1. So sánh tivi Samsung 65CU8000 và LG 65UR9050PSK: Thiết kế và chất lượng hoàn thiện!
Khi đặt lên bàn cân so sánh về thiết kế ngoại hình, cả tivi Samsung 65CU8000 hay tivi LG 65UR9050PSK đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể, LG 65UR9050PSK có phần nhỉnh hơn về độ chắc chắn và cảm giác cao cấp, trong khi Samsung 65CU8000 lại ghi điểm ở sự tinh tế và hiện đại.
1.1. Chất liệu: Nhựa hay kim loại?
Tivi LG 4K 65UR9050PSK sử dụng chất liệu kim loại làm chủ đạo, mang lại cảm giác chắc chắn và bền bỉ khi chạm vào. Chất liệu kim loại không chỉ tạo nên vẻ ngoài sang trọng mà còn giúp tản nhiệt tốt hơn, góp phần tăng tuổi thọ cho sản phẩm.
Ngược lại, Samsung 65CU8000 lại sử dụng chất liệu nhựa là chủ yếu. Mặc dù Samsung đã rất khéo léo trong việc gia công, tạo nên bề mặt nhựa mịn màng và không có cảm giác ọp ẹp, nhưng nhựa vẫn không thể mang lại cảm giác cao cấp như kim loại. Tuy nhiên, việc sử dụng nhựa giúp giảm trọng lượng tổng thể của tivi, thuận tiện hơn trong việc di chuyển và lắp đặt.
1.2. Độ dày thân máy: 65CU8000 ghi điểm với sự mảnh mai ấn tượng!
Cả hai mẫu tivi 65 inch này đều sở hữu độ dày thân máy ấn tượng, chưa đến 3cm. Thiết kế siêu mỏng này không chỉ mang lại vẻ đẹp hiện đại, tinh tế mà còn giúp tiết kiệm không gian, đặc biệt phù hợp với những căn phòng có diện tích khiêm tốn.
Tuy nhiên, độ mỏng này cũng đặt ra một thách thức về chất lượng âm thanh, bởi không gian dành cho loa bị hạn chế. Đây là một điểm mà chúng ta sẽ phân tích kỹ hơn ở phần sau.
1.3. Viền màn hình: tivi Samsung tinh tế hơn!
Đây cũng là điểm mà Samsung 65CU8000 thể hiện sự vượt trội rõ rệt so với LG 65UR9050PSK. Tivi Samsung sở hữu viền màn hình siêu mỏng, gần như không viền, mang lại trải nghiệm xem đắm chìm hơn. Viền mỏng cũng giúp tivi trông hiện đại và tinh tế hơn, phù hợp với xu hướng thiết kế tối giản đang thịnh hành.
Trong khi đó, LG 65UR9050PSK lại có viền màn hình khá dày, đặc biệt là ở cạnh dưới. Điều này khiến tivi trông có phần “cổ điển” hơn, không bắt kịp xu hướng thiết kế hiện đại. Viền dày cũng làm giảm tỉ lệ màn hình so với thân máy, ảnh hưởng đến trải nghiệm xem. Có thể nói, với phần viền màn hình này, Samsung 65CU8000 đang “ăn đứt” LG 65UR9050PSK.
1.4. Chân đế: Linh hoạt hay ổn định!
Smart tivi LG 65UR9050PSK sử dụng chân đế kim loại kết hợp nhựa, mang lại sự chắc chắn và ổn định cho tivi. Chân đế được thiết kế với hình dạng chữ V úp ngược, tạo điểm nhấn cho tổng thể thiết kế. Còn Samsung 65CU8000 sử dụng chân đế hoàn toàn bằng nhựa, nhưng lại có một điểm cộng là khả năng điều chỉnh độ cao. Người dùng có thể nâng tivi lên cao hơn hoặc hạ xuống thấp hơn tùy theo nhu cầu sử dụng. Đây là một tính năng rất hữu ích, đặc biệt khi bạn muốn đặt tivi trên kệ có chiều cao khác nhau. Ngoài ra, chân để của Samsung còn được thiết kế tháo lắp không cần vít, rất thuận tiện cho người sử dụng.
Như vậy, về khoản này, cả Samsung 65CU8000 hay LG 65UR9050PSK đều có ưu điểm riêng, khó mà nói cái nào tốt hơn.
1.5 Kết nối và cổng giao tiếp
Cả hai tivi đều được trang bị ba cổng HDMI, trong đó có một cổng hỗ trợ công nghệ eARC (enhanced Audio Return Channel). eARC cho phép truyền tải âm thanh chất lượng cao từ tivi đến soundbar hoặc hệ thống âm thanh ngoài, mang lại trải nghiệm âm thanh sống động hơn. Tuy nhiên, cả hai đều không hỗ trợ chuẩn HDMI 2.1 đầy đủ. Ngoài HDMI, cả hai tivi đều được trang bị hai cổng USB, cổng mạng LAN, cổng ăng-ten và cổng Optical. Số lượng cổng kết nối này là đủ dùng cho nhu cầu sử dụng thông thường của hầu hết người dùng.
Về kết nối không dây, cả hai tivi đều hỗ trợ Wi-Fi băng tần kép (2.4 GHz và 5 GHz) và Bluetooth. Wi-Fi băng tần kép cho phép kết nối mạng ổn định và nhanh chóng hơn, đặc biệt là khi xem nội dung trực tuyến độ phân giải cao. Bluetooth cho phép kết nối dễ dàng với các thiết bị ngoại vi như tai nghe, loa không dây, v.v.
Giống nhau về cổng giao tiếp, tuy nhiên, ở khía cạnh này tivi LG sẽ có một lợi thế nhỏ do cách bố trí. Trên 65UR9050, LG bố trí các cổng kết nối ở cạnh bên và phía dưới, giúp việc cắm rút dây cáp trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt khi tivi được treo tường. Trong khi đó, smart tivi Samsung 65CU8000 lại bố trí một số cổng kết nối ở phía sau, gây khó khăn khi sử dụng, đặc biệt là khi tivi được treo sát tường. Đây là một điểm trừ nhỏ của Samsung.
2. So sánh tivi Samsung 65CU8000 và LG 65UR9050PSK: Chất lượng âm thanh khác biệt!
Cả hai tivi đều được trang bị hệ thống loa 2.0 kênh với tổng công suất 20W. Đây là mức công suất phổ biến trên các mẫu tivi tầm trung và đủ để lấp đầy âm thanh trong một căn phòng có diện tích vừa phải. Tuy nhiên, thông số kỹ thuật chỉ là một phần của câu chuyện. Trải nghiệm âm thanh thực tế mới là yếu tố quyết định.
LG 65UR9050PSK mang lại âm thanh trong trẻo, rõ ràng với dải âm rộng hơn so với Samsung 65CU8000. Âm bass tuy không quá mạnh mẽ nhưng vẫn đủ để cảm nhận, tạo nên chiều sâu cho âm thanh. Điều này giúp cho việc xem phim, nghe nhạc trên LG 65UR9050PSK trở nên thú vị và hấp dẫn hơn. Có thể nói, về mặt âm thanh, LG có truyền thống làm tốt hơn các mẫu tivi Samsung.
Ngược lại, âm thanh của Samsung 65CU8000 có phần “bí” hơn, thiếu độ chi tiết và dải âm hẹp hơn. Âm bass gần như không có, khiến cho trải nghiệm âm thanh trở nên thiếu sống động. Thường thì Samsung chỉ cải thiện âm thanh cho các dòng tivi tầm trung, còn trên các dòng phổ thông thì hãng không có gì nổi bật.
Cả hai tivi đều được trang bị một số công nghệ âm thanh để cải thiện trải nghiệm nghe, nhưng đều không có Dolby Atmos. LG 65UR9050PSK thì sử dụng công nghệ AI Sound Pro, tự động điều chỉnh âm thanh phù hợp với nội dung đang xem. Samsung 65CU8000 thì sử dụng công nghệ Object Tracking Sound Lite, tạo ra hiệu ứng âm thanh vòm giả lập. Tuy nhiên, các công nghệ này chỉ phần nào cải thiện chất lượng âm thanh, chứ không thể thay thế hoàn toàn cho một hệ thống loa tốt.
Tóm lại, về mặt âm thanh, LG 65UR9050PSK đang làm tốt hơn.
3. Hệ điều hành và trải nghiệm chơi game
Về mặt hệ thống, hai chiếc tivi 65 inch này khá tương đồng với nhau, đều hoạt động ổn định và mượt mà. Tuy nhiên, vì đây là những mẫu tivi 4K giá rẻ nên bạn có thể gặp một chút giật lag trong quá trình sử dụng. Nhưng đừng lo, điều này không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm của bạn đâu. Dù vậy, cần lưu ý rằng đây là tình trạng chung của hầu hết các tivi ở phân khúc giá thấp, bất kể thương hiệu.
Điểm khác biệt giữa chúng là hệ điều hành riêng của từng hãng, mặc dù chức năng tổng thể khá giống nhau. Samsung là Tizen OS, còn LG là webOS. Cảm nhận chung về cả hai hệ điều hành là chúng đều tốt và thường xuyên cập nhật tính năng mới, hầu hết những gì bạn cần – ít nhất là những ứng dụng phổ biến – đều có trên cả hai mẫu tivi. Một tính năng hiện nay rất được ưa chuộng chính là trợ lý giọng nói, và cả hai tivi đều trang bị tính năng này, nhưng bạn vẫn cần sử dụng điều khiển từ xa để kích hoạt.
Tuy nhiên, một điểm cộng nổi bật cho Samsung 65CU8000 là nó có Game Pass để biến thành một thiết bị kết hợp giữa tivi và máy chơi game, vì chỉ cần đăng ký tài khoản và một tay cầm, bạn có thể chơi nhiều tựa game thông qua nền tảng đám mây, sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ cho việc đầu tư PS5, Xbox series hay PC gaming.
Nhưng ngược lại, nếu bạn đã có một thiết bị chơi game mạnh mẽ, thì LG 65UR9050PSK lại trở thành một lựa chọn hoàn hảo hơn vì nó có Game Bar đầy đủ tính năng, giúp người dùng dễ dàng thay đổi thông số game để có trải nghiệm phù hợp hơn.
4. So sánh tivi Samsung 65CU8000 và LG 65UR9050PSK: Chất lượng hình ảnh!
Cả hai mẫu tivi 4K này đều được nhà sản xuất trang bị tấm nền VA, không có Dolby Vision vì chúng chủ yếu tập trung vào các định dạng HDR đơn giản hơn như HDR10. Về trải nghiệm hình ảnh, 65CU8000 và 65UR9050 cho thấy khá nhiều điểm tương đồng nhưng vẫn có sự khác biệt nhỏ. Ví dụ, màu sắc trên tivi Samsung thường rực rỡ hơn, mang lại độ bão hòa cao hơn và có cảm giác sống động hơn, trong khi tivi LG thiên về tính chân thực hơn lại khiến nó có vẻ nhạt nhòa, kém nổi bật khi đặt cạnh 65CU8000.
Về độ sáng, cả hai tivi gần như tương đương nhau. Đây là điểm khá điể hình cho các mẫu tivi cơ bản, tức là chúng hoạt động tốt trong môi trường ánh sáng kiểm soát hoặc hoàn toàn tối. Nhưng nếu bạn đặt tivi trong một không gian quá sáng, có thể độ sáng của màn hình sẽ không đủ và bạn sẽ thấy nhiều phản chiếu hơn là hình ảnh mà tivi đang chiếu. Đây là điều dễ hiểu đối với những mẫu tivi ở phân khúc phổ thông, và điều đó không thay đổi bất kể bạn chọn mẫu mã hay thương hiệu nào.
Chuyển sang độ tương phản, cả hai lần nữa thể hiện sự tương đồng, và đều ở mức chấp nhận được, độ sâu màu đen tương đương và ít bị hiện tượng hở sáng. Nhưng tivi LG 65 inch 65UR9050PSK có một lợi thế với tính năng local dimming, giúp cải thiện độ tương phản và làm cho độ sâu màu đen tốt hơn. Hơi đáng tiếc là nó là loại Edge-Lit local dimming, là một phiên bản đơn giản hơn Direct-Lit local dimming và Full-array local dimming, và không phải ai cũng thích nó. Nhưng nếu bạn có không thích, thì cũng chỉ cần tắt nó đi là xong. Dù sao, cũng phải thừa nhận rằng đây là một tính năng thực sự hay ho trên chiếc tivi LG 4K giá rẻ này, và nếu thiết lập đúng cách, nó có thể mang lại sự cải thiện đáng kể về độ tương phản, làm cho hình ảnh trở nên đẹp hơn rất nhiều.
Khách quan mà nói, hình ảnh trên cả hai chiếc tivi 65 inch này đều không có gì quá bất ngờ, chúng mang đến chất lượng hình ảnh tốt như mong đợi, nhưng LG 65UR9050 có một vài điểm nổi bật hơn với tính năng điều chỉnh ánh sáng cục bộ, trong khi Samsung 65CU8000 cung cấp màu sắc rực rỡ hơn. Vì vậy, bạn cần xác định rõ nhu cầu của mình là gì.
Cuối cùng, một yếu tố quan trọng khác cần xem xét là khả năng nâng cấp hình ảnh (upscaling) nếu như bạn có thói quen xem nội dung tryền hình, Youtube. Ở điểm này, tivi LG 4K 65UR9050 có chút lợi thế vì bộ xử lý Alpha 5 Gen 6 mạnh mẽ hơn so với bộ xử lý Crystal 4K của Samsung 65CU8000, giúp tạo ra hình ảnh sắc nét hơn khi xem các chương trình truyền hình. Nhưng hãy nhớ rằng cả hai mẫu này đều là những chiếc tivi 4K giá cả phải chăng, tập trung ào hiệu suất chi phí, nên không thể nào so sánh chất lượng hình ảnh sau khi upscale của nó có thể đạt được chất lượng như nội dung 4K Netflix đâu nhé.
5. Nên mua tivi Samsung 65CU8000 hay LG 65UR9050PSK?
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy rằng cả Samsung 65CU8000 và LG 65UR9050PSK đều là những lựa chọn đáng cân nhắc trong phân khúc tivi phổ thông. Mỗi chiếc tivi đều có những ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với những nhu cầu và sở thích khác nhau của người dùng.
Nếu bạn ưu tiên thiết kế mỏng nhẹ, viền màn hình siêu mỏng và khả năng điều chỉnh độ cao chân đế linh hoạt, Samsung 65CU8000 sẽ là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đến chất lượng âm thanh chưa thực sự ấn tượng trên mẫu này. Giá bán tham khảo: 11,200,000 đồng.
Ngược lại, nếu bạn đề cao chất lượng âm thanh, độ chắc chắn trong thiết kế và sự tiện lợi trong việc bố trí cổng kết nối, LG 65UT9050PSK sẽ là lựa chọn đáng giá hơn. Tuy nhiên, bạn cần chấp nhận viền màn hình dày hơn và thiết kế có phần ‘truyền thống’ hơn so với Samsung 65CU8000. Giá bán tham khảo: 12,400,000 đồng.
Tóm lại, việc lựa chọn giữa hai mẫu tivi này phụ thuộc vào nhu cầu và sở thích cá nhân của bạn. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng những ưu điểm và nhược điểm của từng sản phẩm để đưa ra quyết định phù hợp nhất.