Công nghệ mini LED đang dần khẳng định vị thế của mình, mang đến chất lượng hình ảnh ấn tượng với độ sáng cao và độ tương phản tốt. Samsung, với dòng 65QN90F, là một trong những tên tuổi lớn trên thị trường tivi cao cấp. Tuy nhiên, TCL, một thương hiệu đang nổi lên nhanh chóng, cũng không hề kém cạnh với mẫu 65C7K, hứa hẹn mang đến trải nghiệm tương tự với mức giá dễ tiếp cận hơn. Vậy thì, giữa “người thống trị” và “kẻ thách thức”, đâu mới là lựa chọn mua sắm đúng đắn nhất với bạn?
1. So sánh thiết kế, cổng kết nối và thông số kỹ thuật
Về mặt thiết kế tổng thể, cả Samsung 65QN90F và TCL 65C7K đều mang dáng vẻ hiện đại và sang trọng. Khi nhìn từ phía trước, sự khác biệt lớn nhất nằm ở logo và vị trí đặt logo của mỗi hãng. Cả hai tivi 65 inch này đều được trang bị viền kim loại bao quanh, tạo cảm giác cao cấp và chắc chắn.

Một điểm khác biệt đáng chú ý là thiết kế chân đế. Cả hai đều được thiết kế ở vị trí trung tâm, có không gian cho việc đặt soundbar phía trước. Tuy nhiên, chân đế của tivi TCL 65C7K có khả năng điều chỉnh độ cao, cho phép người dùng đặt các soundbar cao hơn một chút để soundbar không chắn mất tầm nhìn.
Khách quan mà nói, mặc dù chân đế của Samsung 65QN90F trông đẹp mắt hơn, nhưng TCL 65C7K lại tỏ ra ưu việt hơn khi có các rãnh đi dây gọn gàng.
Khi nhìn từ cạnh bên, sự khác biệt về thiết kế trở nên rõ ràng hơn. Tivi Samsung 65QN90F có thiết kế mỏng hơn đáng kể, mang đến vẻ ngoài thanh thoát và tinh tế. Dù TCL 65C7K có phần dày hơn nhưng đây là chủ ý của nhà sản xuất để tích hợp hệ thống âm thanh mạnh mẽ hơn.
Nếu bạn không quan tâm đến chân đế và muốn treo tivi lên tường, cả hai mẫu đều hỗ trợ chuẩn VESA cho các loại giá treo tường.
Cổng kết nối cần thiết của cả hai mẫu khá tương đồng, bao gồm:
- 4 cổng HDMI 2.1 tốc độ cao (cho PS5, Xbox, PC gaming)
- 1 cổng USB 3.0
- Cổng ăng-ten
- Cổng LAN
- Cổng Optical
Về tần số quét, cả hai tivi Mini-LED này đều có tần số quét rất cao, lý tưởng cho game thủ. Samsung 65QN90F hỗ trợ tần số quét lên đến 165Hz, trong khi TCL 65C7K còn ấn tượng hơn với tần số quét 244Hz ở độ phân giải Full HD. Rõ ràng, TCL 65C7K có lợi thế hơn nếu bạn là một game thủ PC chuyên nghiệp. Các công nghệ hỗ trợ cũng bao gồm VRR (Variable Refresh Rate), G-Sync và FreeSync Premium Pro để giảm thiểu tình trạng xé hình và giật hình khi chơi game.
2. Phần mềm và hệ điều hành
Tizen OS của Samsung nổi tiếng với giao diện trực quan, màu sắc tươi sáng và tốc độ phản hồi nhanh. Hệ điều hành này cung cấp đầy đủ các ứng dụng streaming phổ biến và dễ sử dụng.

