Là dòng sản phẩm không phổ biến tại Việt Nam, nhưng để phục vụ nhu cầu của những người tiêu dùng, các thương hiệu, mà đơn cử là Samsung đang dần đưa khái niêm máy sấy bơm nhiệt tới gần hơn đời sống của người tiêu dùng.
Vậy máy sấy quần áo bơm nhiệt là gì? Có khác biệt gì so với các dòng máy sấy quần áo thông thường khác? Hãy cùng Websosanh tìm hiểu và cho mình câu trả lời.
1. Máy sấy quần áo bơm nhiệt Heatpump là gì?
Như chúng ta đã biết, trên máy sấy quần áo loại thông hơi và ngưng tụ, người ta sử dụng một bộ phận để làm nóng không khí, đây là một thanh điện trở, có tác dụng biến điện năng thành nhiệt năng, rồi nung nóng gián tiếp không khí đi qua. Việc sử dụng công nghệ này thường đi kèm với lãng phí điện năng vì bản thân thanh điện trở có sự hao phí khi chuyển từ điện năng thành nhiệt năng.
Để mang tới cho người sử dụng một dòng máy sấy quần áo vừa đáp ứng sấy tốt quần áo, vừa đảm bảo tiết kiệm điện thì các nhà sản xuất đã phát triển một công nghệ mới: sử dụng môi chất để làm nóng không khí, công nghệ này tương tự như trên điều hòa nhiệt độ ở chiều sưởi ấm.
Khi đó việc sử dụng môi chất sẽ giúp tăng cường hiệu quả làm nóng không khí, lại góp phần tiết kiệm điện năng.
2. Cấu tạo của máy sấy quần áo bơm nhiệt
Cấu tạo của máy sấy quần áo bơm nhiệt cơ bản như hình dưới đây:
Trong đó:
1. Lồng sấy
2. Tấm lọc bụi và vải thừa
3. Luồng khí nóng
4. Bộ phận ngưng tụ hơi nước thành chất lỏng xuống khay chứa nước
5. Khay chứa nước ngưng tụ
6. Máy nén
8. Dàn trao đổi nhiệt
9. Quạt hút/thổi gió
10. Luồng không khí nóng ẩm
Theo đó, khi bắt đầu hoạt động, lồng sấy sẽ quay đi kèm với đó là việc luân chuyển luồng không khí bên trong buồng sấy. Không khí đi qua dàn trao đổi nhiệt sẽ được làm nóng, từ đó đi vào lồng sấy nhờ quạt hút gió. Luồng không khí nóng tách vào lồng sấy tách nước từ quần áo, và được đẩy ra khỏi lồng tới vị trí của bộ phận ngưng tụ.
Ở bộ phận ngưng tụ, hơi nước được ngưng tụ thành dạng lỏng, rơi xuống khay chứa, trong khi đó, luồng khí lại tái di chuyển tới dàn trao đổi nhiệt và tiếp tục quy trình…cứ thế cho tới khi quần áo được lấy nước hết hoặc một phần tùy chế độ cài đặt của người sử dụng.
3. Ưu nhược điểm của máy sấy quần áo bơm nhiệt
Với cấu tạo của mình, máy sấy quần áo bơm nhiệt có khá nhiều các ưu điểm như:
– Sấy khô quần áo tốt (đương nhiên)
– Tiết kiệm điện vượt trội so với các công nghệ sấy khác, theo trung bình, để sấy khô 1 kg quần áo ướt, máy sấy bơm nhiệt chỉ tốn 0.2 kWh, trong khi máy sấy quần áo ngưng tụ cần 0.5 kWh.
– Không gây ảnh hưởng tới không khí, không đào thải khí nóng, và có thể đặt ở bất cứ không gian nào
Tuy nhiên, nhược điểm của nó là khối lượng nặng nên cũng không để chồng lên máy giặt, ngoài ra, nó cũng cần thời gian sấy lâu hơn chút so với các dòng máy sấy khác (lâu hơn tầm 10-20p thôi).
Ngoài ra, máy sấy bơm nhiệt cũng có mức giá rất đắt, từ 20 triệu đồng trở lên, và đắt hơn so với các dòng máy sấy ngưng tự hoặc thông hơi ở cùng khối lượng sấy. Nguyên nhân là do máy được tích hợp thêm cả một dàn trao đổi nhiệt bằng môi chất lỏng, nó tương đương cả một chiếc điều hòa nên chi phí đầu vào sản xuất không hề rẻ.
Với các đặc điểm này, máy sấy quần áo bơm nhiệt hiện vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên có lẽ tương lai với các lợi ích của nó thì người tiêu dùng có điều kiện sẽ chuyển sang sử dụng dòng máy này phổ biến hơn.
Nếu bạn đang có nhu cầu mua máy sấy quần áo các loại, đừng quên sử dụng Websosanh để tìm hiểu các thông tin hữu ích và tìm được nơi bán máy sấy quần áo uy tín với mức giá tốt nhất nhé.