Tình trạng smartphone bị nóng quá khi sử dụng không phải là hiếm gặp, thậm chí một số người còn ghi nhận nhiệt độ smartphone của họ nóng “bỏng tay”, tưởng chừng như sắp phát nổ. Có khá nhiều các nguyên nhân khiến cho smartphone rơi vào tình trạng nóng, và do đó các cách khắc phục cũng không giống nhau.
Cụ thể, dưới đây là một số cách khắc phục tình trạng smartphone bị nóng.
1. Khởi động lại để “làm mát” smartphone
Tắt nguồn và khởi động lại là một cách rất hữu hiệu giúp thiết bị của bạn giải phóng bộ nhớ RAM. Trong quá trình sử dụng, mỗi một ứng dụng hay một tác vụ nhỏ trên điện thoại cũng tiêu tốn một lượng RAM nhất định. Thời gian sử dụng càng dài thì lượng dữ liệu lưu trên RAM càng đầy. Đây chính là lúc bạn nên để thiết bị của mình được refresh, giống như con người luôn cảm thấy thoải mái sau khi ngủ dậy.
Ngoài cách khởi động lại, bạn cũng có thể khóa màn hình, tắt 3G, Wifi và hoàn toàn không sử dụng điện thoại trong vài phút.
2. Cập nhật phần mềm thường xuyên
Người dùng nên thường xuyên cập nhật phiên bản mới nhất của ứng dụng và hệ điều hành để tối ưu hệ thống. Các bản vá, sửa lỗi sẽ khắc phục những sự cố như hao pin, nóng máy, tình trạng thiếu ổn định. Điều này không những giúp điện thoại của bạn chạy mượt mà, êm ái mà còn tăng tuổi thọ cho máy.
Nhiều ứng dụng chạy cùng một lúc sẽ làm điện thoại thông minh nhanh nóng. Bạn có thể kiểm tra xem phần mềm nào đang hoạt động ở chế độ nền để tắt. Bên cạnh đó, việc chậm trễ nâng cấp các bản cập nhật cũng ảnh hưởng. Hạn chế cài đặt nhiều ứng dụng trên thiết bị vì chúng vừa ngốn dung lượng bộ nhớ, lại tốn tài nguyên hệ thống. Đặc biệt, nhiều tiến trình chạy ngầm dù người dùng đã tắt ứng dụng. Bởi vậy, cần rà soát lại những phần mềm không sử dụng đến trong hơn 15 ngày và xóa hoàn toàn khỏi điện thoại.
3. Ốp lưng là nguyên nhân khiến smartphone bị nóng
Việc sử dụng ốp lưng điện thoại có thể là một cách làm đẹp phổ biến, nhưng cũng phải lưu ý một số loại ốp lưng gây cản trở quá trình tản nhiệt của máy. Đặc biệt là các ốp lưng có thiết kế vải, da hay lông.
Nếu bạn có ý định sử dụng máy với hiệu suất lớn để chơi game hay xem phim trong thời gian dài, nên tạm tháo bỏ ốp để máy có thể tản nhiệt hiệu quả nhất.
4. Để màn hình sáng phù hợp
Để màn hình quá sáng cũng là một nguyên nhân khiến chiếc điện thoại của bạn phải tiêu hao một lượng pin không nhỏ, đồng nghĩa với việc lượng nhiệt sinh ra cũng lớn gây ra hiện tượng nóng máy.
5. Sạc đúng cách để smartphone không quá nóng.
Quá trình sạc điện thoại sinh nhiệt khá nhiều. Vì thế, đặt thiết bị tránh xa các nguồn gây nóng. Bởi pin nếu chịu tác động của nhiệt sẽ giảm hiệu suất, thậm chí trong một số trường hợp có thể gây nổ. Bên cạnh đó, tốt nhất không nên để thiết bị sạc quá lâu vào ban ngày, đặc biệt giữa lúc thời tiết nắng nóng. Lời khuyên được đưa ra đó là chỉ sạc 70 – 80% vào ban ngày, sau đó sạc đầy vào buổi tối.
Thói quen vừa sạc vừa sử dụng không chỉ là giảm tuổi thọ của pin điện thoại mà còn có thể khiến điện thoại bị nóng lên. Vì thế, bạn nên tránh hoặc giảm thiểu tối đa việc sử dụng điện thoại khi đang sạc pin. Chưa kể khi vừa sạc điện thoại vừa sử dụng còn có thể dẫn tới tình trạng cháy nổ rất nguy hiểm.