Thiết kế Dell Inspiron G5 15 5500 vẫn rất chắc chắn, nhưng ngoại hình xấu hơn năm ngoái
Giữ nguyên triết lý thiết kế đặc trưng của dòng Inspiron, G5 5500 năm nay vẫn sử dụng chất liệu chủ yếu là nhựa, thân máy dày dặn và bản lề cứng cáp. Tuy nhiên về mặt thẩm mỹ nó lại hơi mất điểm vì trông không có nét đặc trưng nào của một chiếc laptop gaming cả, thậm chí trông còn xấu hơn model G5 5590 năm ngoái.
Chi tiết nắp máy được nhái theo phong cách HP Pavilion 16, có lẽ là để nó có chút điểm nhấn cho giống với laptop chơi game, nhưng thực tế không tạo được hiệu quả như vậy. Mặt khác, không hiểu sao Dell lại phủ cho nó lớp hoàn thiện Metallica IMR, trông thì bóng bẩy và rực rỡ thật đấy nhưng thiếu đi vẻ hầm hố mà các game thủ cần.
Về mặt công thái học, trọng lượng 2.4kg phải nói là rất nặng, nặng hơn hầu hết laptop gaming trong tầm giá này. Dù vậy, xét đến thiết kế mỏng nhẹ hiếm khi là ưu tiên đối với laptop chơi game giá rẻ, nên nhìn chung cũng không có gì đáng để chê trách G5 5500 cả.
Chiếc laptop này sẽ đi với hệ thống loa kép nằm ở hai bên hông. Nó cũng có một webcam nằm ở mép trên màn hình. Ngoài ra, cảm biến vân tay được tích hợp với nút nguồn, máy hỗ trợ Windows Hello nên bạn có thể mở khóa bằng vân tay hoặc mã PIN.
Về cổng kết nối, máy gồm có 2 cổng USB 2.0, 1 cổng USB 3.2, 1 USB-C hỗ trợ DisplayPort, 1 Ethernet, 1 HDMI 2.0, jack 3.5mm và khe cắm thẻ nhớ SD. Tùy chọn kết nối không dây bao gồm WiFi 802.11b/g/a và Bluetooth 5.0.
Màn hình độ phân giải tầm trung, nhưng tần số quét 120Hz cực kỳ tuyệt vời
Màn hình của Dell G5 5500 có kích thước 15,6 inch, tấm nền LCD độ phân giải FHD +. Đánh giá chung thì màn hình này của nó không quá nổi bật về mặt hiển thị, độ sáng màn cũng chỉ đạt 300 nits và độ phủ màu sRGB cũng chỉ 95%. Nhưng mà được cái tần số quét của màn lại lên đến 120Hz, thành ra màn hình này lại được đánh giá là cao hơn so với nhiều màn hình có độ phân giải cao hơn. Khi chơi game, tần số quét cao mang lại trải nghiệm khung hình mượt mà và trôi chảy hơn.
Mặt khác, Dell cũng phủ lên cho nó một lớp chống chói để đem lại trải nghiệm xem tốt hơn ngay cả khi có nguồn sáng mạnh chiếu trực tiếp vào màn hình.
Nhìn chung, màu sắc và mức độ bão hòa màu trong game hoặc xem các nội dung giải trí đều tốt nhưng bị hạn chế ở khoản không dùng để thiết kế đồ họa được.
Bàn phím và Touchpad
Bàn phím của G5 5500 là dạng chiclet full-size phổ biến. Một điểm cộng của nó là do khung máy lớn cho nên khoảng cách giữa các phím được giãn ra một cách hợp lý, giúp cảm giác gõ bớt chật chội. Bàn phím có đèn nền để hiển thị vào ban đêm nhưng chỉ có màu xanh neon và hai mức độ sáng có thể điều chỉnh. Nhìn chung như thế cũng khá là ổn.
Về trải nghiệm gõ, hành trình phím khá nông và phản hồi tương đối tốt, dù là gõ văn bản hay chơi game với bàn phím này cũng không gặp quá nhiều khó khăn.
Touchpad của máy tương thích với Windows Precision Drivers do đó mang đến trải nghiệm vuốt chạm và đa cử chỉ rất mượt mà. Diện tích của touchpad có phần lớn hơn một chút so với kích thước phổ thông nên có nhiều không gian để thao tác hơn.
