Thiết kế, chất lượng hoàn thiện bàn phím cơ KeychronK8
Keychron K8 có thiết kế rất gọn gàng, phần rìa bàn phím và các góc có đường viền khá mỏng. Nó có hai phiên bản khung vỏ là nhựa hoặc kim loại, chiếc mình đang đánh giá là nhựa nhưng cá nhân mình thích bản kim loại hơn vì nó cung cấp độ bền tốt hơn. Bàn phím có kiểu keycap nổi nhẹ do khung không bao phủ hết switch.
Như với tất cả các bàn phím Keychron, K8 rất dày, cao khoảng 2 cm, nếu muốn sử dụng thoải mái nhất có lẽ sẽ cần đến phần đệm tay cho đỡ mỏi. Mặc dù được làm từ nhựa nhưng chất lượng xây dựng của K8 rất chắc chắn, gần như không có sự cong vênh nào cả.
Mặt sau bàn phím có hai chân đế tạo độ dốc, chân đế này có thể tạo được 2 độ dốc khác nhau tùy thuộc cách sử dụng của bạn. Lượng cao su trên chân đủ để giữ cho nó không bị trượt trên bàn. Và ở phía bên trái bàn phím, bạn sẽ thấy cổng USB-C để sạc hoặc để sử dụng có dây và hai công tắc để chuyển đổi giữa Windows/Mac và bật/tắt.
Switch
Keychron K8 sử dụng switch Gateron với ba tùy chọn là Blue/Red/Brown, ngoài ra còn có một tùy chọn optical switch cho những ai thích loại này. Switch của K8 là loại hot-swappable, nên trong tương lai nếu bạn muốn đổi gió loại switch khác có thể thay vào đó. PCB tương thích với hầu hết tất cả switch 3 chân và 5 chân của MX (bao gồm Gateron, Cherry, Kailh…). Switch khá dễ để thay thế với dụng cụ đi kèm, nhổ ra không cần dùng quá nhiều lực.
Stabiliser của K8 khá thoải mái, rất dễ dàng để nhấc keycap ra để bôi trơn hoặc độ. Nhưng có điều là stabiliser ở các phím dài như Shift, Backspace, Enter, Spacebar có cảm giác hơi nhão một chút, vì vậy khi bấm các phím này có vẻ hơi nặng so với các phím khác.
Keycaps
Keycap của Keychron K8 được làm bằng nhựa ABS, đây là chất liệu có chất lượng thấp nhất trong tất cả các vật liệu keycap vì nó sẽ nhanh bóng sau thời gian dài sử dụng. Keychron chọn loại này có lẽ để giảm giá thành sản phẩm. Phong cách keycap của K8 là loại hai tông màu đen – đỏ với font chữ trắng. Nếu bạn là người dùng Mac, bạn sẽ đánh giá cao hàng chức năng có in các phím đa phương tiện Mac vì không nhiều keycap trên thị trường có điều đó.
Phiên bản khung nhựa sẽ có màu xám đậm ở bên ngoài và xám nhạt ở bên trong, còn khung nhôm có keycap xám nhạt ở ngoài và xám đậm bên trong.
Kết nối
Có hai cách kết nối Keychron K8 với thiết bị của bạn – có dây hoặc không dây.
- Chế độ có dây
Bạn có thể kết nối máy tính với K8 qua cáp chuyển đổi đi kèm. Dây cáp được bện rất chắc và cổng USB cũng nằm ở góc bên trái bàn phím. Cá nhân tôi không thích vị trí này, nếu nó được đặt ở chính giữa thì thoải mái hơn.
- Chế độ không dây
Keychron K8 sử dụng công nghệ Bluetooth 5.1 mới nhất, kết nối khá mạnh và ổn định và có thể kết nối với 3 thiết bị cùng lúc. Để thiết lập kênh, bạn hãy nhấn tổ hợp phím F1 + 1/2/3 và chờ trong 4 giây để thành lập kết nối với thiết bị. Sau đó mỗi lần chuyển đổi bạn ấn tổ hợp phím tương tự để chuyển sang. Độ trễ khi sử dụng không dây gần như không có, nhưng nếu dùng để chơi game thì tốt nhất nên sử dụng dây cáp.
Keychron K8 cũng đi kèm với chế độ Auto Sleep mặc định, sau 10 phút mà không dùng đến nó sẽ tự ngắt điện để tiết kiệm pin. Khi quay lại sử dụng từ chế độ chờ, bạn sẽ cần 5 giây để bàn phím khởi động lại, cái này đôi khi cũng khá bất tiện. Cũng may Keychron đã cung cấp một cài đặt để bạn có thể bật/tắt chế độ này bằng tổ hợp phím Fn + S + O (giữ trong 4 giây).
Pin
Pin của Keychron K8 có dung lượng 4.000 mAh, theo hãng tuyên bố thì nó có thể dùng được khoảng 4 tuần khi đèn nền tắt, nhưng cũng phụ thuộc khá nhiều vào cách dùng của bạn. Không có đèn báo pin trên bàn phím nhưng đèn báo sạc sẽ bắt đầu nhấp nháy khi lượng pin xuống dưới 15%.
Hiệu ứng đèn nền và ánh sáng
Keychron K8 khá đa dạng về tùy chọn, ngoài switch và khung vỏ ra bạn cũng có thể chọn đèn nền trắng hoặc RGB. Phiên bản mình đánh giá là đèn nền trắng tốt và đủ sáng, cũng không đến nỗi quá đơn điệu vì nó đi với hơn 15 cài đặt hiệu ứng khác nhau, bạn có thể chuyển đổi hiệu ứng bằng nút trên bàn phím.
Trải nghiệm thực tế
Như đã nói ở lúc đầu, chiều cao của K8 là một vấn đề, việc đặt lòng bàn tay để gõ rất khó chịu bắt buộc phải có kê tay thì mới thoải mái hơn được. Khác nữa là các nút có stabiliser của nó hơi khó bấm, nặng hơn so với các phím không có, nếu muốn có tốc độ gõ trơn hơn bạn có thể bôi trơn cho nó. Ngoài 2 vấn đề này ra, mọi thứ còn lại đều ổn, các nút không có stabiliser rất mượt mà và cảm giác tốt.
Test chiếc bàn phím này trên cả macOS và Windows 10. Công tắc ở bên trái để chuyển giữa bố cục macOS và Windows thực sự hữu ích. Trên chế độ macOS, các phím chức năng hoạt động như các phím đa phương tiện tiêu chuẩn. Còn trên Windows 10, hàng chức năng mặc định là các phím từ F1 đến F12 cộng thêm các tổ hợp lệnh khác với phím Fn.
Với bố cục TKL, 3 phím phụ ở phía bên phải của phím F12 thường là ‘Print Sc’, ‘Scroll Lock’ và ‘Pause’. Vì không ai thường sử dụng các phím đó nên Keychron đã biến chúng thành ‘Screen Shot’, ‘Mic Mute’ và nút hiệu ứng đèn nền.
Có nên mua Keychron K8 không?
Nhìn chung, Keychron K8 là một bàn phím khá tốt so với mức giá của nó và sẽ rất khó để tìm thấy một bàn phím TKL cung cấp nhiều tính linh hoạt như K8. Với giá thấp nhất là 69 USD (tương đương 1,5 triệu đồng) và cao nhất 99 USD (tương đương 2,2 triệu đồng), bạn sẽ có được chiếc bàn phím cơ có khả năng tương thích đa hệ điều hành và mainboard có thể thay thế nóng. Nếu là người dùng Mac, Keychron K8 có lẽ là bàn phím cơ duy nhất được tối ưa hóa cho macOS.