Ngoài những khác biệt trong thành phần các dưỡng chất thì thông thường sữa công thức sẽ ngọt hơn sữa mẹ khá nhiều, trừ một số loại sữa mà nhiều mẹ gọi là “sữa rau” vì công thức chất tương đương sữa mẹ.
Vậy tại sao các sữa công thức lại thường ngọt hơn sữa mẹ và có loại sữa ngọt trong khi cũng có những loại sữa nhạt?
Nguyên nhân sữa công thức ngọt có thể bắt nguồn từ sở thích đồ ngọt của trẻ em.
Cụ thể, nếu bạn hỏi một đứa trẻ nó có thích kẹo hoặc bánh ngọt không thì phải 95% đều nói là “có” với vẻ thích thú.
Bằng chứng khoa học chỉ ra rằng, không chỉ nghiện đồ ngọt hơn người lớn, trẻ em còn thích ăn đồ ngọt ngay từ những ngày đầu chào đời. “Chúng ta biết rằng, một đứa trẻ mới sinh có thể phát hiện được vị ngọt. Đây là một phản ứng sinh học cơ bản của trẻ dù chúng chưa từng được học các vị mặn hay ngọt. Nó có từ trước khi sinh”, Julie Mennella đến từ trung tâm Monell Chemical Senses giải thích.
Bởi thế nên các loại sữa bột công thức thay thế sữa mẹ đều “bí mật” tăng vị ngọt lên chút ít so với sữa mẹ để “dụ khị” vị giác của trẻ. Đã có vô số trường hợp các bé sau khi được “nếm vị” sữa công thức đã quay ra “tẩy chay” sữa mẹ do sữa mẹ nhạt hơn “sữa ngoài”.
Chính vì thế, chúng ta có thể thấy rằng nếu như bé đang uống một loại sữa nhạt tương tự sữa mẹ mà chuyển sang sữa có độ ngọt hơn thì rất khó có thể dụ bé uống loại sữa nhạt trở lại.
Uống sữa bột công thức ngọt có hại gì không?
Mặc dù gọi là ngọt nhưng các loại sữa công thức đều đạt các quy định về mức thành phần các chất từ WHO cũng như quy định riêng về y tế của từng nước cũng như khu vực khác nhau. Do đó, các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm khi chọn sữa công thức cho con uống.
Tuy vậy, với một số bé nhạy cảm thì việc uống sữa công thức có độ ngọt nhiều hơn thường kèm theo một số vấn đề về tiêu hóa mà đơn cử là táo bón. Do đó, khi chọn sữa công thức cho con em, các mẹ cũng cần hết sức cân nhắc.