Để tránh những sai lầm có thể gặp khi cho trẻ dùng sữa tươi, cha mẹ cần lưu ý những nguyên tắc dưới đây:
1. Thời điểm
Theo các nhà khoa học, chỉ nên cho trẻ dùng sữa tươi khi trẻ đã hơn 1 tuổi. Lý do vì sữa tươi có hàm lượng đạm, can-xi và phốt-pho cao, nếu cho trẻ dưới 1 tuổi uống sẽ dễ có nguy cơ bị quá tải thận. Về lâu dài, làm trẻ có nguy cơ bị cao huyết áp, béo phì ở tuổi trưởng thành. Ngoài ra lượng đạm cao còn gây đầy bụng, khó tiêu, làm trẻ chán ăn. Sữa tươi có ít sắt, nghèo vi lượng nên trẻ dưới 1tuổi có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt, thiếu vi lượng nếu sử dụng sữa tươi như thực phẩm chính.
Vấn đề nên cho trẻ uống sữa tươi lúc nào cũng rất quan trọng. Trước bữa ăn chính 2 giờ thì không nên cho trẻ uống sữa tươi cũng như các thức ăn lặt vặt khác vì có thể làm bé no và biếng ăn khi vào bữa. Chỉ nên cho trẻ uống sau bữa ăn từ 1-2 giờ.
2. Số lượng
Chỉ nên bổ sung sữa tươi vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ trên 1 tuổi, tốt nhất là trẻ trên 2 tuổi với liều lượng khoảng200-300ml/ngày. Trẻ nên được xen kẽ những loại sữa công thức (dạng bột pha hay dạng pha sẵn) vì đã được bổ sung sắt, kẽm, vi chất… cần thiết cho nhu cầu phát triển của trẻ theo các lứa tuổi.
Với trẻ 2-3 tuổi trở lên, có thể cho trẻ uống lượng sữa tươi nhiều hơn, vì lúc này chế độ ăn đa dạng sẽ giúp trẻ nhận đủ các dưỡng chất và trẻ có khả năng tiêu hóa, hấp thu các thức ăn tốt hơn. Với thiếu niên, có thể sử dụng sữa tươi thay sữa bột, đảm bảo tổng lượng sữa từ 500-700ml/ngày. Ngoài ra kết hợp chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất.
Lưu ý về số lượng rất quan trọng, vì nhiều cha mẹ cứ nghĩ sữa tốt cho sức khỏe, nhất là chiều cao của con nên cứ cố “ép” con uống càng nhiều càng tốt. Nếu uống quá nhiều sữa, trẻ sẽ dễ béo phì, hoặc trẻ không được rèn luyện thói quen nhai, lâu dài kén ăn các thức ăn đặc dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu chất xơ gây táo bón, phát triển không cân đối…
Chỉ nên cho trẻ dùng sữa tươi khi trẻ đã ngoài 1 tuổi
3. Loại sữa
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, nếu uống sữa tươi nên chọn sữa nguyên kem, không nên chọn sữa tách béo (trừ khi có chỉ định của bác sĩ) vì lúc này não cần chất béo để phát triển. Trẻ trên 2 tuổi nếu đã thừa cân béo phì thì nên dùng sữa tách béo một phần hoặc toàn phần.
Nếu trẻ đã đủ cân nặng, nên chọn sữa không đường để giảm bớt lượng đường hấp thu nhanh trong khẩu phần vì không có lợi cho sức khỏe. Nếu uống sữa có đường thì sau khi uống nên súc miệng để tránh bị sâu răng (do đường bám trên men răng và bị các vi khuẩn sử dụng, sinh ra acid gây hỏng men răng), đồng thời giảm lượng đường đưa vào cơ thể từ những thực phẩm khác sao cho tổng lượng đường trong ngày dưới 20g.
Sữa tươi bao gồm 3 loại là sữa vắt trực tiếp, sữa thanh trùng và tiệt trùng. Trong đó chỉ nên cho trẻ uống sữa thanh trùng, tiệt trùng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên uống sữa bò vắt trực tiếp vì không đảm bảo sạch vi khuẩn, có nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hóa. Nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm độc cao nhất là với các cơ sở chăn nuôi vắt thủ công, quy trình vắt không sạch, chuồng trại không đúng tiêu chuẩn, bảo quản và vận chuyển không đảm bảo chất lượng.
Các chế phẩm làm từ sữa tươi như ya-ua, váng sữa, phô mai, thường được các bà mẹ sử dụng cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng ở mức vừa phải, giúp trẻ làm quen với nhiều mùi vị và đa dạng hóa thức ăn, nếu sử dụng nhiều thì hiệu quả tương tự uống nhiều sữa tươi. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách dùng hợp lý.
(Theo tư vấn của BS.CK2.Nguyễn Thị Thu Hậu- TK.Dinh dưỡng- BV Nhi Đồng 2)