So sánh công nghệ màn hình LG META OLED và Samsung QD-OLED

Chuyển tới nội dung chính trong bài [Xem]
Hai ông lớn trong thị trường sản xuất tivi đều có những phương án khác nhau để cải thiện màn hình OLED, tuy nhiên LG META OLED hay Samsung QD-OLED tốt hơn, cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Mặc dù mới tham gia sản xuất tivi OLED từ tháng 9/2022, nhưng sản phẩm đầu tiên của Samsung là dòng S95B (gồm 2 phiên bản là Smart Tivi Samsung 4K 55 inch QA55S95B và Smart Tivi Samsung 4K 65 inch QA65S95B) đã được đánh giá là tivi OLED tốt nhất năm 2022. Ngoài thiết kế thì công nghệ màn hình QD-OLED của Samsung cũng được đánh giá là công nghệ màn hình OLED tốt nhất của năm 2022.

Tuy nhiên, ngay tại CES 2023 diễn ra đầu năm 2023 thì LG (hãng tivi có tới 60% thị phần trong phân khúc tivi OLED – theo Korea Herald) đã chính thức giới thiệu công nghệ màn hình META OLED. Hiện công nghệ này đã được thương mại hóa trên 3 phiên bản màn hình của dòng tivi LG OLED G3 evo và đã bán ra thị trường.

Công nghệ màn hình META OLED hiện cũng đang nhận được sự đánh giá cao của nhiều chuyên gia, chuyên trang công nghệ. Và tạo thế cạnh tranh gay gắt với công nghệ QD-OLED của Samsung.

Vậy giữa công nghệ LG META OLED và công nghệ Samsung QD-OLED thì công nghệ nào tốt hơn? Cùng chúng tôi tìm hiểu và cho mình câu trả lời.

1. So sánh cấu trúc màn hình LG META OLED và Samsung QD-OLED

Để nắm được sự khác biệt giữa hai công nghệ màn hình OLED của 2 hãng, trước tiên chúng ta cùng so sánh sự khác biệt trong cấu trúc của 2 loại màn hình này:

so sánh màn hình qd oled và lg meta oled
Sự khác biệt trong cấu trúc của màn hình META OLED và QD-OLED.

Có thể thấy, hướng giải pháp cho màn hình OLED của 2 thương hiệu tivi Hàn Quốc là khác nhau, cụ thể:

  • Samsung sử dụng lớp Quantum Dot để tăng cường độ sáng cũng như tối ưu hóa màu sắc cho lớp đi-ốt hữu cơ tự phát sáng.
  • LG trang bị thêm cho vi thấy kính (Micro Lens Array – MLA) phía trên của lớp đi-ốt hưu cỡ để tăng cường độ sáng, tăng góc nhìn.

Về chi tiết giải pháp mà Samsung và LG đã sử dụng, chúng ta cùng đi tìm hiểu chi tiết từng loại màn hình.

1.1 Nguyên lý hoạt động màn hình Samsung QD-OLED

Samsung sử dụng các bóng đi-ốt hữu cơ tự phát ánh sáng màu xanh (blue) – đây là loại ánh sáng có năng lượng ánh sáng mạnh mẽ nhất. Việt bật/tắt của các bóng đi-ốt hưu cơ này được điều chỉnh bởi mạch điện riêng (cái này sẽ liên quan tới thuật toán điều chỉnh sáng mà mỗi chip xử lý của mỗi hãng được tối ưu riêng để mang tới hiệu quả tối ưu nhất).

so sánh màn hình lg meta oled và samsung qd-oled
Các chấm lượng tử Quantum Dot sẽ biểu thị màu sắc khác tùy màu sắc.

Nguồn sáng từ các bóng đi-ốt hữu cơ tự phát sáng sẽ được chuyển tới lớp chấm lượng tử Quantum-Dot. Chấm lượng tử là một tinh thể nano được làm từ vật liệu bán dẫn, nó có thể tự phát sáng và tái hiện màu sắc một cách chính xác bởi mỗi kích thước sẽ tương ứng với màu sắc khác nhau. Đơn cử chấm lượng tử 2nm sẽ có màu xanh lam, kích thước 3nm là xanh lá,.. 7nm là màu đỏ.

Chính vì thế, luồng sáng sau khi ra khỏi lớp chấm lượng tử sẽ có được cường độ sáng tốt hơn, mà còn giúp tối ưu hơn khả năng hiển thị màu sắc tinh khiết hơn, cận tự nhiên hơn.

1.2 Nguyên lý hoạt động của màn hình LG META OLED

Thay vì sử dụng bóng đi-ốt hữu cơ phát ánh sáng xanh thì LG sử dụng các bóng đi-ốt hữu cơ phát ánh sáng trắng. Ánh sáng trắng là hỗn hợp tất cả các ánh sáng đơn sắc trong tự nhiên (xanh, đỏ, vàng…).

Chính vì thế LG META OLED vẫn sẽ sử dụng một tấm lọc màu để tạo màu sắc cho cho việc hiển thị các điểm ảnh (thay vì dùng chấm lượng tử như Samsung).

Điểm khác biệt ở chỗ, ở thế hệ màn hình META OLED, LG trang bị thêm một lớp vi thấu kính. LG cho biết, mỗi điểm ảnh (tạo ra sau lớp lọc màu) sẽ được phủ 5117 vi thấu kính. Lớp vi thấu kính này với cấu trúc phủ 360 độ như mắt của chuồn chuồn, điều này giúp tăng góc nhìn tới 30%.

so sánh màn hình lg meta oled và samsung qd-oled
Lớp vi thấu kính của màn hình META OLED của tivi LG.

