1. Giặt nước thông thường
Đây là phương pháp làm sạch quần áo thông dụng nhất. Các chất chuyên dụng (bột giặt hoặc dung dịch giặt) khi gặp nước sẽ tạo ra chuỗi phản ứng hoá học tách vết bẩn ra khỏi bề mặt vải, để từ đó, các vết bẩn sẽ được “đánh bật” khỏi quần áo thông qua các tác động vật lý như chà, vò bằng tay hoặc xoáy lắc của máy giặt.
Giặt ướt là phương pháp làm sạch quần áo đơn giản, tiết kiệm nhưng chỉ phù hợp với những chất liệu vải sợi mềm hoặc jeans
Ưu điểm hàng đầu của phương pháp giặt ướt là chi phí thấp, tiện lợi vì có thể làm tại nhà và đặc biệt ít tốn nguyên liệu cũng như tiêu hao máy móc. Tuy nhiên việc giặt ướt có thể làm hỏng một số chất liệu đặc biệt như là len lông cừu, da, lụa,… Những chất liệu này khi cho vào nước lâu, nhiệt độ không phù hợp có thể bị co lại, giảm chất lượng ban đầu.
Không những vậy, lực xoay và vắt của máy giặt sẽ khá mạnh nên sẽ khiến quần áo bị xoắn, cuốn vào nhau, về lâu dài sẽ giảm chất lượng vải. Ngoài ra, việc tẩy rửa các vết bẩn trên quần áo phụ thuộc nhiều vào hóa chất giặt, có thể gây bạc màu quần áo. Vì vậy việc giặt ướt bằng tay hay bằng máy đều không phù hợp với chất liệu cao cấp như vest, trang phục nhiều họa tiết như thêu hay đính đá,…
2. Giặt khô
Giặt khô là phương pháp làm sạch trang phục đặc biệt thông dụng nhằm xử lý các bộ đồ đắt tiền mà bạn khó có thể thực hiện tại nhà. Gọi là giặt khô bởi phương pháp này hoàn toàn không dùng nước mà sử dụng một dung môi chuyên biệt có tác dụng tan để loại bỏ vết bẩn.
Do là phương pháp không sử dụng nước để giặt, giặt khô đặc biệt phù hợp với trang phục có chất liệu cao cấp như lụa, tơ tằm, đồ da, lông thú,… Lịch sử của phương pháp giặt khô đã bắt đầu từ thời cổ đại từ năm 79 sau Công nguyên, khi những người dân giàu có của thành phố Pompeii – một thành bang của đế chế La Mã, sử dụng các dung môi như a-mô-ni-ắc và các dung dịch khác để làm sạch quần áo làm từ lông cừu.
Giặt khô là hơi sử dụng dung môi hoá học chuyên dụng để làm sạch vải.
Còn phương pháp giặt khô như ngày nay chúng ta đang sử dụng thì sao? Bắt nguồn từ một tai nạn tình cờ của một cô hầu gái khi làm đổ dầu hỏa lên khăn trải bàn dính mỡ, người ta đã phát hiện ra một số dung môi có nguồn gốc dầu mỏ có thể giúp làm sạch các vết bẩn trên vải hiệu quả. Dung môi giặt khô được sử dụng phổ biến hiện nay là dung môi tổng hợp có tên gọi PCE – được phát minh vào năm 1821 bởi nhà vật lý và hóa học người Anh tên là Michael Faraday.
Tuy nhiên, quy trình giặt khô là hơi khá phức tạp, đòi hỏi máy móc và hoá chất chuyên dụng, vì vậy bạn sẽ phải chi một khoản tiền kha khá để mang quần áo ra tiệm. Ngoài ra, dung môi PEC đã bị nhiều tổ chức về môi trường và sức khỏe khuyến cáo có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và môi trường.
3. Làm sạch bằng hơi nước
Làm sạch bằng hơi nước là phương pháp tân tiến được trang bị trong các loại máy giặt hiện đại hàng đầu trên thị trường. Nước sạch trong ống dẫn sẽ được đun sôi và đưa vào bộ tạo hơi nước để phun trực tiếp lồng giặt. Nước dưới dạng sương sẽ thẩm thấu qua từng kẽ sợi vải để làm sạch trang phục. Phương pháp này phù hợp với áo quần có độ bẩn vừa phải, hay quần áo để trong tủ lâu ngày.
Làm sạch bằng hơi nước là công nghệ hiện đại, sở hữu nhiều tiện ích trong việc làm sạch và giữ gìn độ bền trang phục.
Điểm nổi bật của việc làm sạch bằng hơi nước chính là khả năng diệt khuẩn và các chất gây dị ứng nhờ nhiệt độ cao. Vì thế mà nó đặc biệt phù hợp với gia đình có trẻ nhỏ. Thêm vào đó, cách thức giặt này phù hợp với hầu hết mọi loại vải, đặc biệt biệt là vải mềm và dễ hỏng như len cashmere, tweed, lanh, tơ tằm… Bởi trang phục được làm sạch nhẹ nhàng bằng hơi nước, rồi sấy ở nhiệt độ thấp, giúp hạn chế các vết nhăn và còn làm mềm sợi vải.
Hiện nay tính năng làm sạch bằng hơi nước được tích hợp trong nhiều loại máy giặt cao cấp và dòng sản phẩm tủ chăm sóc quần áo.
Trên đây là ba phương pháp giặt quần áo thông dụng nhất hiện nay. Mỗi loại đều có ưu, nhược điểm riêng. Hy vọng độc giả đã phần nào hiểu được cách thức hoạt động của chúng để chọn ra cách làm sạch và bảo quản trang phục của mình hợp lý nhất.