Xu thế của thế giới hiện nay là bảo vệ mội trường, sử dụng năng lượng sạch, vì vậy xe điện được sản xuất và sử dụng ngày càng nhiều trong đời sống. Các bạn học sinh sử dụng xe đạp điện đi học, người lớn sử dụng xe máy điện đi làm, có người lại sử dụng ô tô điện. Tuy nhiên chúng ta vẫn hay gọi tên nhầm xe đạp điện thành xe máy điện, vậy làm sao để phân biệt giữa 2 loại xe này. Hãy cùng chúng tôi so sánh xe đạp điện và xe máy điện khác nhau thế nào nhé.
1. Phân biệt xe đạp điện và xe máy điện
Căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Giao thông vận tải về xe máy điện và xe đạp điện có thể phân biệt qua một số đặc điểm sau:
Xe đạp điện | Xe máy điện | |
Cách vận hành | Xe đạp điện sử dụng động cơ điện và có bàn đạp trợ lực, nếu hết điện dùng bàn đạp vẫn có thể di chuyển được. | Xe máy điện chỉ sử dụng động cơ điện để di chuyển, trong trường hợp chết máy phải dắt bộ. |
Công suất động cơ | Nhỏ hơn hoặc bằng 4Kw | Nhỏ hơn hoặc bằng 250Kw |
Vận tốc tối đa | 25 Km/h | 50 Km/h |
Loại phanh | Phanh đĩa và Phanh tang trống | Phanh dầu và Phanh cơ |
Trọng lượng xe | Thường nhỏ hơn 40Kg | Thường lớn hơn 40Kg |
Quãng đường di chuyển tối đa | 25 – 40 Km | 70 – 90 Km |
Đăng ký | Không cần đăng ký biển số | Bắt buộc đăng ký biển số |
Độ tuổi điều khiển phương tiện | Không quy định độ tuổi | Phải trên 16 tuổi |
Giá thành | 5 – 15 triệu đồng | trên 10 triệu đồng |
2. Nên mua xe đạp điện hay xe máy điện?
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại xe đạp điện và xe máy điện đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Chúng ta dễ sa vào tình huống mua thừa nhu cầu sử dụng gây nên tình trạng lãng phí. Để lựa chọn đúng chiếc xe phù hợp với mình, các bạn có thể tham khảo các tiêu chí sau đây trước khi quyết định chọn mua xe.
+Nhu cầu đi lại
Người dùng căn cứ vào nhu cầu đi lại quãng đường dài hay ngắn và vận tốc trung bình để lựa chọn. Thông thường xe đạp điện có vận tốc thấp khoảng 25 km/h và quãng đường 40km cho 1 lần sạc. Theo đó xe đạp điện sẽ phù hợp cho các bạn học sinh di chuyển từ nhà đến trường, đi học thêm, đi chơi trong thành phố là vừa đủ trong 1 lần sạc, hoặc các bà các mẹ có thể dùng để đi chợ, đưa đón con cháu đi học. Vì tốc độ chậm nên xe đạp điện an toàn hơn xe máy điện.
Còn đối với xe máy điện, tốc độ trung bình và quãng đường đi mỗi lần sạc gần tương đương với xe máy chạy xăng. Vì tốc độ nhanh cộng thêm việc xe đi lướt, tăng tốc nhanh sẽ khá nguy hiểm nếu chưa đi quen. Vì vậy sẽ phù hợp với các bạn sinh viên đi học, đi làm thêm, hoặc người lớn đi làm trong thành phố.
+Thiết kế và tải trọng xe
Thiết kế của xe đạp điện thường đơn giản, giống với xe đạp truyền thống vì vẫn giữ lại bàn đạp trợ lực. Trọng lượng xe cũng nhẹ hơn nhiều so với xe máy điện. Tải trọng xe không cao, chỉ đủ để chở 1 người ở yên sau hoặc hàng hóa nhẹ nhàng. Cộng thêm việc không quy định độ tuổi điều khiển, xe đạp điện phù hợp với các bạn học sinh cấp 2, cấp 3.
Trong khi đó xe máy điện ngày nay có thiết kế càng ngày càng bắt mắt, vài mẫu xe có thiết kế giống các mẫu xe ga đắt tiền, thậm chí còn giống các mẫu xe phân khối lớn. Tải trọng xe máy điện cũng khá lớn tối đa có lên tới 150 kg, còn thường sẽ lớn 100 kg. Chỗ ngồi rộng rãi, nhiều tiện ích đi kèm. Chắc chắn xe máy điện phù hợp với người đã đi làm, những bạn trẻ năng động.
3. Tổng kết
Với những tổng hợp trên, mình hy vọng đã giúp các bạn phân biệt được xe đạp đạp điện và xe máy điện và lựa chọn được cho mình một chiếc xe ưng ý. Các bạn học sinh cấp 2, cấp 3 nên ưu tiên sử dụng xe đạp điện. Sinh viên, người đã đi làm thì phù hợp với xe máy điện hơn. Lưu ý xe máy điện có đặc điểm là lướt đi rất nhanh, tăng tốc nhanh, đi êm không phát ra âm thanh lớn, vì vậy người lớn tuổi, người không chắc tay lái không nên sử dụng, rất dễ gây tai nạn.