Thiết kế
Điểm rút gọn nhiều nhất của Lenovo Legion Y530 so với Y730 nằm ở thiết kế của máy. Không màu mè với LED RGB, không sử dụng vỏ kim loại, chỉ đơn giản là chất liệu nhựa với những ánh đèn màu trắng. Chính điều này đã giúp cho Lenovo Leigon Y530 có mức giá tốt hơn rất nhiều so với Legion Y730.
Về vẻ bề ngoài thì Legion Y530 chẳng có gì khác biệt nhiều lắm với Y730, ngoại trừ nắp lưng của Y530 bằng nhựa và xuất hiện những vòng tròn với tâm là logo chữ Y.
Nhờ vào thiết kế bản lề của mình mà laptop Lenovo Legion Y530 cũng cho khả năng mở góc lớn, lên tới 181 độ.
Về cổng kết nối, chiếc máy này được trang bị rất đầy đủ (nếu như không muốn nói dư thừa) và cách bố trí cũng y hệt với Y730 mà thôi. Ở cạnh trái sẽ có cổng tai nghe 3.5 mm và cổng USB – C. Cạnh phải có 1 cổng USB 3.1. Cạnh sau sở hữu: cổng sạc, cổng USB 3.1, cổng LAN, cổng USB 3.1, cổng HDMI, cổng mini Display.
Màn hình
Giống như ‘người anh cả’, Legion Y530 được thừa hưởng thiết kế viền màn hình mỏng 3 cạnh trông đẹp mắt. Nhưng đánh đổi với điều đó, camera trước phải đặt xuống cạnh dưới hơi sâu và khi sử dụng webcam thì nó cho một góc nhìn hơi lệch về phía dưới, đôi lúc bị che mất đầu.
Đo độ lệch màu với phần mềm CalMAN thì độ lệch màu Delta E là 0.9 (thấp), ở mức này chiếc máy này cũng có thể đáp ứng được nhu cầu xử lý đồ họa cơ bản như dựng phim hay sửa ảnh.
Trải nghiệm hơn 1 tuần sử dụng thì mình cảm thấy độ sáng màn hình khá là cao, độ tương phản cũng như khả năng chống chói ở mức tốt. Có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong bất kỳ môi trường ánh sáng nào.
Ngoài ra, chiếc laptop gaming này sở hữu màn hình 15 inch độ phân giải Full HD. Chỉ có tần số quét là 60 Hz mà thôi nhưng 60 Hz chắc chắn vẫn dư sức để chúng ta chơi và trải nghiệm hầu hết các game có trên thị trường hiện nay.
Tản nhiệt
Với thiết kế quạt tản nhiệt kép và một dàn khe tản nhiệt bao xung quanh ba cạnh máy, có thể thấy sơ qua hệ thống này khá khủng, nhưng hiệu quả như thế nào? Khi chơi game, nhiệt độ của CPU vào khoảng hơn 90 độ và GPU cũng có lúc đạt trên 80 độ.
Lúc này, quạt tản nhiệt sẽ hoạt động với công suất mạnh hơn, đồng thời phát ra tiếng kêu lớn hơn để đảm bảo nhiệt độ không tăng lên quá cao. Sau khoảng 2 giờ test, mình thấy phần chiếu nghỉ tay và bàn phím bên phải hơi ấm ấm.
Và nhiệt độ của máy thì tất nhiên rồi, vẫn khá cao. Với tản nhiệt như này mình đánh giá ở mức ổn, do hầu hết các laptop gaming ở tầm giá này hiện nay cũng đều có tình trạng chung là khá nóng khi chơi game thời gian dài.
Bàn phím – Touchpad
Như nhiều laptop chơi game khác, bàn phím là một trong những phần rất quan trọng của game thủ. Ở bàn phím của Legion Y730 thì mình nhận xét là hành trình phím sâu, cho cảm giác bấm chân thực, phím có độ nảy cao và cảm giác gõ thoải mái.
Điểm mình thấy thích là chiếc bàn phím này không bị đặt lệch sang phải như Lenovo Legion Y730 nên sử dụng rất dễ dàng. Các phím mũi tên cũng được làm to hơn nên cảm giác chơi game rất đã. Tóm lại, mình cảm thấy cách bố trí bàn phím này khá tiện cho game thủ khi chơi.
Còn điểm mình thấy chưa hài lòng đó là Lenovo sử dụng đèn nền màu trắng cho laptop Legion Y530 khiến chiếc máy trông như giành cho dân văn phòng chứ không phải gaming. Nếu là màu đỏ hoặc một màu nào nổi bật thì sẽ hợp lý hơn rất nhiều.
Thử trackpad của máy, mình thấy di chuột khá là mịn và mượt, con trỏ cũng cho tốc độ phản hồi nhanh. Tuy nhiên, hai phím chuột trái và phải bị tách rời ở phía dưới thì lại hơi bị khó bấm, phải dùng nhiều lực hơn bình thường nên đôi lúc mình bị bấm hụt và cảm thấy khá khó chịu về vấn đề này.
Cấu hình và hiệu năng
Tuy là phiên bản ‘nhẹ giá’ hơn nhưng cấu hình của Legion Y530 chưa bị rút gọn đi nhiều lắm. Máy vẫn sử dụng CPU Intel Core i7 8750H, RAM giảm xuống còn 8GB, ổ cứng HDD vẫn là 2 TB, không có ổ SSD. Quan trọng nhất: Card màn hình NVIDIA GeForce GTX 1050Ti 4GB vẫn được giữ nguyên.
Sau khi so sánh về mặt cấu hình, chúng ta sẽ đi chi tiết hơn vào các bài đánh giá hiệu năng của Y530. Đầu tiên với phần mềm CineBench R15 chúng ta có điểm OpenGL là 59.66 fps và CPU là 660 cb. Tiếp tục với Geekbench 4 thì máy đạt được 4.499 điểm cho đơn lõi và 14.488 điểm cho đa lõi.
Vì không có ổ SSD nên tốc độ đọc ghi của laptop Lenovo Legion Y530 đã bị giảm đi khá nhiều. Cụ thể, tốc độ đọc tối đa: 116.2 MB/s và tốc độ ghi tối đa: 81.18 MB/s.
Nhìn chung, với những điểm số này thì khả năng chơi game nặng trên Lenovo Legion Y530 có lẽ vẫn sẽ tốt.
Kết luận
Giá bán hiện tại của Lenovo Legion Y530 trên thị trường vào khoảng 22 triệu. Khi sở hữu chiếc máy này, ngoài khả năng chiến tốt các game nặng phổ biến có trên thị trường hiện nay, bạn còn nhận được khá nhiều điều tiện ích nhờ thiết kế của máy mang lại: Không quá to, không quá nặng và cồng kềnh.
Với tầm giá, cấu hình và thiết kế như vậy, Lenovo Legion Y530 có thể dùng để chơi game hoặc làm nhiều công việc khác cần cấu hình khá. Đây sẽ là chiếc laptop đáng mua và có thể đồng hành cùng bạn trong khoảng từ 2 đến 3 năm.