Sony vẫn áp dụng triết lý thiết kế OmniBalance có từ thời Xperia Z lên Xperia Z3 ở cách bố trí phím nguồn nằm chính giữa cạnh phải, các phím bấm được chế tác từ kim loại với độ chi tiết cao… nhưng việc bo tròn khung viền máy đã cải thiện khá nhiều cảm giác cầm trên tay. Ngoài ra, việc bo tròn này cũng tạo sự đồng nhất cho màu sắc của máy hơn do loại bỏ phần mặt phẳng có màu khác biệt trên viền máy trên các dòng sản phẩm đời trước.
Bên cạnh Apple và Nokia, Sony là một trong những thương hiệu sản xuất smartphone có chất lượng gia công rất tốt và tỉ mỉ trong từng chi tiết. Các đường nét dù là nhỏ nhất trên nền chất liệu nhôm của viền máy hay mặt kính ở hai mặt trước, sau của Xperia Z3 đều được hoàn thiện và xử lý ở một trình độ rất cao, cho ra một sản phẩm tạo cảm giác rất sang trọng ngay từ khi mới cầm trên tay.
Sony đã rất khéo léo khi ghép viền nhôm của máy với bốn miếng nhựa trong mờ ở bốn góc máy (cùng chất liệu và cách hoàn thiện với Xperia Z3 Compact) có lẽ nhằm giảm thiểu khả năng móp máy hay hạn chế tình trạng cản sóng của nhôm. Các nắp che cổng kết nối, khay nanoSIM cũng được hoàn thiện rất tốt và liền lạc với bộ khung viền của Xperia Z3.
Tuy nhiên Xperia Z3 vẫn có những nhược điểm nhỏ về thiết kế. Đầu tiên, viền máy bằng nhôm với độ nhám tương tự iPhone cộng với hai mặt kính bám vân tay khiến cho cảm giác cầm chiếc máy này trên tay khá khó chịu, đặc biệt đối với những người hay ra mồ hôi. Thêm vào đó, kích thước các phím bấm trên máy khá nhỏ, khó thao tác, đặc biệt là cụm phím tăng giảm âm lượng rất mảnh và ngắn dễ gây nhầm lẫn khi bấm. Việc dồn toàn bộ phím bấm về cạnh phải của Xperia Z3 cũng không phải là một lựa chọn khôn ngoan của Sony khi máy mất đi tính cân bằng và cũng giống như Xperia Z3 Compact, phím chụp ảnh rất dễ vướng vào ngón út khi cầm máy bằng tay trái.
Sau phép thử Galaxy Alpha, Galaxy Note 4 là chiếc Note đầu tiên sở hữu bộ khung nhôm. Tuy nhiên, Samsung vẫn khá “sến” trong thiết kế khi phần viền này bị cắt bởi những dải nhựa nhỏ chống nhiễu sóng khá “vô duyên”.
Bên cạnh đó, các chi tiết gờ nổi lên ở hai cạnh của viền nhôm Galaxy Note 4 dường như để giảm tình trạng cấn phím nhưng lại tạo cảm giác khá thừa thãi khi các phím bấm trên đó đều mảnh. Việc vuốt cong phần viền ở cạnh dưới và cạnh trên (giắc cắm tai nghe) khiến cho Note 4 không toát lên vẻ sang trọng dù có nắp lưng vân da bám tay khá tốt (và cũng chống xước cho mặt sau nữa).
Chạy theo trào lưu chung, Samsung ngoài ứng dụng viền nhôm lên Galaxy Note 4 còn vát cong màn hình của thiết bị này về các phía. Việc này tưởng chừng sẽ giúp cho thao tác trên màn hình máy trở nên “sướng” hơn khi vuốt về các cạnh hay vuốt từ cạnh vào trong màn hình nhưng câu trả lời lại là KHÔNG.
Thật vậy, do phần viền khá sắc và nổi lên trên so với màn hình nên khiến cho các đường vuốt cong trên màn hình Galaxy Note 4 gần như chỉ có tác dụng tăng tính thẩm mỹ cho máy. Với các màu sắc tương ứng, Galaxy Note 4 có viền nhôm được mạ tiệp màu tương tự như cách Sony áp dụng trên Xperia Z2. Tuy nhiên do Note 4 là một trong những thử nghiệm đầu tiên của Samsung với nhôm nên không thể đảm bảo rằng lớp mạ này sẽ tróc cùng năm tháng.
Có nắp pin có thể tháo rời nhưng Galaxy Note 4 tạo cảm giác rất chắc chắn khi cầm trên tay mà không hề ọp ẹp. Nắp lưng này có thiết kế chắc chắn như vậy là do có rất nhiều chốt nằm ở mặt sau, nhưng cũng sẽ là nơi hút bụi vào máy nếu người dùng không để ý kĩ khi lắp lại vào máy. Ngoài ra, một nhược điểm còn tồn tại là các khe hở giữa màn hình và phần khung của Galaxy Note 4 khá rõ rệt, đặc biệt một số máy còn có khe hở bên phải màn hình rộng hơn bên còn lại. Cũng do có thiết kế không nguyên khối nên Galaxy Note 4 không có khả năng chống nước như Xperia Z3 hay ngay cả đàn em Galaxy S5, đây là một thiếu sót không đáng có với một siêu phẩm của Samsung.
Về kích thước, do sở hữu màn hình chỉ 5,2 inch so với 5,7 inch của Note 4 nên Z3 có vẻ ngoài mảnh mai, nhỏ gọn hơn khá nhiều. Thêm vào đó, phần viền màn hình của Xperia Z3 đã mỏng hơn các thế hệ trước khá nhiều, đem lại vẻ thanh thoát hơn cho thiết bị này.
Mặc dù vậy, Galaxy Note 4 với các đường vuốt cong ở mặt lưng và các nét diamond-cut trên khung nhôm lại đem lại cảm giác cầm chắc chắn và thích thú hơn. Trên thực tế, Xperia Z3 khiến tôi khá lo khi cầm trên tay giống như iPhone 6 Plus do cả hai máy đều có mặt lưng bằng phẳng.