Ưu điểm lớn nhất của Tizen là khả năng tương thích với hệ sinh thái Samsung SmartThings, cho phép bạn điều khiển các thiết bị thông minh Samsung khác trong nhà như máy giặt, máy rửa bát, robot hút bụi,…, để tạo ra một hệ sinh thái thông minh. Ngoài ra, Tizen cũng hỗ trợ Xbox Cloud Streaming, cho phép bạn chơi game Xbox trực tiếp trên tivi mà không cần máy console.
TCL 65C7K sử dụng phiên bản Google TV sạch và mượt mà, mang lại khả năng tương thích liền mạch với các thiết bị Android. Google TV cũng có một trong những thư viện ứng dụng lớn nhất hiện nay. Mặc dù không có Xbox Cloud Streaming, nhưng nó hỗ trợ dịch vụ game streaming khác là GeForce Now.

Cả hai hệ điều hành này đều cung cấp nhiều tùy chỉnh và cài đặt nâng cao, cũng như hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói. Tuy nhiên, Google Assistant vẫn là trợ lý ảo hàng đầu hiện nay và nếu Google tích hợp Gemini vào Google TV, trải nghiệm AI trên tivi sẽ đạt đến một tầm cao mới.
Đối với người dùng iPhone, cả hai tivi đều hỗ trợ AirPlay. Tuy nhiên, Google tivi TCL QD-Mini LED 4K 65 inch 65C7K còn vượt trội hơn khi hỗ trợ HomeKit mà không cần phần mềm của bên thứ ba.
3. So sánh chất lượng âm thanh
Smart tivi Samsung Neo QLED 4K 65 inch QA65QN90F có công suất 60W với hệ thống 4.2.2 kênh. Chất lượng âm thanh tập trung vào các tần số cao và trung, giúp giọng hát rõ ràng và nổi bật. Âm bass có nhưng không quá mạnh mẽ. Nhìn chung, chất lượng âm thanh của Samsung 65QN90F khá ấn tượng so với độ mỏng của tivi.

TCL 65C7K được trang bị hệ thống loa 2.1 kênh, công suất 60W, được tinh chỉnh bởi Bang & Olufsen, một công ty âm thanh nổi tiếng của Đan Mạch. Nhờ vào thiết kế dày hơn, tivi có không gian để loa rung động và tạo ra âm bass sâu hơn. Chất lượng âm thanh cũng rất rõ ràng ở dải trung và cao. Ngoài ra, TCL 65C7K còn hỗ trợ Dolby Atmos, DTS Virtual X và công nghệ upmixing, giúp biến âm thanh stereo thành âm thanh vòm ảo.
Nếu bạn không có ý định sử dụng loa ngoài, TCL 65C7K sẽ là lựa chọn tốt hơn về chất lượng âm thanh.
4. So sánh chất lượng hiển thị
Đây là yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua tivi. Hai mẫu tivi mini LED này đều hứa hẹn mang đến chất lượng hình ảnh vượt trội.
Khi xem nội dung 4K HDR, TCL 65C7K, mặc dù có giá thấp hơn đáng kể Samsung 65QN90F, nhưng vẫn là một đối thủ đáng gờm. Ở cài đặt mặc định, độ bão hòa màu trên TCL 65C7K có phần nhỉnh hơn, độ phủ DCI-P3 97% so với 93,16% của 65QN90F, giúp các cảnh quay nhiều màu sắc trở nên sống động hơn. Tất nhiên, cả hai tivi đều có nhiều tùy chọn điều chỉnh màu sắc, nhưng Samsung còn có chế độ AI, tự động điều chỉnh màu sắc theo nội dung hiển thị.

Về độ sáng tối đa, Samsung 65QN90F nhỉnh hơn, đạt 2.552 nits ở cửa sổ HDR 10%, tivi TCL chỉ được 1.700 nits. Độ sáng cao hơn cho nên nội dung HDR cũng được 65QN90F tái tạo sống động hơn, các cảnh tối cũng ấn tượng hơn. Dù vậy, TCL 65C7K cũng không tỏ ra thua kém quá nhiều với công nghệ “All Domain Halo Control”, một thuật toán local dimming giúp giảm thiểu hiện tượng hở sáng.