Bên cạnh đó, LG cũng đưa tới thuật toán độc quyền tên META Boosting, để tăng cường độ sáng, tăng dải tương phản động mở rộng, từ đó giúp màu đen được hiển thị sâu hơn, và màu sắc có độ chính xác hơn.

Kết quả là theo LG, độ sáng của màn hình META OLED sẽ được tăng thêm 60% và tăng góc nhìn 30% cũng như tiết kiệm năng lượng 20% so với thế hệ màn hình OLED trước đó của LG.

2. So sánh kết quả hiển thị thực tế của màn hình LG META OLED và Samsung QD-OLED

Hiện tại, 2 loại màn hình này của 2 hãng tivi đã được thương mại hóa với các dòng sản phẩm bán ra năm 2023.

Cụ thể, màn hình META OLED mới được LG áp dụng trên dòng LG OLED G3 evo, hiện bán tại thị trường Việt Nam với 3 model là:

  • Smart Tivi OLED LG 4K 55 inch 55G3PSA
  • Smart Tivi OLED LG 4K 65 inch 65G3PSA
  • Smart Tivi OLED LG 4K 77 inch 77G3PSA

Trong khi đó màn hình QD-OLED được Samsung sử dụng trên cả 3 dòng tivi OLED của hãng gồm Samsung OLED S95C, OLED S95B và OLED S90C.

so sánh tivi oled samsung và oled lg
Dòng LG OLED G3 evo đang là dòng duy nhất sử dụng màn hình META OLED.

Chính vì thế, người sử dụng cũng có thể có được những thông tin để so sánh chất lượng của 2 loại màn hình này. Và chúng tôi xin dẫn số liệu được đo bởi Rtings – chuyên trang công nghệ uy tín trên thế giới.

2.1 Về độ sáng màn hình

  • Ở chế độ HDR: độ sáng tối đa của màn hình LG META OLED đạt 1,476 cd/m² đo ở 2% màn hình, và 1,454 cd/m² ở 10% màn hình. Trong khi màn hình Samsung QD-OLED có các con số độ sáng tương ứng lần lượt là 1,347 cd/m² và 1,348 cd/m², thấp hơn.
  • Ở chế độ HDR Gaming (chuyên cho chế độ game): độ sáng tối đa của màn hình tivi LG là 1,332 cd/m² ở 2% màn hình, và 1,307 cd/m² ở 10% màn hình. Trong khi màn hình tivi Samsung có các giá trị lần lượt là 1,345 cd/m² và 1,314 cd/m², nhỉnh hơn.
  • Ở chế độ SDR: tivi LG G3 có độ sáng tối đa 607 cd/m² ở 2% màn hình và 612 cd/m² ở 10% màn hình. Còn tivi Samsung S95C có các con số lần lượt là 632 cd/m² và 632 cd/m², tốt hơn.

Như vậy, có thể nói về độ sáng màn hình tối đa thì màn hình LG OLED G3 evo với tấm nền META OLED có độ sáng tốt hơn so với S95C. Tuy nhiên, xét về chi tiết thì màn hình QD-OLED lại có ưu thế ở các chế độ gaming và chế độ thường.

so sánh tivi oled samsung và oled lg
Dòng tivi Samsung S95c.

2.2 Về màu sắc

  • Đối với dải màu DCI-P3 (dải màu phổ biến trên tivi hiện nay): tivi LG G3 Evo có độ phủ 97.53% – 99.13% của dải màu này. Trong khi đó, tivi Samsung S95C có độ phủ 99.98% dải màu DCI-P3, tốt hơn.
  • Đối với dải màu Rec.2020 (dải màu phổ rộng hơn, và được xác định là tương lai của tivi): tivi LG G3 evo vó độ phủ 72.46% – 75.48%. Trong khi đó, màn hình Samsung QD-OLED có được độ phủ tới 86.06% – 91.39%, tốt hơn.

Như vậy, có thể nói là màn hình Samsung QD-OLED có được khả năng hiển thị màu sắc sống động hơn so với m àn hình META OLED. Ngoài ra, cũng the Rtings, chỉ số chính xác màu (dE) của tivi LG G3 đạt 1,18 trong khi của Samsung S95C đạt 1,16 cho thấy độ chính xác màu của tivi Samsung cũng tốt hơn.

2.3 Về góc nhìn

Theo Rtings, cả hai dòng tivi này đều đạt chất lượng tương đương hướng trực diện (90 độ) cho tới góc nhìn 70 độ. Đây cũng là góc nhìn tốt nhất của tivi trên thị trường hiện nay.

KẾT LUẬN: Màn hình Samsung QD-OLED hay LG META OLED tốt hơn?

Từ những thông tin so sánh trên đây chúng tôi có thể đưa ra kết luận tổng quan rằng:

  • Màn hình LG META OLED có độ sáng màn hình tốt hơn
  • Màn hình Samsung QD-OLED có màu sắc tốt hơn

Tuy vậy, sự khác biệt giữa chất lượng 2 loại màn hình này cũng không thực sự nhiều, và có thể nói “một 9, một 10”. Ngoài ra, chúng ta vẫn cần một thời gian nữa để xem màn hình nào bền hơn cũng là một trong những điều mà người sử dụng sẽ rất quan tâm khi mua tivi.

TIN TỨC LIÊN QUAN

Tin tức về Tivi