Cấu hình và hiệu suất của Dell G5 5500 2020
Về cấu hình, model dùng để đánh giá trong bài sử dụng CPU Intel i5-10300H thế hệ thứ 10, thuộc dòng Comet Lake 14n của Intel. Nó có 4 lõi, 8 luồng và tốc độ xung nhịp là 2.49GHz, boots lên 4.5GHz. RAM 8GB DDR4 trên bo mạch, cùng với SSD 512GB M.2 NVMe PCIe. Đây là cấu hình cơ bản của Dell Inspiron G5 15 5500.
Rõ ràng, với cấu hình như vậy thì đây là cỗ máy có khả năng đáp ứng mọi loại khôi lượng bạn ném vào CPU. Trên thực tế, laptop hoạt động rất mượt mà với các tác vụ văn phòng thông thường, không có gì để phàn nàn cả.
Trong các bài đánh giá điểm chuẩn, Dell G5 cho thấy sự hứa hẹn khi đạt 1.161 điểm đơn lõi và 4.256 điểm đa lõi trên Geekbench 5. Điểm chuẩn Cinebench R23 kiểm tra hiệu suất CPU đạt 5.267 và 1.031 tương ứng với đa lõi và đơn lõi. Điểm trên PCMark 10 thì tạm chấp nhận được với 4.398. Đối với tốc độ đọc/ghi của ổ SSD, G5 5500 có thông số lần lượt là 2.324 MB/s và 1.238 MB/s trên CrystalDiskMark. Cuối cùng, khả năng đồ họa của nó là 3.770 điểm trên 3Dmark’s TimeSpy.
Card đồ họa của máy là GPU Nvidia GTX 1650 Ti 4GB VRAM. Với mức giá này, nếu nó được trang bị chiếc 1660 Ti thì sẽ hợp lý hơn, nhưng đúng thật, với một chiếc laptop gaming giá rẻ thế này thì 1650 Ti đã là rất đủ. Hàng loạt các tựa game FPS và MOBA như CS:GO, Valorant hay Call of Duty: Warzone chạy rất trơn tru ở setting High trong vòng một giờ, sau đó hiệu suất bắt đầu giảm dần.
Trong CS:GO, fps dao độngtừ 100-125 còn trên Warzone là 85, phạm vi chấp nhận được. Một số tựa game nặng về đồ họa hơn như Shadow of the Tomb Raider đạt 55fps trong khi Far Cry 5 là 62fps.
Có một điểm cần lưu ý là trong khi chơi game, ta có thể tăng cường hiệu suất trò chơi nhanh bằng cách nhấn phím F7 (Game-Shift), nhưng lúc này quạt sẽ kêu rất là ồn.
Về khả năng tản nhiệt, nó có hai khe tản nhiệt khá rộng ở phía sau nhưng chưa thực sự hiệu quả lắm, máy vẫn ấm lên khá là nhanh khi hoạt động với hiệu suất cao.
Nói thêm một chút về âm thanh. Với cặp loa ở hai bên, G5 15 5500 tạo ra âm thanh tương đối lớn với chất lượng tốt nhưng âm trầm hơi thiếu chiều sâu và âm cao không quá rõ rệt. Nhưng nhìn chung, chúng vẫn khá là tốt.
Thời lượng pin
Về pin, Dell G5 15 5500 2020 được trang bị pin 51Whr hỗ trợ sạc nhanh, chỉ cần khoảng 1,5 giờ là sạc đầy. Khi không kết nối adapter, máy sẽ tự động giảm hiệu suất xuống để có thời lượng pin tốt hơn. Nếu sử dụng máy ở mức độ vừa phải (không chơi game, không chạy tác vụ nặng) thì máy trụ được khoảng 5 giờ.
Nên mua Dell Inspiron G5 15 5500 hay không?
Với giá bán 28 triệu đồng cho cấu hình thấp nhất, phải nói rằng chiếc laptop gaming này là hơi đắt so với các đối thủ cùng định mức cấu hình. Nhưng bù lại, ta sẽ có màn hình tần số quét 120Hz hết sức tuyệt vời và hệ thống loa nổi bần bật không cần phải đeo tai nghe. Nếu bạn là người dùng dân văn phòng, cần một chiếc laptop vừa có thể làm việc tốt, vừa có thể chơi game giải lao thì Dell G5 là một lựa chọn tốt. Chỉ cần lưu ý một điều, nếu chơi game trong văn phòng thì bạn nên chỉnh hiệu suất ở mức vừa phải để quạt không kêu quá ồn, tránh làm phiền người khác nhé.