được đặt bàn thờ ở sát nhà vệ sinh; đối diện phòng ngủ, phòng bếp; quay ngược hướng với cửa chính hoặc đặt ngay cửa ra vào. Ngoài ra, theo phong thủy thì gia chủ không nên đặt bàn thờ ở hướng Đông Bắc nhìn ra hướng Tây Nam và ngược lại.
  • Hoa bàn thờ ngày Tết phải là hoa tươi, được cắt tỉa gọn gàng và cắm cân xứng. Không nên sử dụng hoa giả, hoặc hoa héo, hoa đã nở to.
Bàn thờ ngày Tết thường cắm hoa có màu đỏ hoặc vàng như hoa lay ơn, cúc vạn thọ, đào, mai,…
Bàn thờ ngày Tết thường cắm hoa có màu đỏ hoặc vàng như hoa lay ơn, cúc vạn thọ, đào, mai,…
  • Đèn trang trí bàn thờ cần có độ sáng vừa phải, khuyến khích sử dụng đèn có màu vàng để tạo không gian ấm cúng cho khu vực này.
  • Chọn bát hương được làm từ sứ hoặc đồng, không nên chọn bát hương làm từ đá hoa cương. Bát hương cần đặt chính giữa, mặt bát hương được xoay ra ngoài và tránh để đổ vỡ hay xê dịch.
  • Nên để lại một ít chân nhang theo số lẻ nếu muốn rút bớt chân nhang ra khỏi bát hương và phần nhang rút ra không được vứt vào thùng rác.

Trên đây là hướng dẫn cách trang trí bàn thờ ngày Tết 2024 và những điều kiêng kỵ mà gia đình có thể tham khảo để bài trí bàn thờ gia tiên đủ lễ và chu đáo, đồng thời tạo không gian ấm cúng, sum vầy cho gia đình.

Tin tức về Cuộc sống

Tổng hợp giá các loại hạt, mứt và trái cây sấy đón tết 2025

Tổng hợp giá các loại hạt, mứt và trái cây sấy đón tết 2025

Như mọi năm, dịp Tết đến xuân sang những món quà biếu Tết và dùng để tiếp đón khách ngày Tết như các loại hạt dinh dưỡng, trái cây sấy, mứt Tết, ô mai được mọi người quan tâm. Cùng tìm hiểu các sản phẩm này và mức giá của từng loại trong bài viết dưới đây.
Review sữa bột pha sẵn IQLac Colostrum cho trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng

Review sữa bột pha sẵn IQLac Colostrum cho trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dòng sữa bột công thức pha sẵn dành cho trẻ biếng ăn. Thế nhưng đâu là lựa chọn tốt cho con? Với các bé có tình trạng biếng ăn, suy dinh dưỡng thì dòng sữa bột công thức pha sẵn IQLac Colostrum là một lựa chọn đáng quan tâm.