Theo thống kê của Google Trends thì cụm từ “ngày độc thân” có tới hơn 5000 lượt tìm kiếm trong ngày 11/11 – xếp thứ 7 trong số các từ khóa phổ biến nhất trên công cụ tìm kiếm lớn nhất tại Việt Nam này. Không chỉ trên Google, mà các cụm từ “ngày độc thân”, “single day” “ngày 11/11” còn ngập tràn các mạng xã hội Facebook, Instagram,…và thậm chí là tại các cửa hàng, nhà hàng trên phố.
Từ một ngày “vô danh” trở thành HIỆN TƯỢNG
Bắt nguồn từ Trung Quốc và được Alibaba tổ chức tới nay là năm thứ 10 liên tiếp, ngày lễ độc thân 11/11 hàng năm là dịp cả Alibaba và AliExpress đưa ra các chương trình khuyến mãi siêu khủng với mức giảm giá sâu cho số lượng lớn các mặt hàng trong 24h của ngày khuyến mãi chính.
Số liệu chính thức cho thấy doanh thu trên tất cả các nền tảng mua sắm khác nhau thuộc Alibaba đã đạt mốc 25.3 tỷ USD chỉ duy nhất trong ngày 11/11/2018 – vượt kỷ lục trước đó vào ngày 11/11/2017 với 19,9 tỷ USD. Và ấn tượng nhất là chỉ mất 85 giây để đạt 1 tỷ USD doanh thu đầu tiên trong ngày 11/11.
Tại Việt Nam, ngày 11/11 vài năm trở lại đây cũng là dịp mà nhiều website thương mại điện tử thực hiện các chiến dịch bán hàng với nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi. Năm 2018, sau khi Lazada được Aibaba rót vốn thì ngày 11/11 càng được “ông lớn” này tổ chức rầm rộ hơn bao giờ hết. Đương nhiên, Tiki, Shopee, Robins và các nền tảng mua sắm khác cũng không bỏ qua cơ hội để đẩy mạnh doanh thu trong ngày lễ độc thân du nhập từ Trung Quốc.
Kết quả là ngày 11/11 vừa qua đã trở thành một điểm sáng trên thị trường Việt Nam với số lượng lớn chưa từng có các chương trình khuyến mãi, giảm giá trên khắp các “mặt trận” và trở thành ngày hội mua sắm của người dân Việt Nam khi mà mua sắm online đã và đang trở nên khá phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Mặc dù chưa có kết quả chính thức cho ngày 11/11 năm 2018, nhưng ngày này năm 2017, Lazada đã có tổng doanh thu tăng tới 245% so với ngày thường. Trong khi năm nay, chương trình khuyến mãi được mở rộng hơn khá nhiều so với năm ngoái.
Thành công nhưng…còn nhiều “sạn”
Cùng với những số liệu đầy khởi sắc trong doanh thu của các kênh thương mại điện tử thì nhen nhóm trong đó là những hố đen của sự phát triển không được kiểm soát của thương mại điện tử Việt Nam.
– Chiếc bánh quy và thực trạng giá ảo
VTV9 trong một chương trình mới đây đề cập tới sự việc “Flash Sale, Lazada bán bánh quy giá trên trời?”. Câu chuyện nói về sự kiện Flash Sale – tạm dịch là “khuyến mãi chớp nhoáng” trong chương trình 11/11 của Lazada tổ chức, trong đó hộp bánh quy chocochip cookies được Lazada giảm giá 30% còn 94,990 đồng, tức là mức giá niêm yết trên Lazada của hộp bánh quy này là 136,000 đồng. Trong khi đó, giá của cùng hộp bánh quy này tại hàng loạt các siêu thị và đơn cử tại Familymart chỉ là 84,000 đồng. Như vậy, ngay khi “giảm giá sốc” nhưng giá mua được trên khuyến mãi 11/11 của Lazada vẫn đắt hơn rất nhiều so với thị trường chung.
