Trẻ vừa sinh ra đã có sẵn một lượng sắt dự trữ đủ để sử dụng đến khi được 6 tháng đến 1 năm tuổi. Khi bạn bắt đầu cho con làm quen với đồ ăn dặm là khi lượng sắt có sẵn cũng như lượng sắt có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức đã không còn đủ cho trẻ. Lúc này bạn cần đảm bảo rằng trẻ nhận được nguồn sắt từ các thực phẩm mà bạn cho trẻ ăn hàng ngày để bảo vệ trẻ khỏi bệnh thiếu máu. Bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nếu bạn quan tâm đến lượng sắt cần cho trẻ hay bạn đang chuẩn bị có một sự thay đổi mạnh mẽ trong chế độ ăn uống của trẻ.
Nguyên nhân thiếu sắt của trẻ
Nếu một đứa trẻ bị sinh non hoặc nhẹ hơn 3kg lúc sinh hoặc phải dùng sữa công thức trong 6 tháng đầu thì trẻ đó có nguy cơ bị thiếu sắt. Nếu bạn đang lo lắng về lượng sắt của con thì bạn cũng nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin C vào chế độ ăn của trẻ bởi vitamin C giúp hấp thụ sắt.
Ngũ cốc chứa nhiều sắt
Yến mạch là món đầu tiên bạn nên cho trẻ thử
Các chuyên gia thường khuyến cáo cha mẹ nên lựa chọn ngũ cốc là thực phẩm đầu tiên để trẻ sơ sinh làm quen khi bắt đầu bước vào độ tuổi ăn dặm. Ngũ cốc dành cho trẻ có rất nhiều loại và cách sử dụng khác nhau. Ngũ cốc từ gạo nhìn chung là thực phẩm phổ biến đầu tiên bởi nó khá dễ tiêu và dễ sử dụng với trẻ nhỏ. Ngũ cốc cho trẻ nhỏ bao gồm yến mạch, lúa mì, lúa mạch và các loại hạt. Một số cha mẹ lại lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt để sử dụng cho con chẳng hạn như bột yến mạch có chứa 4 – 6mg sắt trên một khẩu phần, theo trang web HealthLink BC. Trong suốt giai đoạn làm quen đầu đời của trẻ với đồ ăn rắn thì bạn có thể trộn lẫn ngũ cốc với sữa mẹ hoặc sữa công thức để trẻ quen dần với kết cấu và độ đồng nhất của thực phẩm rắn.
Lòng đỏ trứng chứa nhiều sắt
Lòng đỏ trứng có chứa hàm lượng sắt cao và dễ cho trẻ ăn
Lòng đỏ trứng có chứa hàm lượng sắt cao, dễ nghiền và dễ cho trẻ ăn. Nếu gia đình bạn có tiền sử bị dị ứng trứng thì bạn nên đợi tới khi con bạn được một tuổi mới nên cho trẻ sử dụng các sản phẩm từ trứng, bao gồm cả lòng đỏ. Tuy nhiên, nhìn chung, lòng đỏ trứng thường ít gây dị ứng hơn lòng trắng bởi lòng trắng chứa albumin, hợp chất dễ gây dị ứng. Lòng đỏ trứng cần được nấu chín kỹ trước khi cho trẻ sử dụng để tránh vi khuẩn salmonella.
Thực phẩm giàu tinh bột chứa hàm lượng sắt cao
Một củ khoai tây to chứa tới 3,2mg sắt
Một số loại củ, hạt chứa nhiều tinh bột có chứa hàm lượng sắt cao. Các loại thực phẩm này có xu hướng là mềm, nhẹ, dễ nhai và là thực phẩm lý tưởng để giới thiệu cho trẻ khi trẻ bắt đầu vào quá trình ăn dặm. Theo trang web Vegetarian Resource Group thì 1 chén đậu xanh có chứa 1,7mg sắt, 1 chén hạt diêm mạch có chứa 2,8mg sắt và một củ khoai tây lớn cả vỏ chứa đến 3,2 mg sắt.
Các loại thịt sẫm màu chứa hàm lượng sắt cao
Thịt trở thành nguồn thực phẩm cung cấp sắt chủ yếu trong khẩu phần ăn
của trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
Thịt có xu hướng trở thành nguồn thực phẩm cung cấp sắt chủ yếu và có thể sử dụng cho trẻ sáu tháng tuổi trở lên. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh khuyến cáo, bạn nên nghiền nhừ thịt cho trẻ để đảm bảo trẻ nhận đủ sắt trong chế độ ăn. Thịt chứa nhiều sắt là phần thịt màu sẫm ở thịt gà, thịt bò, gan gà, gan bò và gà tây. Trong khi phần nội tạng, đặc biệt là gan không sử dụng phổ biến ở Hoa Kỳ thì bạn nên xem xét các phần thịt khác đã được nấu chín bổ sung vào khẩu phần ăn của trẻ, vì đây là nguồn thực phẩm chứa sắt tốt nhất. Bạn cũng có thể chờ tới khi trẻ được một tuổi thì cho trẻ ăn thịt lợn, tôm, cua, cá nếu trẻ bị dị ứng những thực phẩm này.
Minh Hường
(Theo livestrong)
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam