Jolla Phone có giá bán quốc tế lên đến 399 EUR/ khoảng 11,5 triệu đồng
Nói một cách khác, Sailfish OS không khác gì bản nâng cấp từ MeeGo 1.2 lên 2.0. Tuy nhiên, Jolla muốn khởi nghiệp với con đường sáng lạng hơn, thay vì mang gánh nặng từ phiên bản tiền nhiệm trước đó. Được biết hồi tháng 10 vừa qua, Nokia đã thông báo sẽ ngưng mọi dịch vụ hỗ trợ có liên quan đến 2 nền tảng Symbian và MeeGo vào ngày 1.1.2014.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, thì chuẩn bị bước sang năm 2014 và nhìn lại các cột mốc thiết kế của năm nay, đứng đầu có smartphone màn hình dẻo với khả năng uốn cong và tiếp bước sau đó chính là Jolla, một chiếc smartphone với thiết kế đột phá. Sau đây, mời các bạn cùng xem qua bài đánh giá chi tiết về sản phẩm này.
Kiểu dáng thiết kế
Điều quan tâm hàng đầu ở các nhà sản xuất smartphone không chỉ là máy có cấu hình mạnh mẽ, mà thiết bị đó khi được tung ra thị trường và tiếp cận đến tay người tiêu dùng, phải khiến họ vỡ òa trong kinh ngạc tại cái nhìn đầu tiên.
Jolla Phone đọ dáng cùng iPhone 5S
Và chú “dế” thông minh Jolla đã làm được điều kỳ diệu ấy. Máy có vẻ ngoài thiết kế rất ư là độc đáo, pha lẫn chút lạ và không “đụng hàng” khi so với các dòng smartphone từ cấp thấp đến cấp cao có mặt trên thị trường hiện nay. Thật xứng đáng nằm trong đội ngũ kế thừa sau Nokia N9.
Với 2 tông màu riêng biệt thay nhau bao phủ toàn thân máy và đặc biệt Jolla không chỉ được phối một đến hai gam màu, mà còn rất đa dạng là đằng khác. Chẳng khác chi 7 sắc cầu vồng, lung linh lấp lánh trên bầu trời sau mưa. Khi cầm nắm máy trên tay cảm giác rất cứng cáp, mảnh mai không mảnh mai mà bầu bĩnh cũng không quá bầu bĩnh, máy rất thon gọn và vuông vức.
Jolla có số đo 3 vòng lần lượt là 131,0 x 68,0 x 9,9 mm và trọng lượng khá nhẹ chỉ vào khoảng 141 gram mà thôi. Bất ngờ chưa ngừng lại tại đó, nửa phần phía trước của máy được chế tác hoàn toàn bằng nhôm và nửa phần sau với chất liệu nhựa cao cấp, cả hai bù trừ và hỗ trợ tốt cho nhau.
Như các bạn đã thấy, Jolla được ghép nối từ 2 phần riêng biệt dính liền lại với nhau, nên kích thước của máy cũng phần nào bị cơi nới đáng kể. Chỉ thiếu một chút nữa là ngôi vị siêu mẫu đã thuộc về Jolla. Nhờ vào chất liệu nhựa cao cấp nên phần mặt sau của máy rất sạch và không bị bám dấu vân tay khi sử dụng. Còn về phần mặt trước thì buộc lòng bạn phải dán tấm màn hình cho máy.
Nửa phần trước được làm bằng nhôm và nửa phần sau được chế tác bằng nhựa cao cấp
Trên màn hình của Jolla không được trang bị bất kỳ loại phím điều hướng nào từ vật lý đến cả điện dung, đồng nghĩa với việc bạn chỉ cần vuốt ngang, dọc trên màn hình để điều hướng và truy cập ứng dụng. Có thể những ngày đầu tiếp cận với Sailfish OS bạn sẽ khá lúng túng và khó sử dụng. Nhưng khi trải nghiệm quen dần thì bạn có thể thấy độ hữu dụng của nó rất cao.
Bên dưới màn hình là một dải LED RGB nhỏ và chỉ sáng lên khi điện thoại đang sạc pin hoặc kết nối với thiết bị ngoại vi khác như máy tính bàn chẳng hạn. Trong trường hợp có cuộc gọi nhỡ, cuộc gọi đến, tin nhắn hay email thì dải đèn LED này sẽ phát sáng với các màu sắc tương ứng như xanh lá cây, xanh dương và vàng.
Thoạt nhìn ít ai nghĩ rằng, Jolla không được thiết kế theo dạng nguyên khối liền lạc. Mà trên thực tế, bạn có thể tháo ốp lưng của máy ra và tùy thích thay đổi pin hay các phụ kiện kèm theo như khe cắm thẻ nhớ microSD và cả microSIM.
Đáy máy có dải loa ngoài và một lỗ Mic nằm ở phần trên
Đỉnh máy có cổng tai nghe 3.5mm, cổng MicroUSB, một lỗ Mic thứ 2 và logo thương hiệu Jolla
Cạnh phải có bộ đôi nút tăng giảm âm lượng và nút nguồn/ khóa màn hình
Cạnh trái không được trang bị gì cả
Phần mặt sau được tích hợp chip NFC
Bạn có thể “tháo tung” Jolla để tùy thích thay đổi pin, SIM và cả thẻ nhớ
Đa dạng màu sắc cho bạn chọn lựa chọn
Màn hình hiển thị
Jolla được xây dựng xung quanh một màn hình IPS LCD 4,5-inch, đây được xem là kích thước phổ biến nhất cho các dòng smartphone tầm trung trên thị trường hiện nay. Với khả năng hiển thị hình ảnh ở độ phân giải qHD (960 x 540 pixels), kết hợp cùng mật độ điểm ảnh lên đến 245ppi.
Độ sáng màn hình ở mức 50 – 100% của Jolla so với các đối thủ (cao hơn là tốt hơn)
Tỷ lệ tương phản dưới ánh nắng mặt trời (cao hơn là tốt hơn)
Những con số hiển thị vừa nêu thật đáng thất vọng, trong khi trên thị trường “hằng hà sa số” smartphone tầm trung đều được trang bị màn hình chuẩn HD. Bù lại Jolla được phủ một lớp kính bảo vệ Gorilla Glass 2 trên bề mặt nhằm chống lại các tác nhân gây trầy xước không mong muốn cho máy.
Độ tương phản, độ bảo hòa màu sắc và thậm chí cả góc nhìn không tài nào bì kịp siêu phẩm tầm trung Moto G của Google.
Cấu hình phần cứng và nền tảng điều hành
Jolla sử dụng vi xử lý lõi kép Qualcomm Snapdragon 400 xung nhịp 1.4GHz, kết hợp cùng nhân đồ họa Adreno 305. Với dung lượng RAM tiêu chuẩn 1GB cùng bộ nhớ trong lên đến 16GB, có thể giúp máy xử lý đa nhiệm tốt hơn và lưu trữ được nhiều dữ liệu hơn, ngay cả khi chưa dùng đến khe cắm thẻ nhớ microSD tối đa 64GB.
Bạn có thể làm theo hướng dẫn từ cộng đồng developers để truy cập vào được Play Store, tham khảo tại đây
Jolla sẽ “sống chết” cùng nền tảng Sailfish OS khi được bán ra. Điểm đặc biệt ở hệ điều hành này và cũng là chướng ngại đầu tiên cho người dùng mới tiếp cận, chính là không được trang bị bất kỳ phím ảo nào để điều hướng, thật phá cách khi so với iOS, Android hay Windows Phone chẳng hạn.
Có thể nói tiền thân của Sailfish OS chính là MeeGo người bạn chí cốt của huyền thoại Nokia N9. Ngoài ra, người dùng có thể chạy các ứng dụng Android thông qua 2 cửa hàng trực tuyến Yandex.Store và Amazon Appstore cung cấp.
Đối với các ứng dụng “cây nhà lá vườn” trên Jolla store thì chỉ mới có khoảng 70 ứng dụng mà thôi. Tuy nói rằng, Jolla có thể chạy được các ứng dụng Android, nhưng thực tế thì chỉ bó buộc ở một con số nhất định mà thôi (hiện tại là thế). Người dùng không thể truy cập vào cửa hàng Play Store của Google mà tải về các ứng dụng Android đúng nghĩa.
Trước mắt, Sailfish OS vẫn còn khá mới chẳng khác gì là bản beta và giao diện cũng chưa được trực quan cho lắm. Vì thế người dùng Jolla trong thời gian tới chắc chắn sẽ nhận được các bản cập nhật đáng mong đợi hơn với nhiều bất ngờ thú vị.
Video trải nghiệm nhanh nền tảng Sailfish OS trên Jolla
Máy ảnh và thời lượng dùng pin
Smartphone Jolla có máy ảnh chính 8MP phía sau, kết hợp cùng đèn LED Flash và một camera phụ phía trước có độ phân giải lên đến 2MP (quay video 720p tốc độ 15fps). Camera chính có thể quay video Full HD 1080p ở tốc độ 30fps, tương đương với thông số trên iPhone 5S (công nghệ cảm biến ảnh thì thua xa). Nhưng có lẽ không mấy ấn tượng khi so với các “binh đoàn” Android và cả Windows Phone.
Giao diện camera tối giản
Bạn có thể truy cập nhanh đến camera ngay khi còn ở ngoài lockscreen (kéo xuống cho đến khi camera được kích hoạt) hoặc từ một phím tắt được thiết lập sẵn. Một cử chỉ vay mượn từ Android cho phép bạn swipe từ phía bên cạnh để xem hình ảnh và video vừa được ghi lại, nhưng cần lựu ý rằng bạn swipe đúng hướng, bởi vì bạn có thể sẽ mở các thiết lập hoặc tệ hơn là thoát khỏi phần chụp ảnh.
