Để hiểu rằng sữa mẹ trong những ngày đầu rất ít nhưng lại thực sự cần thiết cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ cần tìm hiểu thông tin về các giai đoạn sữa mẹ.
Sữa non
– Sữa non là sữa được tiết ra trong 3 ngày đầu sau khi sinh em bé. Kể cả dê hay bò cũng có sữa non chứ không phải chỉ ở mỗi người. Đặc điểm của sữa non là chỉ tiết ra ít, đặc sánh, màu vàng nhạt/ Hàm lượng beta carotene rất cao, gấp 10 lần so với sữa trưởng thành.
– Tác dụng của sữa non đó là xổ nhẹ, giúp đẩy phân su ra khỏi người bé, giúp bé không bị vàng da. Thành phần trong sữa non còn có rất nhiều immunoglobulin (IgA) – một loại protein giúp chống lại virut đường hô hấp, vi khuẩn, ký sinh trùng trong đường ruột, bởi vậy mà đường ruột cũng như đường hô hấp của trẻ sơ sinh sẽ được bảo vệ, ngăn chặn sự nhiễm trùng.
– Không những thế sữa non còn chứa các chất chống nhiễm khuẩn như lactoferin, lysosim, nitrogen… với tác dụng diệt khuẩn, kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, bảo vệ cơ thể trẻ.
– Sữa non cũng rất giàu vitamin A – vitamin có tác dụng làm giảm nhiễm khuẩn nặng, phòng các bệnh về mắt.
– Hàm lượng vitamin E, kẽm và các yếu tố phát triển trong sữa non cao nên sẽ kích thích hệ tiêu hóa của bé phát triển nhanh hơn sau khi sinh, phòng chống dị ứng và không dung nạp thức ăn.
– Trong mỗi 100 ml sữa non có khoảng:
+ 58 calo
+ Carbohydrates: 5,3 g
+ Chất béo: 2,9 g
+ Protein: 3,7 g Hàm lượng protein trong sữa non cao hơn sữa trưởng thành, giúp trẻ tăng tạo đề kháng chống lại nhiễm trùng sau khi rời khỏi cơ thể mẹ.
Sữa chuyển tiếp
Sữa chuyển tiếp sẽ được sản xuất trong khoảng 2 tuần tiếp theo. Thành phần sữa chuyển tiếp bắt đầu trở nên giống sữa trưởng thành, lượng sữa cũng tiết ra nhiều hơn trước, loãng hơn trước.
Sữa trưởng thành (sữa ổn định)
Sữa trưởng thành hay còn được gọi là sữa ổn định là loại sữa mẹ được sản xuất sau 21 ngày, kể từ ngày cho con bú. Sữa trưởng thành nhiều hơn sữa non và có màu trắng đục hơn.
Trong 1000 ml sữa mẹ trưởng thành có khoảng:
+ 700 calo
+ Nước: 899,7g
+ Carbohydrate: 74g
+ Chất béo: 42g
+ Protein: 13g
+ Cholesterol 100-150 mg / L
+ Canxi 254-306 mg / L
+ Natri 140-220 mg / L
+ Phốt pho 188-262 mg / L
+ Vitamin C 50 đến 60 mg / L
+ Magnesium 35 mg / L
Ngoài ra, trong sữa mẹ trưởng thành cũng chứa một lượng nhỏ kẽm, acid pantothenic, acid nicotinic, iốt, vitamin A và đồng. Sữa mẹ có chứa một lượng nhỏ vitamin và khoáng chất khác (bao gồm cả E, K, D và các vitamin B) và một loạt các kích thích tố, yếu tố tăng trưởng.
Sữa đầu
– Sữa đầu là sữa mẹ được sản xuất vào đầu bữa bú.
– Đặc điểm của sữa đầu là nhiều nước, protein và đường, số lượng rất nhiều. Bởi thành phần nước trong sữa đầu lớn nên đủ để trẻ sơ sinh không cần phải uống thêm nước bên ngoài. Nếu mẹ có thói quen cho con uống nước bên ngoài sẽ khiến con bị thiếu chất, suy dinh dưỡng vì lúc này dạ dày của trẻ đang rất nhỏ, việc uống nước sẽ lấy đi phần không gian cho sữa.
– Sữa đầu có vị lờ lợ gần giống orezol giúp trẻ được bù đắp đầy đủ điện giải.
– Bởi sữa đầu chứa nhiều nước nên nếu bé chỉ bú sữa đầu sẽ chóng đói, thiếu chất.
Sữa cuối
– Sữa cuối là sữa được sản xuất sau sữa đầu, bởi vậy mà nó có nhiều chất béo hơn, màu vàng hơn sữa đầu.
– Chất béo cung cấp năng lượng cho bữa bú và cung cấp thêm cả một số vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, K, E nên cần cho trẻ bú kiệt hết một bên vú mỗi bữa bú để trẻ nhận được đầy đủ lượng chất béo cần thiết.
– Trẻ được bú sữa cuối sẽ no lâu hơn, đủ giá trị dinh dưỡng và trẻ bụ bẫm hơn những trẻ chỉ bú sữa đầu.
Các chất dinh dưỡng và calo trong sữa mẹ có thể thay đổi tùy theo:
– Số ngày mẹ cho bé bú
– Số lần mẹ cho bé bú trong ngày
– Thời gian cho bé bú trong ngày
– Chế độ dinh dưỡng của người mẹ.
Chính vì vậy mà không có sữa mẹ nào giống nhau và cũng các nhà khoa học dù có cố gắng đến đâu cũng không thể sản xuất ra được một loại sữa công thức giống y hệt với sữa mẹ.
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam
Tìm kiếm sản phẩm giá rẻ nhất Việt Nam