Câu chuyện nhỏ này chỉ là một trong rất nhiều các mặt hàng bị người dùng phản ánh là “giảm giá ảo”. Rất nhiều gian hàng trên các sàn thương mại điện tử trong ngày 11/11 vừa qua và cả các đợt khuyến mãi trước đó thường có chiêu nâng giá niêm yết sản phẩm rồi gắn mác giảm giá khủng để khuyến khích người mua, khiến nhiều người rơi vào tình trạng mặc dù mua giá khuyến mãi nhưng lại đắt hơn giá mua ở những nơi không khuyến mãi rất nhiều.
Có lẽ các đơn vị bán hàng này sẽ có thể vẫn giữ được lợi nhuận tốt, nhưng rõ ràng lòng tin của người dùng vào họ đã mất và thực sự khó có thể giúp họ quay lại mua sắm.
– Hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng còn rất nhiều
Có lẽ đây lại là một tình trạng quá phổ biến trong việc bán hàng online tại Việt Nam hiện nay và trong khuyến mãi 11/11 vừa qua không phải là ngoại lệ.
Lấy đơn của về chiếc loa JBL J5 dưới đây, khi chúng tôi tra trên website chính thức của JBL (Mỹ) hoàn toàn không có model tên “JBL J5” mà chỉ có dòng JBL Charge 4 có thiết kế tương tự nhưng mức giá niêm yết là 150 USD, đổi ra tiền Việt là hơn 3 triệu đồng.
Chiếc loa JBL J5 trên đây chỉ là một trong hàng ngàn các sản phẩm giả, nhái thương hiệu bán tràn lan trên các website bán hàng tại Việt Nam. Lợi dụng tâm lý thích hàng hiệu nhưng giá phải rẻ của nhiều người tiêu dùng, nhiều nơi bán thường nhập hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc rồi đăng lên với cái tên chính hãng khiến người tiêu dùng “cắn câu”.
“Tiền nào của ấy” là câu nói vô cùng chính xác. Không ít người dùng vì ham rẻ mà rước về các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí không thể sử dụng được
Cần có một chế tài xử lý nghiêm khắc với hàng giả và khuyến mãi ảo?
Rõ ràng, thương mại điện tử, với nhiều ưu điểm đã và đang trở thành một phương thức mua sắm được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, chính các chương trình khuyến mãi giảm giá “kém chất” như kể trên đây khiến không ít người mất lòng tin vào các trang bán hàng và không mặn mà với phương thức mua sắm mới.
Mặc dù vậy, ở phía các cơ quan quản lý, hiện chưa có quy định cụ thể để xóa bỏ vấn đề này. Bộ Công thương sẽ tổ chức ngày hội mua sắm online – Online Friday vào ngày 7/12 tới và cho biết sẽ nhờ công cụ từ Websosanh để “cấm cửa” các đơn vị bán hàng cố tình gian lận, tuy nhiên, tình trạng có được khắc phục so với năm trước hay không vẫn là điều nhiều người nghi ngại.
Ở phía người tiêu dùng, đương nhiên không nên vì một số trải nghiệm không tốt mà từ chối toàn bộ hệ thống bán hàng trực tuyến, vì trong đó còn có rất nhiều đơn vị bán hàng trung thực, và giảm giá nhờ các biện pháp nghiệp vụ kinh doanh khác chứ không phải giảm chất lượng sản phẩm.
Biện pháp tích cực nhất ở hiện tại được nhiều người dùng lựa chọn là sau khi tìm được khuyến mãi, deal hời thì nên vào các công cụ so giá như Websosanh.vn để kiểm tra xem liệu rằng mức giá hời mình có được có đúng là tốt hay không hay chỉ là khuyến mãi ảo từ người sử dụng.
Tuy vậy, hơn hết cả, những doanh nghiệp, những người bán hàng cần nghiêm túc hơn về việc kinh doanh của mình vì chữ “tín” chính là yếu tố mà tất cả các doanh nghiệp thành công hàng đầu trên thế giới đều chú trọng chứ không nên chỉ chăm chăm vào lợi nhuận để “sớm nở tối tàn”.