Các mẹ bầu thường mách nhau rằng ăn trứng ngỗng khi mang thai giúp mẹ bầu khỏe mạnh hơn và sinh ra những em bé thông minh. Ngoài ra, còn có quan niệm cho rằng ăn 7 trứng ngỗng sẽ sinh con trai, ăn 9 trứng ngỗng sinh con gái. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh rằng tác dụng của trứng ngỗng với bà bầu không được như những lời đồn đại.
Trứng ngỗng có hàm lượng cholesterol và lipid cao hơn trứng gà
Trứng ngỗng có hàm lượng cholesterol và lipid cao hơn trứng gà
Xét về thành phần dinh dưỡng thì trứng ngỗng có nhiều protein hơn trứng gà, khoảng 13,5%. Tuy nhiên, nếu tính đến những chất dinh dưỡng khác, trứng ngỗng lại “thua thiệt mọi mặt” so với trứng gà, nhất là hàm lượng vitamin A. Cụ thể, hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng khoảng một nửa so với trứng gà.
Hơn nữa, hàm lượng cholesterol và lipidkhông có lợi cho sức khỏe mẹ bầu trong trứng ngỗng cao hơn trứng gà. Nếu xét riêng về thành phần dinh dưỡng, thực tế, trứng ngỗng không tốt như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Thậm chí, so với trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng còn ít dinh dưỡng và khó ăn hơn rất nhiều.
Ăn quá nhiều trứng ngỗng gây thừa cân cho mẹ bầu
Mẹ bầu cần lưu ý nếu ăn quá nhiều trứng ngỗng sẽ dẫn tới thừa cân cho mẹ vì trứng ngỗng chứa nhiều cholesterol. Về lý thuyết dinh dưỡng, cholesterol có liên quan và là thủ phạm gây ra những bệnh lý như tim mạch, huyết áp, tắc nghẽn động mạch, nhồi máu cơ tim…
Tuy nhiên, mẹ bầu có thể ăn 3 quả trứng ngỗng cách 3 tháng/ lần như dân gian khuyên, và nên chia làm 2-3 lần ăn 1 quả cho đỡ ngán vì ăn nhiều protein 1 lúc sẽ không tiêu hóa hết gây ngán và ứ dạ dày gây chướng bụng.
Mẹ bầu nên ăn trứng gà thay cho trứng ngỗng
Mẹ bầu nên ăn điều độ trứng gà để giảm lượng cholesterol trong máu
Trên thực tế, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào khẳng định khi mang thai nếu ăn trứng ngỗng thì con thông minh, khoẻ mạnh hoặc trứng ngỗng tốt cho thai nhi hơn các trứng gia cầm khác. Quan niệm ăn bảy trứng sẽ sinh con trai, chín trứng sinh con gái cũng không có cơ sở khoa học. Không có bằng chứng nào cho thấy có mối liên quan giữa trứng ngỗng với sự hình thành giới tính và phát triển trí thông minh của trẻ.
Các chuyên gia dinh dưỡng đã có lời khuyên, thay vì cố ăn trứng ngỗng một cách không thích thú, các bà bầu nên dùng trứng gà. Bách khoa toàn thư về thức ăn và dinh dưỡng của Mỹ viết: “Trứng gà là một trong những thức ăn hoàn thiện nhất mà nhân loại đã biết. Thành phần các chất prôtein, lipit, gluxit, các vitamin và chất khoáng trong trứng có tỷ lệ hợp lý, giúp bồi dưỡng sức khoẻ rất tốt”.
Trong y học cổ truyền Việt Nam, trứng gà cũng được dùng làm thuốc bổ dưỡng. Đông y gọi lòng đỏ trứng gà là “kê tử hoàng”, có công dụng dưỡng âm, tốt cho tỳ vị, trị mất ngủ do âm hư… Ngày xưa khi đi thăm người mang thai, sinh nở, bao giờ người ta cũng đem theo chục trứng gà làm quà.
Mẹ bầu ăn gì để con thông minh?
Mẹ bầu nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu DHA, cholin, axit folic, axit béo…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu muốn bé thông minh, mẹ bầu nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu DHA, cholin, axit folic, axit béo… Trong giai đoạn đầu thai kỳ, giai đoạn xây dựng nền móng cho sự phát triển của con, mẹ bầu nên chú ý bổ sung những thực phẩm giàu protein, canxi và sắt. Những thực phẩm mẹ bầu nên ăn trong 3 tháng đầu như: súp lơ, đậu phộng, các loại đậu, các loại trái cây có nhiều múi, cá hồi, trứng, thịt bò…
Trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu nên tăng cường bổ sung các loại axit béo vì đây là giai đoạn thai nhi đang bắt đầu phát triển não. Tăng cường bổ sung các thực phẩm nhiều omega 3, DHA, ARA, canxi, vitamin A, C… Mẹ nên ưu tiên các loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật thay vì động vật.Tam cá nguyệt thứ ba là giai đoạn phát triển não một cách mạnh mẽ. Chính vì vậy, mẹ bầu không thể bỏ qua các loại thực phẩm giàu axit béo như dầu oliu, hạt hướng dương, hạnh nhân…
H.T
Nguồn: tổng hợp
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam