Nguyên nhân chính gây ra mụn
Cho đến nay, nguyên nhân thực sự gây ra mụn vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, mụn không phải chỉ do một nguyên nhân mà là kết quả của nhiều yếu tố tác động lẫn nhau gây nên.
Theo nhiều nghiên cứu thì mụn chịu tác động của hai yếu tố chính: nội tiết tố (hormone) và các vi khuẩn sống ở nang lông (vi khuẩn P. ance). Bình thường thì vi khuẩn P. ance không gây hại. Tuy nhiên, khi có quá nhiều chất nhờn và lỗ chân lông bị bít kín sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn này sinh sôi nảy nở, gây viêm nhiễm dẫn đến hình thành mụn mủ và nặng hơn là mụn bọc.
Vào tuổi dậy thì, các hormone sinh dục tăng cao khiến tuyến bã (tuyến nhờn) hoạt động mạnh. Khi có nhiều bã nhờn được tiết ra, miệng tuyến bã có thể bị tắc nghẽn dẫn đến hình thành mụn. Không chỉ ở tuổi dậy thì mà trước chu kì kinh nguyệt, lượng hormone bị xáo trộn nên chị em cũng dễ bị mụn. Ngoài ra, một vài năm trước mãn kinh, một số chị ở tuổi tứ tuần, ngũ tuần có thể bị mụn lại do lượng hormone thay đổi bất thường.
Ngoài ra, mụn cũng có thể sinh ra do:
– Sự mất quân bình hormone (hooc-môn) khiến cơ thể sản xuất quá nhiều chất dầu, gây tắc nghẽn tại lỗ chân lông.
– Sự tích tụ độc tố trong cơ thể: Khi ruột và gan không thể lọc hết chất độc đến từ thực phẩm, lượng chất độc dư ra sẽ được bài tiết qua phổi và da.
– Chế độ dinh dưỡng: Có liên quan chặt chẽ đến sự tích tụ độc tố. Các thực phẩm gây hại cho sức khỏe không chỉ khiến ruột và gan bị tắc nghẽn mà còn gây thiếu hụt vitamin và khoáng chất, làm giảm mức độ hấp thụ năng lượng cũng như ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể.
– Stress: Một số bác sĩ có thể không đồng tình với quan điểm stress gây ra mụn. Nếu chỉ đề cập đến một yếu tố stress thôi thì họ đúng, nhưng những căng thẳng kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone dẫn đến mụn.
– Thiếu ngủ: Cũng làm mất quân bình hormone. Một giấc ngủ sâu là rất cần thiết để toàn bộ cơ thể nghỉ ngơi, đồng thời là giai đoạn để cơ thể giải độc, rất cần thiết cho sức khỏe.
– Di truyền: Đây là yếu tố không thể thay đổi được. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng nếu chỉ riêng yếu tố di truyền thôi thì chưa đủ để gây nên mụn mà cũng cần sự tác động của các yếu tố khác nữa.
– Ánh nắng: nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc phơi nắng quá nhiều cũng gây ra mụn.
– Khí hậu: Sự ẩm ướt có thể tạo ra hơi nước ở lỗ chân lông khiến chúng sưng lên. Ngược lại, quá khô ráo cũng có thể làm cho chất nhờn bị tắc nghẽn ở lỗ chân lông.
– Thói quen nặn mụn: Trong nhiều trường hợp, việc nặn mụn làm dây vi khuẩn từ chỗ này sang chỗ kia, hoặc khiến vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào da. Chị nào từng bị mụn bọc chắc biết, khi mụn mới bắt đầu sưng, nếu cứ dùng ngón tay bóp hoặc nặn thì mụn dễ sưng to và rất đau.
– Áo gối, chăn màn, khẩu trang … bị bẩn: Nên giặt những vật dụng cá nhân định kì để đảm bảo vệ sinh. Đôi khi những chất bẩn bám trên áo gối hay khẩu trang lâu ngày không giặt cũng là yếu tố góp phần gây ra mụn.
Các loại mụn thường gặp
Mụn được chia làm 2 nhóm: Mụn không viêm và mụn viêm. Mụn không viêm lại gồm có mụn đầu trắng & mụn đầu đen (gọi chung là mụn trứng cá hoặc nhân trứng cá – là những túi nang lông chứa đầy chất bã nhờn). Mụn viêm lại gồm có mụn mủ & mụn bọc. Nếu muốn chữa mụn, các bạn cũng nên tìm hiểu rõ xem loại mụn mình gặp phải là mụn gì. Hãy cùng xem cách phân biệt các loại mụn sau đây nhé!
– Mụn đầu trắng: Là nhân trứng cá nằm trong lỗ chân lông kín miệng (còn gọi là mụn kín).
– Mụn đầu đen: Mụn đầu đen là nhân trứng cá nằm trong lỗ chân lông hở miệng (còn gọi là mụn hở) nên bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí gây ra màu đen, khi nặn ra thấy có nhân cứng, phần trên đen, phần dưới màu trắng đục. Mụn đầu đen là tổn thương sớm nhất của mụn trứng cá, nếu không được xử lý có thể chuyển thành mụn viêm.
– Mụn mủ và mụn bọc: Ở các nang lông (lỗ chân lông) có một loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhờ các chất bã ở nang lông. Chúng gây nên viêm nhiễm, làm cho mụn bị sưng đỏ và đau. Nếu viêm nhiễm nhẹ sẽ hình thành mụn mủ. Khi sự viêm nhiễm này xâm nhập sâu vào dưới da sẽ hình thành mụn bọc (là dạng nặng nhất của mụn). Mụn bọc thường rất đau nhức và để lại sẹo sau khi lành.
Một số sai lầm khiến bạn bị mụn “tấn công”
– Chăm sóc da mặt không đúng cách: Nếu nói thế nào là đúng cách thì hơi khó bởi cách chăm sóc da mặt phù hợp là tùy cơ địa của từng người, không có bất kỳ một chuẩn mực nào cả. Tuy nhiên, bạn vẫn cần lưu ý một số nguyên tắc nếu không muốn làn da bị tổn thương do mụn.
* Không rửa mặt quá nhiều lần trong ngày: Bạn chỉ nên rửa mặt 2 – 3 lần mỗi ngày, nếu đi đường bụi bẩn thì có thể tăng lên 3 – 4 lần. Tuyệt đối không nên cứ vào nhà vệ sinh là phải rửa mặt. Nên nhớ rằng việc rửa mặt quá nhiều không cải thiện tình trạng mụn, ngược lại có thể làm rát da, tăng viêm nhiễm. Tuy nhiên “lười” rửa mặt cũng không tốt (mồ hôi và bụi bẩn là môi trường tốt cho vi khuẩn P. ances phát triển).
Tốt nhất nên rửa mặt 1-2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt phù hợp và 3-4 lần/ngày bằng nước, nhất là sau đi ngoài đường về hoặc đổ mồ hôi.
– Dùng quá nhiều mỹ phẩm: Một số loại mỹ phẩm có thể làm cho tình trạng mụn của các bạn trở nên nặng thêm. Tốt nhất các bạn nên chọn những mỹ phẩm có ghi “non-comedogenic” (không gây ra mụn đầu trắng & đầu đen) hoặc “non-acnegenic” (không gây mụn trứng cá). Những sản phẩm này đều đã được thử trên thỏ hoặc người da nhờn nên chúng ít có nguy cơ gây ra mụn hơn.
Tuy nhiên, không có sản phẩm nào đảm bảo 100% không gây ra mụn, vì chúng có thể tốt với người này nhưng lại kích ứng với người khác. Ngoài ra nếu có trang điểm, các chị hãy luôn luôn tẩy trang trước khi đi ngủ nhé!
Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng lẫn lộn các loại mỹ phẩm trong cùng một thời gian với cùng một công dụng bởi có thể các thành phần trong các loại mỹ phẩm khác nhau sẽ khiến da bạn bị dị ứng hoặc không kịp thích nghi, điều này cũng có thể là một nguyên nhân gây ra mụn.
– Chế độ dinh dưỡng – ngủ nghỉ không hợp lý: Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh được rằng chế độ dinh dưỡng và ngủ nghỉ có liên quan mật thiết đến tình trạng da của con người. Vì vậy, tránh ăn uống – ngủ nghỉ không điều độ, hạn chế các thức ăn cay, nóng và tránh thức khuya.
– Nặn mụn – Hay sở tay lên mặt: Đây là thói quen không của riêng ai khi nhìn thấy nốt mụn nào “ngứa mắt” trên mặt. Nhưng điều này sẽ làm bệnh càng nghiêm trọng vì móng tay có thể chứa nhiều vi khuẩn. Đồng thời da mặt sẽ dễ bị sưng tấy vì chưa rửa qua nước trước.
Những nốt mụn thường gây ra cảm giác bức bối chẳng hạn như ngứa, vì vậy nhiều người hay có thói quen sờ lên mặt. Nhưng càng sờ nhiều thì mụn càng bị sưng và trở lên nghiêm trọng hơn.
– Điều trị mụn nhiều cách cùng một lúc – Thay đổi phương pháp liên tục: Khi bị mụn bạn thường nóng lòng muốn chữa khỏi thật nhanh, nhưng việc áp dụng quá nhiều phương pháp cùng một lúc đã phản tác dụng và cho hiệu quả ngược lại. Các thành phần có trong mỗi loại thuốc có thể sẽ phản ứng với nhau gây hại cho khuôn mặt xinh xắn.
Ngoài ra bạn cũng không nên sử dụng nhiều cách cùng một lúc nhưng việc thay đổi phương pháp điều trị như chong chóng cũng là nguyên nhân làm cho mụn vẫn dậm chân tại chỗ (thậm chí tăng thêm). Cái gì cũng cần phải có thời gian, hãy kiên trì nếu bạn đang áp dụng cách chữa trị nào đó.
Hương Giang
Tổng hợp
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam