Hầu hết mọi người khi được yêu cầu so sánh chất lượng của các dàn âm thanh khác nhau thường trả lời rằng: “Nghe chẳng khác gì mấy!”. Đó là do con người thường không tin tưởng vào đôi tai so với đôi mắt của họ. Mỗi người có thể nghe được âm thanh ở mỗi cách khác nhau và thậm chí mỗi tai của họ cũng có thể cảm nhận âm thanh ở mỗi cách khác nhau. Đôi khi, chất lượng âm thanh cũng bị môi trường ảnh hưởng.
Do đó, bạn nên “tận tai” trải nghiệm trước khi quyết định chọn mua loa, ampli hay receiver chứ đừng nên chỉ nghe vào lời khuyên của người khác. Dưới đây là 6 yếu tố người dùng nên cân nhắc trước khi chọn mua thiết bị để phối ghép cho hệ thống nhằm không bị lạc lối và uổng phí vô ích theo đề nghị của trang Cnet.
1. Công suất dàn máy
Công suất là một chỉ số định lượng biểu hiện cho sức mạnh của một thiết bị âm thanh, chẳng hạn ampli hay receiver. Về mặt kỹ thuật, công suất càng lớn sẽ giúp cho loa phát ra âm thanh càng lớn, tuy nhiên, trên thực tế, điều này phức tạp hơn nhiều. Hơn nữa, thiết bị được một nhà sản xuất gắn nhãn công suất 100W thì không có nghĩa là nó cùng công suất 100W với thiết bị của một hãng khác. Một receiver 100W giá rẻ có thể phát âm thanh ra loa 100W với cùng công suất, nhưng chỉ có thể phát ra công suất nhỏ hơn khi kết nối với dàn nhiều loa.
Chọn mua thiết bị âm thanh để phối ghép theo đúng nhu cầu, hợp túi tiền.
Một điều quan trọng nữa là không nhất thiết phải trang bị dàn máy công suất lớn với quan điểm rằng càng lớn thì âm thanh nghe càng hay. Hãy thử so sánh hai receiver 100W và 105W. Nếu cùng một thương hiệu, cả hai receiver có thể sẽ được trang bị cùng kiểu ampli bên trong, chỉ khác nhau chút ít về công suất do đó có thể tái tạo chất lượng âm thanh khác nhau chứ không thể phát ra âm lượng lớn hơn.
Receiver có nhiệm vụ điều khiển để phát âm thanh ra loa tốt hơn và ít bị vấn đề hơn. Nếu bạn muốn một dàn máy âm lượng lớn hay muốn trải nghiệm những hiệu ứng âm thanh khác thì nên trang bị một ampli rời mạnh mẽ. Ampli tốt sẽ phát ra loa âm thanh lớn hơn và chất lượng hơn, chứ không làm cho dàn loa bình thường trở thành loa “xịn”.
2. Công suất loa
Đa số loa đều có ghi rõ “công suất tối đa” ở mặt sau. Tuy nhiên, nhiều người dùng lại xem chỉ số này là “công suất tối thiểu”. Hãy cẩn thận, bạn có thể làm hư loa nếu sử dụng ampli hay receiver có công suất lớn hơn loa chỉ vài W để phát hay cố mở âm lượng quá lớn. Ampli cao cấp hiện nay có loại trang bị công suất lên đến 1.000W và vẫn có thể kết nối với cặp loa giá 50 USD mà không gặp vấn đề gì.
3. Kích thước loa
Thực tế cho thấy, loa kích thước nhỏ cũng có hiệu năng tương đương loa lớn. Các hệ thống loa gồm subwoofer và các loa vệ tinh tí hon vẫn cho ra âm thanh hoàn hảo. Bạn không cần phải đầu tư những cặp loa tháp to lớn để nghe tốt hơn nếu không có nhu cầu. Tuy nhiên, những cặp loa đặt kệ (bookshelf) được thiết kế tốt sẽ luôn cung cấp âm thanh tốt hơn so với dàn loa subwoofer đi kèm loa vệ tinh nhỏ, thậm chí nếu hệ thống loa subwoofer có đắt tiền hơn.
4. Vị trí đặt loa subwoofer
Câu trả lời là subwoofer có thể đặt bất kỳ nơi đâu. Âm thanh tần số thấp thường rất khó tập trung. Vì vậy, việc bố trí loa sub cạnh tường hay cách xa các loa chính thường không gây ra vấn đề gì.
Tuy nhiên, có hai yếu tố cần lưu ý. Đối với các hệ thống gồm loa subwoofer và các loa vệ tinh, loa subwoofer thường đóng vai trò phát ra âm có tần số cao hơn so với loại loa subwoofer truyền thống. Điều này có nghĩa là nó phải tái tạo âm trầm của giọng ca nam và một số dụng cụ. Trong trường hợp này, loa subwoofer rất dễ tập trung âm thanh. Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của hệ thống để làm theo yêu cầu của nhà sản xuất trong việc bố trí loa.
Mặc dù trên lý thuyết các chuyên gia âm thanh đã khuyến cáo có thể đặt loa sub bất kỳ nơi đâu, nhưng trên thực tế vẫn có một số vị trí tốt nhất có thể mang lại chất lượng âm thanh tốt hơn và lớn hơn. Nếu đặt loa sub trước một bức tường sẽ tăng tầm nghe lên khoảng 3 dB, còn nếu đặt trong góc phòng sẽ giúp tăng khoảng 6 dB. Tùy vào thiết kế phòng nghe sẽ có một số vị trí khác mà loa sub mang lại hiệu ứng phẳng hơn hay âm thanh được phủ đầy hơn.
5. Dải tần đáp ứng
Loa và tai nghe thường cung cấp dải tần đáp ứng từ 20Hz (âm bass siêu trầm) đến 20 kHz (âm treble siêu cao, trên mức này thì tai người không nghe được). Về lý thuyết, đây là dải tần số mà loa có thể tái tạo âm thanh. Cũng giống như công suất, đây là thông số mà mỗi hãng sản xuất thường công bố mỗi cách khác nhau. Các hãng thường chỉ cung cấp con số giả định, trong khi chỉ số thực thường ít khi được công bố.
6. Cáp kết nối
Đối với cáp tín hiệu âm thanh cũng như hình ảnh, bạn thường được người bán tư vấn để mua loại cáp đắt nhất nhằm mang lại chất lượng tốt nhất. Quá trình truyền tín hiệu analog thường bị suy giảm theo khoảng cách và đôi khi dễ bị nhiễu. Tuy nhiên, thực tế thì trong cả hai trường hợp đều sẽ không nghiêm trọng như khuyến cáo của các nhà sản xuất cáp. Do đó, lời khuyên dành cho bạn là chỉ nên mua loại cáp thông thường phù hợp túi tiền cũng như chất lượng dàn máy.