Hướng dẫn chọn mua laptop chơi game từ A-Z cho anh em game thủ

Chuyển tới nội dung chính trong bài [Xem]
Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn chọn mua laptop chơi game phù hợp nhu cầu, điều kiện tài chính của mình nhất. Mời các bạn theo dõi!

Nên chọn laptop chơi game màn hình kích cỡ bao nhiêu?

Laptop chơi game rất đa dạng kích cỡ màn hình, ngoài các kích cỡ thông dụng nhất là 15” và 17” thì còn có các kích cỡ nhỏ hơn như 13” và 14”, hay các loại máy tính ngoại cỡ như MSI GT83 Titan màn hình 18”, hay Acer Predator 21X với kích thước màn hình 21” hiện đang giữ kỷ lục laptop nặng nhất thế giới hiện nay nặng 10kg tính cả sạc.

To quá thì rất mệt mỏi, nhưng nhỏ quá thì cũng không tốt. Với các máy tính màn hình nhỏ và các máy tính quá mỏng thì hệ thống tản nhiệt cũng nhỏ bé theo. Không gian trong máy cũng kém thông thoáng hơn. Hậu quả kéo theo là nhiệt độ khi sử dụng khá cao. Gây khó chịu và ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy.

Hiện tại các loại laptop chơi game phổ biến nhất thường có kích cỡ màn hình 15” hoặc 17” và thường có trọng lượng nằm trong khoảng 2.2 – 3.5kg. Máy tính 15” có kích cỡ vừa đủ để có cấu hình tốt cùng hệ thống tản nhiệt hiệu quả. Tuy nhiên những tính năng thời thượng như card đồ hoạ cao cấp GTX 1070, 1080 hay G-sync, màn hình 3D, bàn phím cơ… thì thường chỉ được trang bị trên những chiếc máy tính 17”.

Chọn laptop full HD hay 4K, màn hình TN hay IPS, tần số quét bao nhiêu là vừa?

Để trải nghiệm game được tốt nhất thì anh em nên chọn màn hình có độ phân giải full HD trở lên. Với những anh em mua laptop vừa để chơi game vừa để làm thiết kế thì nên chọn màn hình 2K hoặc 4K. Thông thường cùng một đời máy, cùng là tấm nền IPS thì tuỳ chọn màn hình 4K vẫn sẽ cho độ phủ màu sRGB và Adobe RGB cao hơn màn hình Full HD.

Tấm nền TN cũng đủ để thưởng thức game, tuy nhiên tấm nền IPS thường cho màu sắc và góc nhìn rộng hơn. Ngoài ra trên thị trường hiện nay đã xuất hiện thêm công nghệ màn hình mới là tấm nền IGZO. Tấm nền IGZO thường cho độ phủ màu Adobe RGB đạt tới ~100%, điều này cực kỳ giá trị với anh em làm thiết kế đồ hoạ bởi nó có độ sai màu rất thấp. Công nghệ màn hình IGZO hiện vẫn còn rất đắt đỏ và thường chỉ xuất hiện ở những chiếc laptop rất đắt tiền.

Tần số quét (refresh rate) màn hình cũng là tiêu chí cần lưu ý khi chọn mua laptop gaming. Tần số quét là số lần màn hình quét hình ảnh mỗi giây. Với các game thủ đam mê game FPS thì thông số này rất quan trọng. Tần số quét cao giúp cho chuyển động trong game mượt mà hơn, game thủ có thể thao tác chính xác hơn. Màn hình phổ thông thường có tần số quét 60Hz, cao hơn chút thì có 75Hz. Màn hình có tần số quét 120Hz và 144Hz thường chỉ được trang bị trên những mẫu máy cao cấp.

Gsync là gì? Nên mua laptop chơi game có Gsync hay không?

Gsync là công nghệ giúp đồng bộ thời điểm quét hình của màn hình và thời điểm xuất hình ảnh của GPU. Nhằm mục đích loại bỏ hiện tượng xé hình. Khi hiện tượng này xảy ra thì game thủ sẽ không thể quan sát được điều gì đang diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn.

Lựa chọn trang bị Gsync có thể khiến cho máy tính bị đội giá thành, và module Gsync trong máy thường khá nóng và gây tốn pin. Vì thế anh em cũng nên cân nhắc kỹ về việc có cần đến Gsync hay không.

Có nên mua laptop màn hình cảm ứng?

Màn hình cảm ứng có thể tạo ra một vài tiện ích thú vị, nhưng với game thủ thì chắc chắn là không. Hãy tưởng tượng tới việc chơi Fruit Ninja trên laptop màn hình cảm ứng, chắc chắn anh em sẽ phải 1 tay giữ cho màn hình khỏi rung, và chỉ có thể chơi game bằng 1 tay còn lại mà thôi. Với máy tính lai có thể tháo rời màn hình thì không vấn đề gì, nhưng với máy tính nắp gập truyền thống thì trải nghiệm này quả thật không thú vị chút nào. Ngoài ra màn hình có cảm ứng cũng khiến cho máy đắt hơn, nặng hơn, tốn pin hơn.

Cấu hình

Ai cũng hiểu cấu hình càng cao thì laptop sẽ càng đắt tiền. Nhưng sự thực là không phải ai cũng rủng rỉnh hầu bao để thoải mái lựa chọn chiếc laptop mà mình thích nhất. Vì vậy anh em nên tập trung vào những tiêu chí cụ thể nhất để có thể chọn được chiếc laptop chơi game tốt trong tầm tiền mà mình có.

CPU

Ở đây mình chỉ nhắc đến CPU của Intel mà thôi vì nó phổ biến hơn nhiều và mình cũng không biết nhiều về CPU của AMD. Để chơi được tựa game nặng cỡ như PUBG thì anh em nên chọn CPU core i5 6300HQ trở lên. Tránh mua các dòng máy tính chip U vì hiệu năng của chúng thường rất thấp. Ngoại trừ CPU 8550U thế hệ mới nhất hiện nay đã được cải tiến trang bị 4 nhân thay vì 2 nhân như thế hệ trước, và tốc độ Turbo Boost có thể đạt tới 4GHz. Tất cả các loại CPU dòng U thấp hơn 8550U đều không thể chơi game nặng.

Dung lượng RAM

8GB RAM là dung lượng tối thiểu để trải nghiệm game được tốt. Mặc dù các tựa game nhẹ ví dụ như Liên Minh Huyền Thoại có thể chơi tốt chỉ với 4GB RAM. Tuy nhiên anh em lưu ý khi chơi game ở máy cấu hình thấp sử dụng đồ hoạ tích hợp iGPU thì nên sử dụng RAM dual channel sẽ cho hiệu năng tốt hơn. Tức là nếu máy trang bị 4GB RAM thì nên lắp 2 thanh 2GB thay vì 1 thanh 4GB. Lý do là vì đồ hoạ tích hợp không có VRAM riêng mà chia sẻ từ RAM hệ thống.

Card đồ họa

Nếu như anh em vẽ kỹ thuật, dựng đồ hoạ sử dụng card Nvidia Quadro thì anh em chơi game lại nên chọn dòng Geforce GTX. Phổ biến trên laptop có thể kể tên như GTX 950M, GTX 960M, GTX 980M, GTX 1050, GTX 1050Ti, GTX 1060, GTX 1070, GTX 1080.

Tuỳ thuộc vào túi tiền mà anh em chọn GPU phù hợp. GTX 960M có thể chơi được PUBG ở cài đặt đồ hoạ thấp, trong khi GTX 1050 có thể chơi ở setting trung bình. Card GTX 1060 trở lên có thể chơi được PUBG ở cài đặt high setting mà vẫn có thể đạt được FPS cao.

Nên chọn SSD hay HDD?

Thông thường HDD chỉ làm giảm tốc độ load game chứ không ảnh hưởng gì đến trải nghiệm game. Nhưng sự chênh lệch tốc độ load có thể rất lớn đến mức gây khó chịu cho người sử dụng. Ngoài ra thì SSD còn tăng tốc mọi tác vụ thông thường lên rất nhiều, ví dụ như khởi động windows, copy file, mở trình duyệt nhanh hơn, duyệt file nhanh hơn gấp nhiều lần. Vì thế trang bị SSD gần như là điều bắt buộc để máy tính có thể hoạt động tốt nhất.

SSD có nhiều loại. Phổ biến nhất hiện nay là SSD SATA 3 và SSD NVMe. SSD NVMe thường có giá thành khá đắt và tốc độ đọc/ghi cao hơn SSD SATA 3 rất nhiều. Tốc độ đọc tối đa của SSD NVMe hiện nay có thể đạt tới 3200MB/s, tốc độ ghi đạt tới 1800MB/s. Trong khi giới hạn tốc độ của SATA 3 chỉ là 750MB/s mà thôi

SSD tuy có tốc độ cao nhưng dung lượng lại nhỏ, anh em có thể khắc phục bằng giải pháp lắp đồng thời 2 ổ SSD và HDD. Các máy tính chơi game thường có 2 khe cắm ổ cứng để hỗ trợ việc này.

Phân khúc laptop chơi game

  • Laptop gaming phổ thông: có giá nằm trong khoảng 15-25 triệu đồng. Có vỏ bằng nhựa, trọng lượng vừa phải trong khoảng tiệm cận 2.5kg. Cấu hình sử dụng CPU Core i5 hoặc i7 HQ, card đồ hoạ GTX 1050 hoặc 1050Ti. Ví dụ như Dell Inspiron 7567, Acer Aspire VX15, HP Omen 15, Lenovo Legion Y520, Asus ROG GL553, MSI GP62…
  • Laptop chơi game tầm trung: thường có giá trên 30 triệu đồng. Những chiếc máy này thường có vỏ kim loại, chất lượng hoàn thiện tốt, cấu hình sử dụng card đồ hoạ GTX 1060 trở lên. Những cái tên trong phân khúc này có thể kể đến như là Dell Inspiron 7577, HP Omen 17, Asus ROG GL752VS, Acer Predator 17, MSI GE73VR…
  • Laptop gaming cao cấp: là những dòng máy tính chơi game hạng nặng như Alienware, Asus ROG Zephyrus, MSI dòng Titan, HP Omen X… Các dòng máy tính này thường được có vẻ bề ngoài rất hầm hố và được trang bị những tính năng mạnh mẽ nhất như CPU core i7 và card đồ hoạ GTX 1070 trở lên, ổ cứng NVMe tốc độ siêu cao, bàn phím cơ, hệ thống tản nhiệt cực tốt… Những chiếc máy tính như thế này thường có giá 50 triệu đồng trở lên và có thể chơi được hầu như mọi tựa game cao cấp nhất hiện nay.

Laptop gaming nào tản nhiệt tốt?

Tản nhiệt là tiêu chí khá quan trọng cần lưu ý khi chọn mua laptop chơi game. Mặc dù đa phần laptop chơi game có hệ thống tản nhiệt lớn, làm việc hiệu quả nhưng cá biệt vẫn có những trường hợp laptop chơi game tản nhiệt khá kém. Tản nhiệt kém thường dẫn tới hậu quả là máy bị throttling tụt hiệu năng, và máy cũng sẽ nhanh hỏng hơn. Để tìm hiểu về khả năng tản nhiệt của những chiếc máy tính chơi game, anh em có thể đọc các bài viết review trên mạng, hoặc tham khảo các trang diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm sử dụng laptop nhé.

TIN TỨC LIÊN QUAN

Tin tức về Máy tính - Laptop