Tin tức về Kính lọc
Kính lọc
Thông tin về Máy ảnh - Máy quay phim, Phụ kiện máy ảnh - máy quay phim, Kính lọc
Tìm hiểu về kính lọc trên máy ảnh
Kính lọc luôn là phụ kiện quan trọng trong nhiếp ảnh, vậy kính lọc là gì, có vai trò như thế nào? Cùng Websosanh tìm hiểu và cho mình câu trả lời:
1. Kính lọc máy ảnh là gì?
Kính lọc hay filter là dụng cụ quang học bổ trợ máy ảnh, bao gồm một lớp kính có tác dụng nhất định đối với một hoặc vài thành phần ánh sáng, nhằm bảo vệ ống kính, cảm quang hay tạo ra những hiệu ứng bất ngờ cho ảnh. Ở một số máy du lịch cao cấp, kính lọc đã được tích hợp sẵn trong ống zoom và thường là loại kính giảm sáng để chụp trong điều kiện ánh sáng chói. Đối với các máy DSLR, chúng thường được gắn trên miệng ống kính và có nhiều chủng loại để chọn.
2. Có những loại kính lọc/filter máy ảnh nào?
Để đápp ứng các mục đích khác nhau, người ta cũng cho ra mắt các loại kính lọc không giống nhau, cụ thể:
2.1 Kính lọc UV
Mục đích ban đầu khi chiếc kính lọc này tạo ra nhằm loại bỏ lớp mờ gây ra bởi ánh sáng cực tím phản chiếu bụi trong không khí. Đây là loại kính lọc rất thông dụng bởi khả năng bảo vệ ống kính của nó trước những mối nguy hại tiềm ẩn trong quá trình tác nghiệp như va chạm, trầy xước hay bụi bẩn, nước biển….Hãy xem kính lọc này như một phần của những ống kính đắt tiền của bạn.
2.2 Kính lọc phân cực tròn Circular Polarizing Filter (CPL)
Bộ kính lọc CPL là chiếc kính lọc rất cần cho những buổi chụp ngoài trời vào những ngày nắng gắt bởi công dụng giảm chói hiệu quả. Chúng làm cho màu trời, màu nước xanh hơn và có chiều sâu hơn, làm giảm sự phản chiếu trên bề mặt nước và thuỷ tinh rất độc đáo. Ưu điểm lớn nhất của kính lọc phân cực tròn là bạn có thể chỉnh hiệu ứng bằng cách xoay ở mặt trước ống kính của bạn. Điều đó có nghĩa bạn có thể thỏa sức sáng tạo với các hiệu ứng và quyết định hiệu ứng nào tuyệt nhất cho mỗi bức hình. Một bộ lọc phân cực làm việc hiệu quả nhất khi được sử dụng đúng góc so với mặt trời.
2.3 Kính lọc Neutral Density Filter (ND)
Kính lọc ND làm giảm cường độ sáng đến cảm biến của máy ảnh, giúp ta kéo dài thời gian chụp ảnh dưới nguồn ánh sáng mạnh. Kính lọc ND cho phép bạn chồng ghép các chuyển động của dòng chảy như nước, biển, mây,…tạo ra sự chuyển động mềm mại, bồng bềnh. Bên cạnh đó, kính lọc ND còn tạo trường ảnh (DOF) mỏng hơn dưới cường độ sáng rất mạnh khi cần mở khẩu lớn. Có thể áp dụng cho chụp chân dung trong điều kiện ánh sáng mạnh nhằm đưa tốc độ màn chập về chỉ số thích hợp và có thể đồng bộ được với đèn flash.
2.4 Kính lọc Graduated Neutral Density (GND)
Filter GND hay còn gọi là kính lọc phân cực về cơ bản là một tấm nhựa hoặc thuỷ tinh hình chữ nhật hoặc hình vuông có hai phần tách biệt với một phần tối hơn. Loại filter này luôn phải được “trung tính” vì khi ánh sáng đi qua kính lọc này phải được dảm bảo rằng luôn giữ được tối đa tính chất của nó, tức là không tạo ra bất cứ sự khác biệt về màu sắc hoặc sự sai khác về ánh sáng.
Để đảm bảo cho vùng sáng không bị mất chi tiết thì việc sử dụng filter GND là điều cần thiết. Nếu không sử dụng filter GND, thông thường vùng trời sẽ bị cháy mặc dù vùng tiền cảnh sẽ đúng sáng khi đo sáng vào tiền cảnh, hoặc vùng trời sẽ đúng sáng và tiền cảnh bị tối om nếu đo sáng vào bầu trời.
Tùy nhu cầu sử dụng mà bạn nên cân nhắc chọn cho mình loại kính lọc phù hợp nhất. Ngoài ra, nên tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi chọn để đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất.