Thiết kế
Sony Glass Sound Speaker LSPX-S2 khiến chúng ta nhớ đến một kiệt tác đã bị lãng quên từ lâu, chiếc TV OLED XEL-1 10 inch của Sony dành cho PC hồi năm 2008. Và điểm chung giữa chúng là gì? Đó là sự đột phá về thiết kế.
Phải thừa nhận rằng trong tất cả các mẫu loa bluetooth từ trước đến giờ mình chưa thấy mẫu loa nào độc đáo như LSPX-S2 cả. Nét đẹp của nó phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố ánh sáng: nếu đặt ở nơi có ánh sáng mạnh nó trông hơi buồn cười, nhưng ở điều kiện ánh sáng yếu và loa nhấp nháy đèn thì nó lại đẹp mê hồn luôn ý chứ.
LSPX-S2 được làm từ chất liệu nhôm, gia công rất tốt và bởi nằm ở phân khúc cao cấp nên độ hoàn thiện của nó cực kỳ tỉ mỉ, được Sony trau chuốt cẩn thận. Nó không phải là mẫu hình loa bluetooth để bạn ‘quẩy’ cùng bạn bè, cuồng nhiệt với những bản nhạc mà mang tính chất lãng mạn nhiều hơn, chỉ nhìn vào hình thức cũng có thể phán đoán nó cực hợp với những bản nhạc nhẹ nhàng, tình cảm như Bolero, Jazz rồi.
Phần đáy loa được bọc một lớp vải mềm để có chất lượng tiếp xúc mặt phẳng tốt nhất. Trên phần này có khe cắm USB-C để sạc (pin của LSPX-S2 có thể trụ 8 giờ mỗi lần sạc), cổng 3.5 mm để kết nối trực tiếp với nguồn phát. Bên cạnh 2 cổng này có các ký hiệu màu trắng là các nút bấm ẩn để thao tác với bản nhạc và kết nối.
Nhìn tổng thể thì to mà trọng lượng của LSPX-S2 lại khá nhẹ, chỉ có 1,1 kg. Trọng lượng này chỉ tương đương với cục chặn giấy nhưng độ an toàn thì không thể bằng được. Thành thật mà nói nhìn thấy chiếc loa Sony này mình có luôn suy nghĩ là nó khá ‘mỏng manh dễ vỡ’, trong lúc vô ý quệt tay một cái thì thôi rồi lượm ơi.
Nửa dưới loa gồm driver 35mm đảm nhiệm dải trung âm, cổng cộng hưởng bass ở dưới đây. Ống thủy tinh hữu cơ ngoài tác dụng thẩm mỹ còn đóng vai trò tweeter thông qua bộ rung động tích hợp, tương tự cơ chế biến màn hình thành loa của một số mẫu TV OLED. Bên trong ống thủy tinh có bóng đèn LED với 32 chế độ sáng khác nhau, có thể điều khiển thông qua phần mềm điện thoại.
Hiệu suất
Vì là một chiếc loa bluetooth kiêm vật trang trí nên hiệu suất của LSPX-S2 cũng tùy thuộc vào việc nơi bạn đặt nó, cộng thêm hoàn cảnh sử dụng nữa. Chẳng hạn bạn muốn có một bữa tối lãng mạn cùng người thương thì chiếc loa này là trợ lực không thể thích hợp hơn, bạn có thể đặt nó ở giữa bàn, dưới ánh nến lung linh và âm thanh 360 bao trùm thì không khó để thắp lửa tình cảm đâu nhé.
Ngoài ra bạn có thể đặt nó ở trên đầu giường để làm chiếc đèn ngủ luôn. Trên loa có chức năng hẹn giờ để bạn dùng trong trường hợp này. Hoặc bạn đặt nó trên bàn làm việc cũng được, ánh sáng của nó đủ mạnh để bạn đọc sách và làm việc.
Chốt, có nên mua Sony Glass Sound Speaker LSPX-S2 hay không?
Với LSPX-S2, mình rất ấn tượng với thiết kế của nó, vừa có thể tôn lên sự sang trọng của không gian bài trí vừa có tác dụng cộng hưởng âm, tạo ra âm thanh 360 bao trùm. Tuy nhiên, thiết kế này cũng lại là nhược điểm của nó, sự linh hoạt bị tước đi, phạm vi lan tỏa cũng không rộng, chất âm ở mức trung bình, trên hết là giá quá chát.
Với mức giá 12.990.000 đồng, chắc hẳn đến 98% người dùng sẽ lờ đi sản phẩm này bởi tầm giá đó hoàn toàn có thể sắm được những em loa bluetooth chất âm ngon lành hơn mà giá không ‘chua’ đến vậy, như Marshall Woburn, Beolit 17, Bose Home Speaker 500. 2% còn lại là những người có điều kiện muốn tìm kiếm sự đột phá mới mẻ.