Cả hai tivi đều sử dụng tấm nền mini LED full array, có khả năng tắt các vùng đèn nền khi không cần thiết. Số lượng vùng làm mờ cục bộ (dimming zones) của tivi TCL là 1008, còn tivi Samsung là 720. Tuy có sự chênh lệch về số lượng vùng, nhưng Samsung bằng kinh nghiệm lâu năm vẫn chứng tỏ được khả năng kiểm soát ánh sáng tốt. Khi xem các chi tiết phức tạp như da thuộc trên túi golf, cả hai đều hiển thị được đầy đủ chi tiết ở cả vùng sáng và vùng tối.
Khách quan mà nói, cả hai mẫu tivi 65 inch này đều cho trải nghiệm hình ảnh cực kỳ ấn tượng, và việc đánh giá model nào tốt hơn hoàn toàn phụ thuộc vào cảm quan cá nhân của từng người. Tuy nhiên, nếu xét đến một số yếu tố nhỏ hơn như khả năng chống phản chiếu thì Samsung QA65QN90F sẽ có ưu thế hơn nhờ lớp phủ Glare Free cực kỳ xuất sắc. Bên cạnh đó, khả năng nâng cấp nội dung độ phân giải thấp với AI của Samsung cũng tốt hơn, xử lý được nhiều chi tiết nhỏ hơn (tuy đôi khi có thể tạo ra các lỗi hình ảnh nhỏ ở vùng quá sáng).
Còn về góc nhìn, cả hai đều kém như nhau. Tuy TCL quảng bá rằng công nghệ tấm nền mới HVA có thể cải thiện được góc nhìn so với tấm nền VA nhưng thực tế mức độ cải thiện là rất nhỏ.
5. Nên mua tivi TCL 65C7K hay Samsung 65QN90F?
Dưới đây là tổng hợp các ưu và nhược điểm của từng mẫu tivi, dựa trên đánh giá chủ quan:
Samsung QA65QN90F
Ưu điểm:
- Thiết kế mỏng hơn
- Hệ thống loa 4.2.2 kênh đủ tốt
- Chân đế kim loại chắc chắn
- Độ sáng cao hơn
- Lớp phủ chống phản chiếu tốt
- AI upscaling sắc nét
Nhược điểm:
- Giá cao hơn TCL khá nhièu
- Có thể xuất hiện lỗi hình ảnh khi upscale
TCL 65C7K
Ưu điểm:
- Giá cả phải chăng hơn
- Hệ thống loa Bang & Olufsen mạnh mẽ, âm trầm tốt hơn
- Chân đế điều chỉnh được độ cao và có quản lý đi dây
- Hỗ trợ tần số quét 244Hz (ở độ phân giải Full HD)
- Công nghệ All Domain Halo Control ấn tượng
- Hỗ trợ nhiều định dạng âm thanh
- Nhiều chế độ hình ảnh chuyên dụng
- Hỗ trợ Google TV và HomeKit
Nhược điểm:
- Thiết kế dày hơn
- Không có lớp phủ chống phản chiếu tốt bằng Samsung
- Âm lượng có thể chưa đủ lớn với một số không gian lớn.
Từ các đánh giá ở trên, ta có thể đi đến kết luận rằng cả 65QN90F lẫn 65C7K đều là những mẫu tivi đáng sắm sửa, và lựa chọn thế nào phụ thuộc vào ngân sách cũng như nhu cầu sử dụng cụ thể của bạn.
- Samsung QA65QN90F thể hiện rõ giá trị cao cấp của mình với ngoại thất sang trọng, chất lượng hình ảnh tuyệt vời và nhiều tính năng thông minh. Giá bán tham khảo 31,880,000 đồng.
- TCL 65C7K mang đến trải nghiệm không hề kém cạnh với mức giá dễ tiếp cận hơn, và có hiệu suất gaming đặc biệt hấp dẫn cho những ai cần. Giá bán tham khảo 25 triệu đồng.