Camera phụ phía trước nằm kề cạnh dải loa thoại
Tuy Jolla ấn tượng với hầu hết các thao tác swipe, nhưng ở khâu máy ảnh thì buộc lòng bạn phải kéo xuống và chọn xóa, sau đó chờ đợi các bộ đếm thời gian khoảng 2 giây (trong thời gian này bạn có thể chọn hủy bỏ). Không có tùy chọn gắn thẻ địa lý, mặc dù máy có A-GPS và GLONASS cho phép để tag vào ảnh.
Mặt sau có camera chính và đèn LED Flash trợ sáng
Một điểm trừ nữa là camera của Jolla không được tích hợp tính năng HDR, Panorama và cả chế độ chụp đêm (night mode). Từ chế độ chụp ảnh mặc định thì máy chỉ có thể ghi hình ở độ phân giải 6MP (tỷ lệ 16:09) mà thôi, nếu muốn thay đổi đúng chuẩn ảnh mà mình mong muốn thì bạn phải vào Settings và chọn tỷ lệ hình ảnh 4:3, đồng nghĩa với chất lượng 8MP.
Một vài ảnh chụp thử của Jolla Phone giữa khí trời lạnh lẽo và âm u (đã resize)
4 bức ảnh trên được chụp ở tỷ lệ 16:9…
… Và tấm này là tỷ lệ 4:3
Bitrate cho video 1080p tốc độ 30fps của Jolla là 12Mbps. Con số chưa thực sự cao lắm khi so với iPhone 5S và Galaxy S4 là 17Mbps
Với thỏi pin Li-Ion 2100 mAh (7,98 Wh) của Jolla có thời gian hoạt động tối đa…
– Màn hình tắt, tất cả các kết nối (bao gồm cả mạng điện thoại di động) OFF, nếu tiêu thụ 0,2% điện năng mỗi giờ, thì thời gian chờ tối đa 500 giờ
– Màn hình tắt, tất cả các kết nối (bao gồm cả mạng điện thoại di động) OFF, nếu tiêu thụ 1,7-2,5% điện năng mỗi giờ, thì thời gian chờ trung bình 48 giờ
– Màn hình tắt, mạng di động ON, nếu tiêu thụ 1,7-2,8% điện năng mỗi giờ, thì thời gian chờ trung bình 43 giờ
– Màn hình tắt, mạng di động ON, WLAN ON, các tài khoản đang đồng bộ dữ liệu, nếu tiêu thụ 2,4-4,6% điện năng mỗi giờ, thì thời gian chờ trung bình 30 giờ (phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu đồng bộ)
– Sử dụng bình thường, nếu tiêu thụ 3,6-14,3% điện năng mỗi giờ, thì thời gian sử dụng dao động từ 7 đến 28 giờ tùy mức độ
– Sử dụng xuyên suốt, màn hình sáng vừa phải, nếu tiêu thụ 5,9-14,3% điện năng mỗi giờ, thì thời gian sử dụng dao động từ 7 đến 17 giờ tùy mức độ
– Sử dụng xuyên suốt, màn hình sáng tối đa, nếu tiêu thụ 10,0-30,5% điện năng mỗi giờ, thì thời gian sử dụng dao động từ 3 đến 10 giờ tùy mức độ (kiểm tra chủ yếu chơi game Angry Birds)
Cùng nhìn lại cấu hình cơ bản của Jolla Phone:
– Màn hình: IPS LCD 4.5-inch, độ phân giải qHD (960 x 540 pixels), Gorilla Glass 2, mật độ điểm ảnh 245ppi
– Chipset: Lõi kép Qualcomm Snapdragon 400, Krait 200 xung nhịp 1.4GHz
– GPU: Adreno 305
– RAM: 1GB
– ROM: 16 GB, khe cắm thẻ microSD hỗ trợ lên đến 64GB
– Hệ điều hành: Sailfish OS
– Camera chính: 8MP, tự động lấy nét, đèn LED Flash, quay video 1080p @ 30fps
– Camera phụ: 2MP
– Kết nối có và không dây: 3G/ 4G, NFC, A-GPS GLONASS, Wifi chuẩn n, Bluetooth 4.0 LE, microUSB 2.0
– Pin Li-Ion: 2100 mAh
– Kích thước: 131 x 68,0 x 9,9 mm
– Trọng lượng: 143g
– Tính năng đặc biệt: Có thể chạy ứng dụng Android thông qua Yandex.Store và Amazon Appstore
Kết luận
Jolla Phone hiện đang được bán ra tại thị trường châu Âu, Thụy Sĩ và Na Uy với giá 399 EUR/ khoảng 11,5 triệu đồng (giá trị hiện hành). Vậy theo bạn, Jolla có đáng với tầm giá vừa nêu hay không?
Ưu điểm
– Thiết kế mang tính đột phá
– CPU mạnh mẽ
– Bộ đôi camera hoàn hảo và có cả đèn LED Flash
– Thời lượng pin tốt
Nhược điểm
– Màn hình kém
– Hệ điều hành non trẻ với số lượng ứng dụng còn thua cả Windows Phone
– Giá thành tương đối cao
Minh Dương (tổng hợp)