Làng cổ Đường Lâm
Nổi tiếng nhất trong các làng cổ ở Hà Nội và xung quanh Hà Nội là làng cổ Đường Lâm. Nhắc đến cái tên này, hầu như không có bạn trẻ nào là không biết.
Nằm tại thị xã Sơn Tây của Hà Nội, nơi đây là vùng đất sinh ra rất nhiều danh nhân như: Vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, Bà man Thiện – mẹ của Hai Bà Trưng, Bà Chúa Mía – vương phi của chú Trịnh Tráng, Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Phan Kế An… Đường Lâm còn gọi là nơi phát tích đất hai vua – Ngô Quyền và Phùng Hưng.
Để đi đến Đường Lâm, hệ thống giao thông khá thuận lợi, nên chỉ mất khoảng 1 – 2 tiếng để bạn có thể đến được vùng đất địa linh nhân kiệt này. Hệ thống đường làng của Đường Lâm cũng rất đặc biệt theo hình xương cá: nếu ta đi từ đình, sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh. Và một điều còn lưu giữ đến nay là cổng làng cổ ở làng Mông Phụ được xây dựng từ năm 1684 đơn giản với một ngôi nhà hai mái dốc nằm ngay trên con đường vào làng.
Ngay khi bước chân vào làng quê này, bạn sẽ cảm nhận được sự thanh bình yên ả – đặc trưng của những làng quê Việt. Cách Hà Nội không quá xa nhưng cuộc sống ở đây dường như hoàn toàn đối lập. Chỉ cần 1 ngày trải nghiệm vùng quê này, bạn sẽ được thỏa sức ngắm cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình cho đến điếm canh, giếng nước, chùa miếu.
Điều đặc biệt của những ngôi nhà cổ truyền thống nơi đây là tất cả đều được xây từ những khối xây bằng đá ong. Ở Đường Lâm có vào khoảng 956 ngôi nhà truyền thống. Ngoài ra còn có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu 1649, 1703, 1850…
Làng gốm Bát Tràng
Nếu bạn không chỉ muốn đi chơi mà còn muốn tự tay làm một món quà lưu niệm để mang về thì làng gốm Bát Tràng là một trong những điểm đến lý tưởng nhất cho mùa hè này. Chỉ cần 1 ngày đi là bạn sẽ có được những trải nghiệm vô cùng quý giá.
Làng gốm Bát Tràng đã có hơn 500 tuổi đời. Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây được biết đến là một nơi sản xuất các đồ gốm có chất lượng cao với những hình ảnh hoa văn trên sản phẩm mang đậm văn hoá, phong tục của người Việt.
Sở dĩ Bát Tràng được chọn là quê hương của gốm vì ở đây có đất sét trắng-một nguồn nguyên liệu tốt để cho ra những sản phẩm gốm có chất lượng cao. Hơn nữa, vùng đất này nằm cạnh bờ sông Nhị tức sông Hồng sẽ thuận lợi cho việc giao thông, chuyên chở và trao đổi hàng hóa.
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng không những nổi tiếng trong cả nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới từ năm 1990 như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước trong khối EU. Nhiều sản phẩm gốm cổ Bát Tràng đang được lưu trữ tại một số viện bảo tàng lớn trên thế giới như Viện bảo tàng Royaux-Bỉ, Viện bảo tàng Guimet-Pháp.
Chỉ cách Hà Nội khoảng 20km nên bạn có thể đi đến đây bằng xe máy hoặc xe bus. Dưới sự hướng dẫn của những người dân, bạn sẽ có được những sản phẩm “để đời” mang về làm quà lưu niệm.
Làng lụa Vạn Phúc
Nếu thích thời trang và muốn mua vài tấm vải về làm quà hoặc may những bộ quần áo đẹp diện chơi ngày hè bạn có thể ghé thăm Làng lụa Vạn Phúc. Nằm ở Hà Đông thuộc Hà Nội, bạn có thể dễ dàng đi đến đây.
Làng lụa Vạn Phúc từng được biết đến là làng dệt lụa trù phú và đã từng dệt được các loại the lụa cao cấp như gấm, đoạn, vóc, sa… Lụa Vạn Phúc xưa được dùng cho các ngự y nhà vua. Hiện nay, lụa Vạn Phúc đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Thái Lan, Indonesia, Đông Âu…
Làng nón Chuông
“Muốn ăn cơm trắng cá trê. Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”
Chợ làng Chuông họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch và chỉ bày bán một thứ hàng duy nhất là nón. Nón được xếp thành từng chồng dài, trắng loá.
Xa xưa nón làng Chuông là cống vật tiến hoàng hậu, công chúa bởi vẻ đẹp rất riêng được làm nên bởi những bàn tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân lành nghề.
Ngày nay, nón làng Chuông có mặt khắp nơi, cả trên thị trường trong nước lẫn ngoài nước. Ngôi làng nghề nhỏ bé này luôn tấp nập khách ra vào không chỉ để đặt hàng, mà còn để tham quan, tận mắt chứng kiến công việc làm nón. Nếu bạn đến đây bạn sẽ được học cách làm nón của các nghệ nhân.
Làng đồng Ngũ Xã
Nói đến Ngũ Xã là nói tới tài năng của thợ đúc đồng Việt Nam, cùng với những sản phẩm của họ ra đời trong suốt gần 500 năm nay đã trở thành những tác phẩm nổi tiếng, tiêu biểu của nghệ thuật dân tộc.
Một trong những sản phẩm nổi tiếng, mang tính nghệ thuật cao của thợ đúc đồng Ngũ Xã là chuông và tượng đồng. Chuông là một nhạc cụ đặc biệt, khi gõ âm thanh phải vang ngân, do đó đòi hỏi các phần của chuông phải có độ dày mỏng khác nhau. Vì thế, từ khâu làm khuôn, đến pha chế đồng, nấu đồng và rót đồng vào khuôn đều phải tuân theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt và tinh vi, nhiều khi là bí quyết nhà nghề.
Ngoài chuông và tượng Phật Di Đà, người thợ đúc đồng Ngũ Xã cũng để lại hàng loạt tác phẩm khác cũng rất nổi tiếng, được coi là kiệt tác của nghệ thuật đồng thau Việt Nam như: tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, cùng những đồ thờ bằng đồng như lư hương, chân đèn, hạc đồng… vốn được coi như các cổ vật quí.
Làng Cự Đà
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km là thôn Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Làng vẫn còn những cây cổ thụ, mái đình, chùa, cổng làng, các ngôi nhà xưa… khiến người tới thăm có cảm giác như được đi ngược lại thời gian cả trăm năm.
Ngôi làng trù phú bên bờ sông Nhuệ là minh chứng của quan niệm ‘nhất cận thị – nhị cận giang’. Thông thương phát triển đã mang đến cho nơi đây sự thịnh vượng. Thời kỳ phát triển nhất của làng là những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
So với các nơi khác ở Việt Nam, đây là ngôi làng sớm có những ngôi nhà 2 tầng với kiến trúc Pháp, vừa trang nhã lại vừa cổ kính, sang trọng. Cho đến nay, người dân ở đây vẫn giữ được những nét độc đáo trong phong cách kiến trúc thời đầu thế kỷ 20.
Ngoài các ngôi nhà cổ, làng còn có chùa, miếu đã được xếp hạng di tích quốc gia. Cổng làng vẫn còn nguyên chiếc đồng hồ, dấu ấn của một thời sung túc.
Làng Cự Đà nổi tiếng bởi nghề làm miến, làm tương. Nếu đến đây bạn có thể mang những đặc sản này về làm quà cho gia đình, bè bạn.
.
Tổng hợp
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam