Xe đạp thể thao vốn được ưa chuộng và sử dụng phổ biến ở các nước trên thế giới. Gần đây, đi xe đạp thể thao cũng trở thành xu hướng của giới trẻ Việt Nam bởi ưu điểm gọn, nhẹ, tốc độ nhanh, phong cách và cá tính. Không chỉ có vậy, xe đạp thể thao cũng trở thành phương pháp tập thể dục tiết kiệm và hiệu quả đối với nhiều người. Cũng như nhiều dòng xe khác, xe đạp thể thao cũng chia thành nhiều loại khác nhau, mỗi loại đều có các đặc điểm riêng phù hợp với từng mục đích sử dụng. Hiểu rõ về từng loại xe này, sẽ giúp bạn có lựa chọn phù hợp, đúng đắn khi quyết định “tậu” cho mình một chiếc xe thể thao.
1. Road bike – xe đạp đua
Đặc điểm đầu tiên thấy được ở chiếc xe này là hình dáng thanh mảnh, tay lái dạng sừng, lốp nhỏ, mỏng, khung nhẹ để giảm trọng lượng và ma sát, yên xe được thiết kế để người lái hơi chúi đầu về phía trước nhằm giảm lực cản của gió. Sở dĩ loại xe này có thiết kế như vậy là để ưu tiên cho tốc độ, giúp xe đạt được vận tốc lớn nhất trên các đoạn đường bằng phẳng (phù hợp với đi trong thành phố). Nhược điểm của Road Bike là bám đường kém, dễ trơn trượt, dễ bị trầy xước vành, thủng lốp trên các đoạn đường gập ghềnh, hiểm trở.
2. Moutain bike (MTB) – xe địa hình
Moutain bike hay còn có tên gọi phổ thông là xe địa hình được thiết kế với mục đích khám phá, chinh phục các địa hình gồ ghề, hiểm trở. Với mục đích này, nên độ an toàn, bám đường và giảm sóc là các yếu tố được ưu tiên trong thiết kế. Moutain bike thường có lốp to, kiểu dáng hầm hố, tay lái có dạng thẳng hoặc cánh én. Sử dụng loại xe này, bạn sẽ bớt lo âu về các vấn đề sập ổ gà, ổ voi thủng lốp. Đương nhiên, với thiết kế như vậy thì tốc độc của loại xe này sẽ không thể bẳng Road bike. Đi loại xe này, bạn cũng phải ngồi cao hơn, với ghi đông thiết kế thẳng, đây cũng là sự lựa chọn hợp lý cho những người bị bệnh đau lưng thay vì phải ngồi còng lưng trên road bike.
3. Touring bike
Đây là dòng xe dành cho những ai đam mê “ du sơn, ngoạn thủy”, chuyên để đi phượt trên các đoạn đường dài, xa. Trọng lượng xe không quá nặng, sườn xe cứng, vành xe rắn chắc, hệ thống phanh thắng, líp, ghi đông là loại chất lượng cao. Xe có đòn dài, tiện dụng cho việc mang theo đồ đạc. Loại xe này thường được trang bị thêm các giá đèo hàng để có thể mang thêm hành lý trong các chuyến đi dài ngày.
4. Crossing/ hybrid bike
Loại xe này là sự kết hợp giữa xe địa hình (MTB) và xe đua (RB), phù hợp với cung đường ngắn, bằng phẳng. Xe có thiết kế khung mảnh, lốp êm ái, tốc độ của dòng xe này nhanh hơn MTB và tư thế ngồi dễ chịu hơn RB, đây là sự lựa chọn tốt để đi trong thành phố với vận tốc nhanh và thoải mái.
5. BMX – Bicycle motocross
Đây là dòng xe dành cho những ai đam mê trình diễn thể thao mạo hiểm với xe địa hình. Xe có kiểu dáng nhỏ gọn, khung chịu lực cao thường được làm bằng thép, bánh từ 16 – 26 inch, phổ biến là 20inch.
6. Fix bike
Fix bike rất được ưa chuộng bởi giới trẻ, đây là loại xe đạp tinh giản, thuần nhất, mọi chi tiết không cần thiết đều được lược bỏ gần hết như: phanh, đề, chân chống…
7. Folding Bike – Xe đạp gấp
Loại xe đạp gấp ra đời để khắc phục nhược điểm về cồng kềnh, chiếm diện tích của những chiếc xe đạp thông thường. Nó có thể được gấp gọn và xếp lại tiện lợi.